Khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn đang gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Bất chấp một mùa đông ôn hòa hơn tại thành phố New York hay London, khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn đang gây ra nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt đối với những người dân vốn phải vật lộn với lạm phát.
Mới đây, việc Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng tới càng khiến giá dầu tăng cao. Trước đó, hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng đã ngấm đòn lạm phát. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng khiến hệ thống năng lượng chung của thế giới trở nên mong manh và nhạy cảm hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, giá năng lượng năm 2023 dự kiến sẽ tăng hơn 75% so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA ước tính số lượng người dân phải dành ít nhất 10% thu nhập cho hóa đơn năng lượng đã tăng thêm 160 triệu người từ năm 2019 đến năm 2022, qua đó góp phần thúc đẩy lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Số người không có điện để dùng cũng đang tăng lên, lần đầu tiên sau 20 năm IEA theo dõi thống kê.
“Thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên - một cú sốc về quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.
Phóng viên tờ Bloomberg mới đây đã trò chuyện với 5 người dân tại 5 quốc gia khác nhau để tìm hiểu xem đà tăng giá năng lượng đã tác động như thế nào tới cuộc sống của họ.
Đức là quốc gia đặc biệt dễ tổn thương trước cú sốc năng lượng. Dù giá đã giảm từ mức cao nhất vào năm 2022, song hóa đơn năng lượng trung bình vẫn tăng khoảng 60% trong tháng 1 so với 2 năm trước đó, theo trang web dữ liệu Check24 của Đức.
Tyrone Stallone, diễn viên hài 30 tuổi sống trong căn hộ cho thuê 1 ngủ ở Berlin, giờ đây không dám đi chơi với bạn để tiết kiệm tiền. Anh thậm chí còn không tắm vòi hoa sen, mặc thêm quần áo và tắt đèn thường xuyên nhất có thể.
“Thật điên rồ. Tôi chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì giống như vậy, ”anh nói.
Theo Bộ trưởng Kinh tế nước này, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể sẽ góp phần gây ra suy thoái nhẹ ở Đức trong năm nay. Quốc gia này hiện đã lên kế hoạch chi 83,3 tỷ Euro trợ cấp khí đốt và điện để hỗ trợ người dân.
Tại Mỹ, New England là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá năng lượng. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, giá điện tiêu dùng trung bình đã tăng 20% trong tháng 11 so với một năm trước đó. Nó thậm chí còn được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục hơn 200 USD mỗi megawatt giờ, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.
Tại Auburn, Maine, nơi nhiệt độ giảm mạnh xuống -26 độ C vào cuối tuần trước, Candice Northrup đang lo thùng dầu sưởi của mình cạn vào lúc nửa đêm. Chi phí để đổ đầy nó lên tới 775 USD cho 200 gallon, gần gấp đôi so với năm ngoái, song cũng chỉ kéo dài khoảng 6 tuần nếu thời tiết thuận lợi.
“Nếu trời lạnh, chúng tôi chỉ đủ dùng trong 1 tháng,” cô nói. “Chi phí năng lượng ở Maine quá cao đối với một gia đình trung lưu bình thường”.
Tyrone Stallone, diễn viên hài 30 sống trong căn hộ cho thuê 1 ngủ ở Berlin.
Không chỉ New England, tại Thành phố New York, giá khí đốt tự nhiên cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2003. Nhà cung cấp năng lượng thành phố Con Edison thậm chí còn cảnh báo khách hàng rằng hóa đơn tháng này có thể sẽ tăng 12%. Hóa đơn điện nhiều nhà đã lên tới 800 USD.
Theo dữ liệu khảo sát tháng 12, khoảng 25% hộ gia đình Mỹ buộc phải bỏ qua các nhu yếu phẩm cơ bản như thuốc men và thực phẩm chỉ để thanh toán hóa đơn năng lượng. Trong số các hộ gia đình thu nhập dưới 35.000 USD/năm, tỷ lệ đó là hơn 50%; trong khi các hộ gia đình da màu là gần 30%.
Tại Anh, Claire Blaney, 39 tuổi, sống tại vùng West Midlands, đang phải trả khoảng 50 bảng Anh (60 USD) mỗi tuần chỉ để sưởi ấm. Tính cả tiền điện, hóa đơn năng lượng của cô đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Chồng mất do COVID-19, người phụ nữ này vừa phải dựa vào trợ cấp, vừa phải vật lộn kiếm tiền.
“Chi phí năng lượng trong mùa đông này là vô cùng lớn. Thật điên rồ”, Claire Blaney nói.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, giá điện tại Anh đã tăng hơn 65%, trong khi giá gas tăng hơn gấp đôi sau 12 tháng.
Tắt máy sưởi nhà vệ sinh, mặc áo len cao cổ và hạn chế đi ra ngoài - Đó là lời khuyên mà cư dân Tokyo nhận được để tiết kiệm điện. Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu hầu hết nhu cầu năng lượng, đang phải trải qua đợt siết chặt nguồn cung mới vào mùa đông này.
Jason Thorn, người đàn ông sống tại Koriyama cách Tokyo khoảng 150 dặm về phía bắc, đang sử dụng màng bọc để giữ ấm.
Jason Thorn, người đàn ông sống tại Koriyama cách Tokyo khoảng 150 dặm về phía bắc, đang sử dụng màng bọc để giữ ấm. Học các mẹo sống sót qua mùa đông trên Youtube, anh quyết định dán chúng lên cửa sổ với hy vọng ấm được chút nào hay chút ấy.
“Trời lạnh kinh khủng. Tôi liên tục phải tìm kiếm những chỗ không có gió lùa”, Jason Thorn phàn nàn sau khi nhìn tờ hóa đơn tiền điện.
Được biết mới đây, nhà cung cấp điện lớn nhất của đất nước - Công ty Điện lực Tokyo TEP đã xin phép chính phủ tăng giá đối với các hộ gia đình. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên TEP làm như vậy kể từ tháng 9/2012 và điều này có thể khiến hóa đơn tiền điện của Thorn tăng tới 30% kể từ tháng 6.
Còn tại Australia, Angela Finch, mỗi khi đi tắm, bật máy giặt hay thực hiện bất kỳ công việc gia đình đơn giản nào, đều cố gắng tính xem nó sẽ tiêu tốn bao nhiêu năng lượng.
“Tối nay sẽ tốn bao nhiêu tiền để bật lò nướng nhỉ? Liệu tôi có đủ tiền để trả không, hay chúng ta nên tìm thứ gì đó rẻ hơn để hâm nóng?”, người phụ nữ 42 tuổi nói. “Tôi không dám đi chơi. Tôi đi ngủ sớm lắm và sẽ ngồi trong bóng tối khi bọn trẻ đã ngủ”.
Link gốc