Phóng sự

Ký sự điện

Thứ sáu, 26/6/2020 | 10:21 GMT+7
Năm nay, bước vào đầu tháng 6, từng đợt nắng nóng kéo dài liên tiếp và theo như nhận xét của bên khí tượng thủy văn thì 27 năm nay chưa có đợt nắng nóng nào kéo dài với nhiệt độ cao đến như vậy, ngoài trời nhiệt độ lên tới 62 độ C. 

Đoàn công tác kiểm tra công tác ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
 
Với khí hậu như vậy, thì dẫu cho đã xây dựng các phương án đảm bảo điện cho mùa hè thì vẫn bị động trong cung cấp điện. Mọi tính toán về tăng trưởng phụ tải đều như bị vô hiệu trước thời tiết khắc nghiệt. 
 
Nắng nóng quá thì dù có muốn tiết kiệm đến thế nào thì đối với những gia đình đã lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ cũng không thể không bật. Thứ nhất, để bảo đảm sức khỏe, không chỉ cho người lớn là trụ cột gia đình mà còn cho trẻ nhỏ và người già. Thế nên trong thời gian nắng nóng gay gắt, sản lượng điện dùng điều hòa nhiệt độ chiếm từ 60% đến 65% tổng sản lượng tiêu thụ của mỗi gia đình. Sản lượng tiêu thụ điện tăng dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng, ảnh hưởng đến “hầu bao” của nhiều gia đình. Người nghèo thì vốn ít thiết bị sử dụng bằng điện, nhất là những thiết bị điện “ngốn điện” thường chỉ có ở những gia đình có mức thu nhập từ trung bình trở lên mới có như: Điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh…đó là nguyên nhân chính mà hóa đơn tiền điện của các hộ nghèo  không  bị tăng đột biến. Do có nắng nóng đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ có quạt điện, mà quạt điện thì không phải là thứ “ngốn điện” nên việc dùng có nhiều hơn so với những ngày bình thường thì sản lượng cũng không mấy tăng cao. Nhóm thứ hai không rơi vào tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến là những khách hàng sử dụng “kịch khung” giá điện nên việc tăng sản lượng điện tiêu thụ cũng không vì thể mà gây ra đột biến. Nhóm còn lại sẽ bị tác động khi sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm, dẫn đến rơi vào khung giá điện cao hơn, chính sự “vượt khung” này là một trong những nguyên nhân gây ra đột biến trong hóa đơn tiền điện.
 

Đoàn công tác kiểm tra công tác ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
 
Nhớ vào những năm 70, 80 thế kỷ trước, không cần về các miền quê xa xôi nào, mà ngay ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, nhiều xã không có điện, chứng kiến khi đêm về nhìn ánh đèn dầu leo lét mới thấy hết được bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của người nông dân khi đón nhận ánh điện. Có điện, đời sống bà con sung sướng thêm lên nhưng bên cạnh cái sung sướng là nỗi lo dúm dó như bị “điện giật” mỗi kỳ phải nộp tiền điện. Ở thời điểm ấy, ngành điện còn “giật gấu vá vai” để lo làm sao có thêm nguồn điện, nên chỉ có vốn đầu tư lưới điện bán trực tiếp được cho người dân ở đô thị, như: Thành phố, thị xã, thị trấn. Vì vậy, điện ở vùng nông thôn do các HTX đứng ra quản lý hoặc giao cho cai thầu, giá điện ở nông thôn mỗi nơi mỗi giá và thông thường là cao gấp rất nhiều lần so với giá điện do ngành điện bán trực tiếp cho khách hàng khu vực đô thị. Một gia đình ở khu vực nông thôn chỉ dùng hai bóng đèn, một chiếc tivi, mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng tiêu thụ đến 30 số điện với giá ít nhất 1.400đ/kWh, trong khi đó giá ở bậc thang khởi điểm do ngành điện bán trực tiếp là 450đ/kWh. Vô lý không, vô lý. Bất công không, bất công. Kỳ họp Quốc hội nào cũng có nhiều ý kiến về giá bán điện ở nông thôn và đây cũng là đề tài hết sức sôi nổi ở các kỳ họp Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố. Thế mà cùng đến mãi tận năm 2009, tức là sang thế kỷ 21 gần 10 năm, người dân nông thôn mới được hưởng giá điện như người thành phố.
 
Lại nhắc đến những năm thiếu điện, có ai quan tâm đến giá điện, đến hóa đơn tiền điện, vì có đủ điện dùng đâu. Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương, quyết sách mới đối với ngành Điện, đó là, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành nghị quyết về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Xác định cơ sở hạ tầng điện lực là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm được Nhà nước tập trung, ưu tiên các nguồn lực và cơ chế chính sách để đầu tư phát triển. Theo đó, Chính phủ đã cho phép các các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm được áp dụng cơ chế đặc biệt, hàng loạt công trình được triển khai và đi vào vận hành đã chấm dứt thời kỳ thiếu điện. Thậm chí, khi Nhà máy thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành, hệ thống điện Việt Nam đã có 20% công suất dự phòng. 
 
Mặc dù những năm gần đây luôn cảnh báo tình trạng thiếu điện có thể xảy ra vào các mùa hè, nhưng chưa năm nào phải cắt điện luân phiên như trước. Đây là sự cố gắng thực sự đáng được ghi nhận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi phải gồng gánh khoản thiếu hụt công suất do một số dự án nguồn ngoài EVN không được đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch. Nói một cách khác là “vỡ quy hoạch”. 
 
Điện dẫu chưa thật dư dả nhưng khách hàng không phải “thắt lưng buộc bụng”, mặc dù vậy, cứ như “đến hẹn lại lên”, năm nào EVN cũng có những khoản chi phí để thực hiện chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả. Có người thắc mắc, đối với sản phẩm điện, tại sao càng dùng nhiều thì giá càng cao? Nhưng họ lại không đặt câu hỏi, tại sao ngành điện lại phải bỏ tiền ra để tuyên truyền cho khách hàng tiết kiệm điện mà không phải tuyên truyền để bán được nhiều điện. Nghịch lý này chính là câu trả lời cho giá điện bậc thang. Hỗ trợ người nghèo chỉ là một phần mang tính nhân văn mà mục tiêu quan trọng hơn là tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Nếu không muốn xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than, không muốn xây đập ngăn nước hồ thủy điện, không muốn 25 năm sau phải xử lý những núi pin mặt trời…thì hãy tiết kiệm điện. Chính sách giá điện đã hướng tới điều này.

(Còn nữa)
Thanh Mai