Ảnh minh họa.
Được thành lập vào tháng 6/2011, công ty năng lượng Shizen (Shizen Energy) là một trong những công ty năng lượng tái tạo “sinh sau, đẻ muộn” ở Nhật Bản. Với số vốn đầu tư 607 triệu yen (khoảng 5,62 triệu USD), Shizen Energy chỉ là một doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 8 năm thành lập, Shizen Energy đã có trong tay 64 nhà máy năng lượng tái tạo. Vậy điều gì đã giúp Shizen Energy phát triển với “tốc độ thần kỳ” như vậy?
Sau khi thành lập, Shizen Energy đã bắt tay ngay vào thực hiện dự án năng lượng tái tạo đầu tiên. Địa điểm mà công ty này lựa chọn để đặt nhà máy chính là thành phố Koshi thuộc tỉnh Kumamoto. Đây là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 62.000 người và thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp.
Shizen Energy đã mạnh dạn đề nghị chính quyền Koshi cho phép xây dựng một nhà máy điện Mặt Trời trên nền đất của một nhà máy xử lý rác thải cũ. Sau một thời gian thi công, tháng 12/2012, “sản phẩm đầu tay” của Shizen Energy đã chính thức đi vào hoạt động với công suất 1 MW.
Trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tiên, Shizen Energy tiếp tục mở rộng đầu tư cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo trên khắp đất nước Nhật Bản. Cũng giống như nhà máy đầu tiên, đa số các dự án sau này đều sử dụng lại nền đất bị bỏ hoang của các nhà máy không còn hoạt động hoặc các dự án treo. Nhờ vậy, việc xin cấp quyền sử dụng đất cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng gặp thuận lợi như vậy. Một số dự án sẽ không thể triển khai nếu không có sự chấp thuận của người dân địa phương, nhất là những dự án sử dụng đất nông nghiệp. Dự án Năng lượng điện quang nông nghiệp Koshi là một ví dụ như vậy.
Khác với dự án đầu tiên, dự án này có sự tham gia của chính quyền thành phố Koshi và nhà máy xay xát lúa mỳ Kumamoto. Nhưng theo ông Kota Takao, Trưởng phòng quản lý dự án của Shizen Energy, vì dự án có quy mô khá lớn nên công ty đã phải tiếp xúc với người dân địa phương để thuyết minh dự án và lấy ý kiến của người dân xem họ có đồng ý để triển khai dự án này hay không.
Để có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người dân địa phương, ban lãnh đạo Shizen Energy đã đưa ra sáng kiến phân bổ một phần nguồn thu từ các dự án điện mặt trời để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Ông Takao nói: “Khi lập dự án năng lượng Mặt Trời, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch bảo tồn nghề nông ở địa phương và lớn hơn là bảo vệ rừng quốc gia. Nhờ vậy, chính quyền địa phương đã cho phép chúng tôi triển khai dự án này”.
Trong dự án này, Shizen Energy trích 5% lợi nhuận từ việc bán điện (khoảng 2 triệu yen) để phân bổ cho các dự án duy tu và nâng cấp cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương ở thành phố. Một phần cổ tức của ba chủ đầu tư (khoảng 5 triệu yen) sẽ được phân bổ cho Quỹ phát triển nông nghiệp Koshi để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp địa phương.
Việc phân chia thu nhập như vậy được tiến hành trong suốt thời gian tồn tại của dự án. Nhờ vậy, dự án này không chỉ mang lại lợi nhuận cho Shizen và nguồn thu cho thành phố Koshi, mà còn góp phần phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.
Ông Yoshinari Hamada, Phó Thị trưởng thành phố Koshi, nói: “Chúng tôi đã hợp tác với Shizen Energy để triển khai dự án với tên gọi Dự án nhà máy điện Mặt Trời thúc đẩy phát triển nông nghiệp Koshi. Dự án này đã cung cấp điện năng cho người dân thành phố, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và cải thiện môi trường nơi đây”.
Với sáng kiến trên, Dự án Năng lượng điện quang nông nghiệp Koshi đã giành giải thưởng “Điện Mặt Trời của Năm” (Solar Power of the Year) thuộc hệ thống Giải thưởng năng lượng châu Á. Đây được coi là giải thưởng “Oscar” cho các công ty năng lượng trong khu vực.
Ngoài dự án tại Koshi, Shizen Energy cũng áp dụng mô hình tương tự tại dự án nhà máy điện gió Karatsu Minato ở tỉnh Saga. Bắt đầu từ tháng 1/2016, Shizen Energy đã xây dựng một nhà máy điện gió với công suất 2MW trên đất nông nghiệp ở thành phố Karatsu của tỉnh này. Nhà máy này đi vào hoạt động thương mại vào tháng 2/2018. Đây là dự án điện gió đầu tiên mà Shizen Energy thực hiện ở Nhật Bản.
Và cũng như dự án điện Mặt Trời ở Koshi, trong dự án điện gió Karatsu Minato, Shizen Energy có kế hoạch phân bổ 1% lợi nhuận từ dự án cho việc duy trì nghề nông và hỗ trợ phát triển nông nghiệp địa phương. Giờ đây, “1% cho cộng đồng” đã trở thành phương châm trong các dự án do Shizen Energy thực hiện, theo đó công ty sẽ phân bổ một phần lợi nhuận (thường là 1%) để hỗ trợ phát triển kinh tế ở địa phương đặt nhà máy.
Cùng với giải pháp “1% cho cộng đồng”, Shizen Energy đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để huy động vốn cho các dự án năng lượng. Trong bối cảnh nguồn vốn của công ty vẫn còn eo hẹp, Shizen Energy đã tìm nguồn tài trợ cho các dự án này thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, vay vốn từ các tổ chức tài chính hoặc các nhà đầu tư, và đặc biệt là huy động vốn từ những người dân địa phương. Dự án nhà máy điện Mặt Trời Sukagawa-shi Tateyama ở tỉnh Fukushima là một ví dụ như vậy.
Tất cả các bên tham gia vào dự án, từ chủ dự án, chủ sở hữu đất và nhà tài trợ vốn, đều là các doanh nghiệp và người dân địa phương. Chính nhờ các biện pháp linh hoạt như vậy, cho đến tháng 6/2018, Shizen Energy đã có trong tay 64 nhà máy năng lượng tái tạo ở Nhật Bản (bao gồm cả các dự án hợp tác phát triển), với tổng công suất khoảng 800 MW, trong đó 696 MW điện Mặt Trời, 100 MW điện gió và 0,2 MW thủy điện.
Về mục tiêu của Shizen Energy, ông Takao cho biết trong bản kế hoạch năng lượng mới mà Nội các Nhật Bản thông qua hồi tháng 7/2018, chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung điện năng lên từ 22-24% vào năm 2030. Đây cũng là mục tiêu mà Shizen Energy theo đuổi trong thời gian tới.