Kinh nghiệm quản lý, điều hành các dự án lưới điện trọng điểm

Chủ nhật, 9/1/2022 | 09:08 GMT+7
Mỗi công trình truyền tải điện hoàn thành là dấu ấn của sự quyết tâm, nhiệt huyết cũng như những kinh nghiệm từ quá trình học hỏi, trau dồi nâng cao kỹ năng, kiến thức của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB). 

Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Những năm gần đây, nhiều dự án, công trình lưới điện trọng điểm cấp bách đã được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khẩn trương đầu tư xây dựng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm chi phí vận hành chung của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, tạo điều kiện vận hành kinh tế hệ thống điện sau năm 2025. 
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương về bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án. Trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc đã kịp thời ban hành nhiều văn bản, công điện tới các địa phương để hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết các điểm nóng. Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm cấp bách thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, ứng vốn kịp thời khi chưa ký được hợp đồng vay vốn, cùng với Ban quản lý dự án làm việc cụ thể với các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia điều phối việc cung cấp vật tư thiết bị, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong EVNNPT. Đồng thời giám đốc Ban quản lý dự án phải trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
 
Về chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, theo ông Tuyển phải tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương. Thủ tục kê kiểm, áp giá.... phải làm đúng trình tự qui định ngay từ đầu, trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian. Đặc biệt, phải bám sát chính quyền địa phương các cấp để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết. Đồng thời tiếp cận cùng chính quyền từ cấp huyện/xã tuyên truyền, vận động, giải thích,... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
 
Trong quá trình triển khai các dự án, thực tế là từ việc tổ chức tốt hoạt động của các Ban tiền phương đã mang lại hiệu quả rất quan trọng. Đối với giai đoạn nước rút, các Ban tiền phương yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc theo ngày; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công… Trên cơ sở đó, Ban tiền phương điều độ hằng ngày (thường vào ban đêm) với các đơn vị thi công để kiểm điểm tiến độ, đề xuất thống nhất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công…. Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, các Ban tiền phương kịp thời báo cáo với lãnh đạo cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát chặt chẽ.
 
Mặt khác, sự phối hợp của các đơn vị tham gia dự án cũng đóng góp không kém phần quan trọng để quyết định tiến độ và chất lượng dự án. Giám đốc CPMB cho biết, các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch, tuy nhiên cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị xây lắp, của các Công ty truyền tải điện cho các đơn vị chậm và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến, sau khi đơn vị thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn tất.
 
Một kinh nghiệm nữa theo ông Tuyển là chọn thời điểm để phát động thi đua phấn đấu hoàn thành các khối lượng còn lại của dự án. Theo đó, Ban Quản lý dự án cần tổ chức tốt tuyên truyền vận động trước và sau đợt phát động thi đua, tổ chức họp dân để tuyên truyền về chế độ chính sách, mục đích ý nghĩa dự án và yêu cầu của Nghị định Chính phủ. Sau khi đã đủ các điều kiện theo quy định, tổ chức vận động tuyên truyền đến các đơn vị thi công để hiểu về mục đích dự án. Mục đích là để nhân dân hiểu và ủng hộ dự án, công nhân các đơn vị thi công cũng hiểu và biết được tầm quan trọng khi đưa được dự án vào sớm. Đây là thành công trong công tác tuyên truyền vận động thông qua đợt phát động thi đua liên kết của các dự án trọng điểm mà CPMB đã từng đảm nhiệm.
 
Ngoài ra, vai trò tổ chức điều hành của các Ban điều hành, Ban tiền phương cũng rất hiệu quả khi tiếp tục khắc phục các khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp chiến lược để hoàn thành các dự án trọng điểm cấp bách, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch, đặc biệt với các dự án đường dây 500kV mạch 3, các dự án giải tỏa công suất các nhà máy điện (NMĐ) BOT và các nhà máy điện năng lượng tái tạo…
 
Cụ thể, Ban điều hành sẽ điều hành chi tiết việc thi công, thường xuyên có mặt tại công trường để huy động tối đa và điều phối nguồn lực của các đơn vị tham gia công trường. Đồng thời kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, từ đền bù, bàn giao mặt bằng thi công, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu đến điều phối cung cấp vật tư thiết bị…để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án.
 
Trong bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban điều hành, Ban tiền phương luôn bám sát chính quyền địa phương các cấp từ đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết.
 
CPMB còn tổ chức họp điều độ tuần ở cấp CPMB tại công trường, điều độ tháng ở cấp EVNNPT, điều độ quý ở cấp EVN để đôn đốc tiến độ, giải quyết các vướng mắc giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thi công xây lắp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị xây lắp, hội đồng bồi thường địa phương.... Hàng tuần, các đơn vị thi công phối hợp với các bên liên quan lập dự kiến tiến độ tuần tới và khối lượng thực hiện được trong tuần gửi về CPMB, Ban điều hành, Ban tiền phương để tổng hợp báo cáo EVN/EVNNPT....
 
Để tiếp tục các dự án lưới điện trọng điểm, cấp bách “về đích” đúng hạn, CPMB đề nghị EVNNPT tiếp tục hỗ trợ CPMB làm việc với các địa phương để giải quyết những vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án. Đồng thời đề nghị EVNNPT cho áp dụng đấu thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp) cho các dự án trạm biến áp (TBA), đấu thầu PC (cung cấp hàng hóa và xây lắp) cho các dự án đường dây (bao gồm tư vấn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng). Trường hợp các dự án không áp dụng EPC, PC, sẽ gom một số dự án có tiến độ tương đương để tổ chức đấu thầu cùng thời điểm. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm cả lập thiết kế kỹ thuật có kèm điều kiện; đảm bảo 100% các gói thầu đủ điều kiện đấu thầu qua mạng, từ đó nâng cao năng lực Ban Quản lý dự án. 
 
Để đảm bảo nguồn chi phí hoạt động của các Ban Quản lý dự án và đảm bảo công tác giám sát được đồng bộ ngay từ đầu, từ mục tiêu tiến độ, chất lượng dự án, các điều kiện để đảm bảo vận hành sau này, giảm thiểu việc xử lý tồn tại khi bàn giao dự án hoàn thành,… đồng thời tối ưu hóa chi phí trong đầu tư xây dựng các dự án lưới điện, CPMB cũng kiến nghị EVNNPT cho phép các Ban Quản lý dự án tiếp tục phối hợp với các Truyền tải phối hợp thực hiện giám sát theo Thỏa thuận giao việc đã ký để đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai thi công. 
 
Đối với các dự án trạm biến áp, cho phép CPMB tự thực hiện giám sát. Trường hợp CPMB không đủ lực lượng tư vấn giám sát sẽ thành lập gói thầu để đấu thầu theo quy định.
 
Đối với các dự án đường dây cho phép thành lập gói thầu (theo hình thức Tự thực hiện hoặc đấu thầu công tác giám sát hiện trường). Các Ban Quản lý dự án phối hợp thực hiện phần việc gián tiếp còn lại theo quy định về phạm vi công việc của tư vấn giám sát nêu tại điều 26, Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng tương tự như các dự án trước đây đã thực hiện.
Mai Phương