Tin thế giới

Khuyến cáo sử dụng đèn tuýp gầy và chấn lưu điện tử

Thứ tư, 17/10/2007 | 00:00 GMT+7

Với thông điệp “Gầy tốt hơn béo”, các nhà khoa học và ngành điện lực khuyên người sử dụng thay thế đèn tuýp thông thường T10 (hay còn gọi là đèn tuýp béo) và chấn lưu sắt từ bằng đèn tuýp T8 và T5 (còn gọi là đèn tuýp gầy) kết hợp với chấn lưu điện tử để tiết kiệm nguồn điện cho quốc gia.

 

              

Đèn tuýp gầy khi kết hợp cùng chấn lưu điện tử có thể giúp người sử dụng tiết kiệm được 30% điện năng thắp sáng và tăng 20% độ sáng.

Số liệu từ EVN cho thấy, năm ngoái Việt Nam thiếu 1,1 tỷ kWh điện, năm nay dự báo thiếu 6,6 tỷ kWh. Dự kiến hai năm nữa, số điện năng thiếu hụt sẽ lên đến hơn 10 tỷ kWh.

Một cuộc khảo sát thực hiện vào đầu năm nay cho thấy, có 89% người dân được hỏi không quan tâm đến việc tiết kiệm điện trong chiếu sáng vì cho rằng chiếu sáng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số điện năng tiêu thụ của gia đình, văn phòng và nhà xưởng. Tuy vậy, trên thực tế, điện năng cho chiếu sáng trung bình chiếm tới 17% tổng điện năng tiêu thụ.

TS Trần Đình Bắc, Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho rằng, Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về chiếu sáng. Vì vậy, người quản lý chưa nhận thức đủ tầm quan trọng của chiếu sáng, còn người sử dụng thì thiết kế tùy tiện, lựa chọn và lắp đặt theo ý thích.

Việt Nam đang sử dụng 60 triệu bóng đèn nung sáng và 80 triệu bóng đèn huỳnh quang để chiếu sáng.

Hiện trên thế giới có bốn loại bóng đèn huỳnh quang, gồm một loại bóng đèn béo và ba loại bóng đèn gầy. Bóng đèn béo T12 (đường kính 38mm) ra đời năm 1932, bóng đèn gầy T8 (26mm) ra đời năm 1970, bóng đèn gầy T2 (7mm) năm 1993 và mới nhất là T5 (16mm) ra đời năm 1996.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Phó trưởng Ban Kinh doanh điện nông thôn thuộc EVN cho biết, bóng đèn gầy T8 được sử dụng phổ biến ở các nước tiên tiến từ thập niên 80. Các nước trong khu vực đã sử dụng phổ biến loại đèn này từ năm 1994.

Từ cách đây ba năm, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được T8,  khiến cho giá thành loại bóng đèn này hạ xuống đáng kể và chỉ chênh lệch khoảng 5 nghìn đồng so với bóng đèn béo.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, trên thị trường, chấn lưu điện tử chênh lệch khoảng 20 nghìn so với chấn lưu sắt từ. Trong một gia đình sử dụng năm bộ bóng đèn tuýp trung bình 10 giờ/ngày, thì bằng việc thay thế bóng đèn tuýp gầy và chấn lưu điện tử, trong vòng ba năm có thể tiết kiệm tới hơn 480 nghìn đồng. Không những thế, chất lượng sáng ổn định và tăng tới 20% độ sáng.

Hiện có bốn nhà sản xuất và cung cấp đèn tuýp gầy tại Việt Nam là Rạng Đông, Điện Quang, Osram và Philips. 

Theo Nhân dân ĐTử