Công nhân PC Quảng Bình thi công lắp đặt CSV trên tuyến đường dây 110kV Đồng Hới-Bắc Đồng Hới-Ba Đồn.
Một trong những giải pháp tối ưu được Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình triển khai thời gian qua là lắp đặt chống sét van (CSV) để ngăn ngừa sự cố do quá điện áp khí quyển (giông sét) gây nên trên các tuyến đường dây 110kV.
Thực tế cho thấy các tuyến đường dây 110kV đều có dây chống sét. Tuy nhiên, góc bảo vệ như hiện nay vẫn có khả năng bị sét đánh vào dây dẫn với xác suất khoảng 20-25%. Mặt khác, trên đường dây có nhiều vị trí cột điện có tổng trở nối đất lớn, do vậy khi sét đánh trực tiếp vào cột hoặc vào dây chống sét gần những cột có tổng trở nối đất lớn vẫn xảy ra hiện tượng phóng điện trên bề mặt cách điện dẫn đến sự cố.
Theo ông Hoàng Hiếu Trung, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật PC Quảng Bình, giải pháp bố trí số lượng CSV lắp đặt trên đường dây là yếu tố hết sức quan trọng. Bởi, đối với phóng điện sét, do tính tản mạn rất cao nên việc xử lý số liệu về sét chủ yếu chỉ dựa vào số liệu thống kê.
Cũng vì tính tản mạn của phóng điện sét nên việc đưa ra một tiêu chí cụ thể để lựa chọn vị trí chính xác lắp đặt CSV là rất khó. Kinh nghiệm cho thấy, để lựa chọn cột lắp đặt CSV có thể xem xét các tiêu chí, như: những cột đã bị sét đánh, đặc điểm địa hình, vị trí tuyến đường dây đi qua, sự khác biệt lớn về mật độ sét…
Cũng theo ông Trung, các tuyến đường dây sẽ được bảo vệ chắc chắn nhất khi lắp CSV trên tất cả các vị trí cột, tuy nhiên, giải pháp này cần có chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, việc lựa chọn giải pháp lắp đặt CSV là dựa vào xác suất xảy ra giông sét, do đó, ngành điện chỉ chọn lắp đặt CSV ở những vị trí có nguy cơ bị sét đánh lớn nhằm giảm sự cố do sét.
Từ giữa năm 2018, PC Quảng Bình đã tiến hành lắp đặt CSV trên các tuyến đường dây 110kV gồm Đồng Hới-Bắc Đồng Hới-Ba Đồn, Sông Gianh-Tuyên Hóa. Riêng tuyến đường dây Ba Đồn-Văn Hóa-Sông Gianh được lắp đặt CSV từ năm 2015.
Ghi nhận từ thực tế vận hành đối với đường dây 110kV Sông Gianh-Tuyên Hóa từ tháng 9-2018 đến nay cho thấy, mặc dù đi qua vùng có mật độ giông sét rất lớn, tuy nhiên, chưa xảy ra sự cố do giông sét. Qua kiểm tra bộ đếm ghi nhận có 17 lần tác động của các CSV trên tuyến đường dây này. Theo các số liệu thống kê, giải pháp lắp CSV đường dây đã hạn chế rất nhiều sự cố trên đường dây do giông sét gây ra.
Ông Thái Hồng Quân, Giám đốc PC Quảng Bình chia sẻ, nhằm tiếp tục nâng cao ĐTCCCĐ, tháng 6-2019, đơn vị đã giao Đội Quản lý vận hành (QLVH) Lưới điện cao thế Quảng Bình đảm nhiệm việc thi công lắp đặt 98 bộ CSV trên đường dây 110kV Đồng Hới-Đông Hà. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn trong việc triển khai.
Bởi yêu cầu về tiến độ nhanh (hoàn thành trong tháng 7-2019), khối lượng thi công lớn, địa bàn thi công trải dài hơn 60km, các vị trí lắp đặt CSV là nằm ở núi cao hoặc giữa các khoảng vượt lớn, tuy nhiên, Đội QLVH Lưới điện cao thế Quảng Bình đã nhanh chóng triển khai các bước, từ công tác khảo sát hiện trường, lập phương án thi công, bố trí nhân lực và phương tiện dụng cụ, đăng ký công tác, đến ngày 17-7-2019 đã hoàn thành 100% khối lượng đề ra.
Bên cạnh việc lắp đặt CSV, các giải pháp thi công làm giảm tổn thất điện năng cũng đã được PC Quảng Bình quan tâm triển khai, như: quản lý công tác đầu tư, quản lý kỹ thuật và kinh doanh, kiểm tra giám sát mua bán điện…
Nhờ vậy, những tháng đầu năm 2019, tỷ lệ tổn thất cấp điện áp toàn đơn vị đạt 3,82%, giảm 1,69% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó tổn thất cao áp thực hiện 0,44%, giảm 0,04%, trung áp thực hiện 2,29%, giảm 0,77% và hạ áp thực hiện 3,47%, giảm 0,23%.
“Giảm tổn thất điện năng, nâng cao ĐTCCCĐ là công việc xuyên suốt của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của PC Quảng Bình. Vì thế, ngoài việc đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp hệ thống lưới điện, việc nhanh chóng triển khai lắp đặt CSV trên các tuyến đường dây 110kV sẽ hạn chế tối đa sự cố do giông sét gây ra, đặc biệt trong mùa mưa bão sắp đến. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao ĐTCCCĐ, bảo đảm vận hành an toàn, liên tục của đường dây”, ông Thái Hồng Quân chia sẻ thêm.