Sở Quản lý và Phân phối điện Gia Lai – Kon Tum (12/1976).
Sau năm 1975, ngành điện tỉnh Gia Lai - Kon Tum chỉ với 50 cán bộ nhân viên đã tiếp quản các thiết bị phát điện gồm: 03 cụm máy phát diesel gồm 5 tổ máy (2.200kW) tại Pleiku, 3 tổ máy (800kW) tại Kon Tum, 4 tổ máy (700kW) tại AyunPa để cấp điện cho Pleiku, Kon Tum, AyunPa với sản lượng điện năm 1976 là 3,78 triệu kWh.
Từ năm 1991, Điện lực Gia Lai - Kon Tum đã tách thành Điện lực Gia Lai và Điện lực Kon Tum. Khi đó, Điện lực Gia Lai chỉ có 97,6 km đường dây 15 kV; 128 trạm biến áp phân phối; 104,4 km đường dây hạ áp; sản lượng năm là 28,17 triệu kWh.
Đến tháng 7/1994, Nhà máy thủy điện Ry Ninh (3,6MW) đi vào vận hành. Sau đó 4 tháng, TP. Pleiku đã bắt đầu được nhận điện lưới Quốc gia từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500kV. Đến tháng 02/1999, Krông Pa là huyện cuối cùng của tỉnh được nhận điện lưới Quốc gia. Đây là giai đoạn khỏi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội của tỉnh nhà khi lưới điện Quốc gia phủ khắp các địa phương trong tỉnh.
Năm 2012, lưới điện phân phối tỉnh Gia Lai được nhận điện từ hệ thống điện Quốc gia qua 6 TBA 110kV với tổng công suất lắp đặt là 213 MVA và 26 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện với tổng công suất đặt 197MW; 1 nhà máy điện diesel Biển Hồ (6,2MW); 01 trạm pin mặt trời ghép thủy điện nhỏ xã Trang 125kW.
Năm 2016, lưới điện phân phối của tỉnh Gia Lai đã phát triển được 09 TBA 110kV với tổng công suất lắp đặt là 328 MVA; đường dây truyền tải cấp điện trung thế 4.500km; đường dây truyền tải hạ thế 4.242km; số khách hàng sử dụng điện 360.775. Toàn tỉnh đã có 222/222 phường, xã, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%.
Vào cuối năm 2016, PC Gia Lai được Tổng công ty Điện lực miền Trung đầu tư dự án MiniSCADA, bắt đầu triển khai việc giám sát điều khiển từ xa thông qua nguồn vốn vay của Công ty ABB Oy Phần Lan. Sau hơn một năm triển khai dự án, hệ thống này chính thức được đưa vào hoạt động, Trung tâm điều khiển được thiết lập tại nhà điều hành PC Gia Lai, các điểm kết nối là các trạm biến áp 110kV và hơn một trăm thiết thiết bị đóng cắt phân tán trên lưới điện trung áp, khởi đầu cho chương trình chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0.
Kết thúc năm 2019, tất cả 9/9 trạm biến áp 110kV (100%) thuộc PC Gia Lai quản lý được chuyển qua vận hành từ xa, không cần nhân viên trực tại chỗ, tất cả đều được giám sát thông qua hệ thống camera, hệ thống cảnh báo an ninh, hệ thống giám sát và điều khiển hiện đại trên phần mềm MicroSCADA SYS600 của hãng ABB Phần Lan.
Tại Trung tâm điều khiển, chỉ cần một click chuột trên giao diện vận hành thì thiết bị tương ứng được vận hành từ xa mà không cần nhân viên trực tiếp thao tác tại hiện trường. Đây là sự phát triển vượt bậc trong công tác vận hành lưới điện phân phối tỉnh Gia Lai, giúp tăng năng suất lao động, giảm được rất nhiều nhân công phục vụ công tác vận hành lưới điện. Cùng với đó, việc chuyển nguồn lưới để cấp điện cho khách hàng hoặc khôi phục các sự cố mất điện thoáng qua cũng trở nên dễ dàng bằng các thao tác click chuột ngay tại Trung tâm điều khiển.
Trong quá trình thực hiện chương trình tự động hóa lưới điện, các kỹ sư SCADA thuộc PC Gia Lai đã phối hợp với các bên liên quan để nắm bắt công nghệ, tự phát triển và mở rộng kết nối hệ thống miniSCADA. Năm 2018, đã kết nối 3 trạm biến áp 110kV, 118 thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp. Tính đến nay, PC Gia Lai đã thực hiện mở rộng kết nối SCADA cho 13/13 TBA 110kV, gần 500 thiết bị đóng cắt trung áp.
Kỹ sư PC Gia Lai vận hành lưới điện phân phối từ Trung tâm điều khiển thông qua phần mềm MicroSCADA SYS600 của hãng ABB Phần Lan.
Bên cạnh đó, các kỹ sư SCADA PC Gia Lai cũng đã nghiên cứu phát triển các chương trình, các giải pháp gia tăng trên hệ thống SCADA hiện hữu bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Đó là kết nối trực tiếp với các tủ recloser bằng phần mềm riêng của từng hãng thông qua hệ thống SCADA. Theo đó, ngay khi hệ thống SCADA Gia Lai được đưa vào vận hành chính thức, PC Gia Lai đã xây dựng quy trình kết nối các phần mềm đến các Recloser trên lưới điện trung áp giúp cho người vận hành có thể giao tiếp trực tiếp với tủ điều khiển thiết bị để thu thập các bản tin, đánh giá sâu hơn về thiết bị mà không cần đến trực tiếp tại hiện trường. Giải pháp này giúp cho các kỹ sư Trung tâm điều khiển có thể phân tích ngay các sự kiện được ghi nhận trên thiết bị, có thể thay đổi các cấu hình từ xa một cách tiện lợi, có thể thực hiện điều chỉnh linh hoạt cho thiết bị.
Bên cạnh đó là các giải pháp như thiết lập các hàm cảnh báo trào lưu công suất vượt quá giới hạn mang tải tức thời trên các đường dây 110kV thông qua hệ thống SCADA, từ đó nhân viên vận hành Trung tâm điều khiển thực hiện điều tiết đảm bảo tối ưu nguồn phát và phụ tải tiêu thụ, đảm bảo lưới điện 110kV vận hành an toàn. Hay giải pháp xây dựng phần mềm thu thập dữ liệu trên các thiết bị đóng cắt phân đoạn, thiết lập giới hạn cảnh báo nguy cơ quá tải qua vị trí đặt thiết bị trên lưới điện trung áp, đặt biệt trong trường hợp có các nguồn phân tán phát ngược lên hệ thống. Giải pháp này được thực hiện bằng cách xây dựng một phần mềm giao tiếp, thiết lập đường truyền một chiều đảm bảo quy định về an ninh hệ thống SCADA, thực hiện chuyển thông tin từ hệ thống SCADA đến các đơn vị quản lý qua email và tin nhắn. Ngoài ra, các kỹ sư SCADA còn xây dựng chương trình mô phỏng các tình huống sự cố, ứng dụng thử nghiệm chức năng tự động hóa lưới điện phân phối FLISR/DAS cho hệ thống SCADA để thử nghiệm trên mô hình trước khi cho hoạt động trên hệ thống chính thức.
Từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023, PC Gia Lai đã hoàn thành dự án thí điểm tự động hóa mạch vòng lưới điện phân phối (DAS), vượt tiến độ Tổng công ty Điện lực miền Trung giao. Dự án này là một phần nâng cấp cao hơn trong vận hành lưới điện trung áp thông qua hệ thống SCADA. Theo đó, PC Gia Lai đã xây dựng thí điểm bốn mạch vòng trung áp tại thành phố Pleiku với 8 xuất tuyến từ hai trạm biến áp 110kV Pleiku và 110kV Diên Hồng với việc đầu tư các thiết bị đóng cắt, các thiết bị kết nối cũng như hệ thống thông tin hiện đại đáp ứng tiêu chí cao của DAS. Khi đưa các mạch vòng DAS vào hoạt động đã giúp cho hệ thống SCADA tự động phát hiện nhanh sự cố, tự động cô lập, tự động tái cấu trúc lưới điện một cách thông minh, làm giảm việc gián đoạn cấp điện cho các khách, giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện ở mức cao nhất.
Dự kiến từ nay đến đầu năm 2024, PC Gia Lai sẽ tiếp tục phát triển thêm 11 mạch vòng DAS tại các điện lực, nâng cao tính năng tự động hóa trên lưới điện phân phối tỉnh Gia Lai.
Việc không ngừng đẩy mạnh hiện đại hóa toàn bộ lưới điện của PC Gia Lai sẽ đảm báo cung ứng điện an toàn, liên tục, tin cậy cho khách hàng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.