Công nhân PC Lâm Đồng tuyên truyền tiết kiệm điện cho các em học sinh.
Cứ ngỡ đây là những nội dung khô khan, các em học sinh khó tiếp nhận và chịu lắng nghe. Ấy vậy nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Các em học sinh trung học phổ thông đã không chỉ rất chăm chú lắng nghe mà còn liên hệ với thực tế, mới thấy các bạn nhỏ rất ham thích việc chia sẻ thông tin về điện như thế nào.
Đặc biệt, sau buổi tuyên truyền, các bạn nhỏ học sinh đã áp dụng “ngay và luôn” những điều mình vừa được nghe.
Bạn Thiên Ngân, lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Tụi con nghe tuyên truyền rồi thì được thực hành tiết kiệm điện luôn bằng những việc làm ngay trước mắt như tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi lớp, tắt cái thiết bị phục vụ trong giờ học khi không còn sử dụng. Thật ra những việc này cũng đã được các thầy cô nhắc nhở nhiều lần trước đây, nhưng vì chưa thật sự hiểu vấn đề nên rất nhiều khi tụi con còn lơ là, nhưng này thì vừa hiểu, vừa biết những “chuyện nhỏ” về tiết kiệm điện này sẽ có ảnh hưởng lớn đến những việc khác nên tụi con không lơ là nữa”.
Cô Đặng Thị Thu Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Di Linh, tâm sự: “Đối với các em học sinh, việc tuyên truyền tiết kiệm điện đạt hiệu quả, thiết thực nhất bằng những hành động của giáo viên, những người lớn trong gia đình. Những hành động thường ngày sẽ có những tác động vào nhận thức của các em. Chính các cô giáo trong trường là những tuyên truyền viên tiết kiệm điện thông qua việc làm hàng ngày . Tuy nhiên, những kiến thức cụ thể, chính xác từ nhân viên ngành điện hướng dẫn cho các em biết về hiệu quả của tiết kiệm điện như thế nào, về những tác động của “việc làm nhỏ” mà “hiệu quả lớn”, thì các em càng tự giác vì đã thấm vào bên trong các em hơn”.
Công nhân PC Lâm Đồng tuyên truyền tiết kiệm điện đến các hộ canh tác rau trong nhà kính.
Đặc thù là vùng đất quanh năm mát, không phải sử dụng máy điều hòa, quạt gió nhưng không vì thế mà đội ngũ cán bộ, công nhân viên Hội chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt không thực hiện việc tiết kiệm điện. Bằng nhiều cách thức khác nhau như sử dụng đèn led thay cho bóng đèn compact, tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, tắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng… là những việc làm nhỏ nhưng không phải ai cũng nhớ đến.
Anh Võ Đăng Thái Bình, cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt chia sẻ thêm: “Chúng tôi thường tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm và khi không cần thiết. Đồng thời khi cải tạo hoặc trang bị mới các thiết bị hiệu suất cao, chúng tôi thường sử dụng thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng… và tất nhiên chúng tôi cũng vận động những người thân trong gia đình mình, dạy các em nhỏ tạo dựng ý thức tiết kiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Việc chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt cũng được các đơn vị quan tâm và thực hiện nhiều “chiến lược” cải cách nhằm tiết kiệm điện một cách tối đa như việc áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm, chiếu sáng ở những đường phố chính sử dụng đèn natri cao áp, chiếu sáng ngõ nhỏ và đường dành cho người đi bộ sử dụng đèn natri thấp áp có công suất nhỏ và đèn compact, còn chiếu sáng quản trường dùng đèn metal halide. Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng vườn hoa, công viên thực hiện giảm 50% công suất chiếu sáng vào giờ cao điểm buổi tối của hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn chiếu sáng vườn hoa, công viên trừ các dịp ngày lễ, tết trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Dong, Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 3 cho biết thêm “Hệ thống chiếu sáng ở khu phố này luôn được cài đặt để thực hiện việc tiết kiệm điện tối đa nhất. Ngoài việc nhận được tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền tiết kiệm điện, tổ dân phố còn phối hợp với Điện lực Đà Lạt tuyên truyền cách thức tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, các hộ dân còn ký cam kết việc thực hiện tiết kiệm điện. Hộ nào có cách thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả sẽ được nhân rộng như sử dụng đèn led, bình nước nóng năng lượng mặt trời…”.
Chính những buổi tuyên truyền, các tờ rơi mà bà Dương Ngọc Minh (Quán tạp hóa 28, đường 3/4, thành phố Đà Lạt) cho biết thêm “Hầu hết các hộ gia đình ở khu phố này đều ý thức trong việc sử dụng những thiết bị điện tiêu thụ điện quá lớn trong thời gian cao điểm của hệ thống điện. Hầu hết chúng tôi đều sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện như compact, đèn led hoặc bóng đèn huỳnh quang T5, T8, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Thực ra, việc tiết kiệm điện chính là tiết kiệm chính túi tiền của mình. Vì vậy, chị em phụ nữ thường có vai trò tiên phong trong lĩnh vực này”.
Doanh nghiệp – phải đi đầu trong tiết kiệm điện
Công ty TNHH Hùng Vinh (thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), một doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ có những cách làm sáng tạo, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo được môi trường làm việc sạch, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Công ty đã nghiên cứu “máy tạo nhiệt”, tận dụng lượng gỗ phế phẩm trong quá trình chế biến để đốt, tạo nhiệt cho lò sấy gỗ. Trong trường hợp nhiệt độ cao quá mức cho phép (75ºC), hệ thống sẽ đưa lượng nhiệt thừa vào lại máy để tái tạo mà không gây lãng phí.
Ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Hùng Vinh cho biết, với hệ thống tạo nhiệt này, mỗi tháng công ty giảm được một lượng điện tiêu thụ đáng kể và trung bình một năm tiết kiệm được trên 60 triệu đồng tiền điện. Công ty Hùng Vinh còn lắp đặt hệ thống hút bụi 40 mã lực, thu gom toàn bộ lượng bụi, mùn cưa thải ra. Mỗi ngày, hệ thống hút khoảng 300 kg bụi mùn cưa và những phế phẩm này được đưa vào máy tạo nhiệt cho gỗ sấy.
Là doanh nghiệp chuyên chế biến nông sản sấy khô, đông lạnh, hầu hết các công đoạn từ sơ chế, chế biến đến đóng gói đều sử dụng điện, trong đó hệ thống từ cấp đông đến sấy khô của nhà máy đều được tự động hóa nên Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên (thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) luôn ý thức về việc tiết kiệm để nâng cao sức cạnh tranh. Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Anh cho biết toàn bộ hệ thống chiếu sáng ở doanh nghiệp này đều sử dụng đèn compact để giảm lượng điện tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty còn tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời từ những của sổ đến các vật liệu tạo độ sáng.
Công ty cổ phần Tân Phát (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng), doanh nghiệp chuyên sản xuất áo đi mưa, cũng đã quyết định sử dụng hệ thống đèn LED 2W thay cho đèn huỳnh quang 40W. Theo đó, từ hơn một năm trước công ty đã chuyển đổi sang sử dụng 230 bộ đèn LED chiếu sáng thay thế cho 280 bộ đèn huỳnh quang 40W. Việc chuyển đổi đã giúp công ty giảm khoảng 40 triệu đồng tiền điện mỗi năm. Không riêng các nhà máy, xí nghiệp, hiện một số nhà vườn trồng hoa lan trên địa bàn Đức Trọng cũng sử dụng đèn LED để chiếu sáng. Điều này đã giảm thiểu được một lượng điện đáng kể trong sản xuất, góp phần cho doanh nghiệp và người trồng hoa tiết kiệm được tiền, tức là tiết kiệm được chi phí, từ đó hạ giá thành sản xuất.
“Hầu hết doanh nghiệp đều nhận thấy việc tiết kiệm năng lượng nói chung là xu thế để phát triển bền vững” – ông Nguyễn Văn Anh nói. Ông còn cho biết, ngoài những giải pháp đã và đang áp dụng, Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các công đoạn sản xuất để làm sao cho các tiểu tiết trong qui trình phải tiết kiệm điện ở mức tối đa. Không chỉ dừng lại ở những giải pháp tiết kiệm điện đang được áp dụng, mà nhận thấy hiệu quả từ tiết kiệm điện, nên tất cả các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đều chú trọng đến việc đầu tư nghiên cứu giải pháp cho tiết kiệm điện trong đơn vị mình. Đây được xem là hoạt động thường xuyên và cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Điện lực Đức Trọng (Công ty Điện lực Lâm Đồng), nhờ công tác phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn cùng với sự góp sức của toàn thể cán bộ công nhân viên ngành điện sở tại nên chương trình tiết kiệm điện trở thành một điểm nhấn, mang dấu ấn riêng của đơn vị. “Từ hộ gia đình, doanh nghiệp đến các trường học đều bắt nhịp và cùng tiết kiệm điện”.