Tin thế giới

Xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi bản đồ năng lượng thế giới

Thứ sáu, 18/3/2022 | 10:42 GMT+7
Cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ đẩy giá dầu thế giới có thời điểm lên mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua, mà còn khiến Nga phải chịu sự trừng phạt về dầu khí chưa từng thấy, tất cả những điều đó có thể dẫn tới một trật tự mới trên bản đồ năng lượng thế giới trong tương lai.
Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể làm thay đổi bản đồ năng lượng của thế giới
 
Không dễ “thoát Nga” về năng lượng
 
Xung đột Nga - Ukraine vừa xảy ra đã lập tức đẩy giá dầu thế giới liên tục leo thang, lên mức trên 100 USD/thùng. Lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu từ Nga của chính quyền Mỹ càng “đổ thêm dầu vào lửa”, đẩy giá dầu thế giới có thời điểm (ngày 7-3) lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2008 là hơn 120 USD/thùng. Theo dự báo của hãng dịch vụ dầu khí Rystad
 
Energy (Na Uy), dù những tín hiệu tích cực về đàm phán giữa Nga và Ukraine đang kéo giá dầu thế giới hạ nhiệt, nhưng mặt hàng nhiên liệu đầu vào sống còn cho các nền kinh tế này vẫn đứng trước nguy cơ tăng vọt, thậm chí có thể lên tới mức không tưởng 240 USD/thùng vào mùa hè năm nay nếu các nước phương Tây khác tham gia cùng với Mỹ, Anh cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga.
 
Việc giá dầu thế giới “nhảy múa” kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine không làm ai ngạc nhiên, bởi Nga là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt tự nhiên rất quan trọng. Trước khi chiến sự bùng nổ, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu. Điều đáng nói là hơn 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. EU phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu. Thế nên, dù ủng hộ và tham gia tích cực cùng Mỹ nhằm trừng phạt Nga do cuộc xung đột quân sự với Ukraine, song châu Âu vẫn rất dè dặt trong việc theo Washington ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Dẫu vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng buộc châu Âu phải tìm cách “thoát Nga” trong vấn đề an ninh năng lượng. Còn bị Nga nắm giữ huyết mạch nhiên liệu, châu Âu khó có thể gây áp lực đủ mạnh với Matxcơva trong vấn đề Ukraine hoặc các vấn đề quan trọng khác ở châu Âu cũng như toàn cầu trong tương lai. Đồng thời EU có thể bị Nga dùng năng lượng làm quân bài gây áp lực với nhiều vấn đề khác.
 
Nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga, châu Âu đang tìm mọi cách thoát ra trong vấn đề này. Trong đó, Đức là quốc gia Tây Âu đầu tiên có bước đi trên thực tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga với việc công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào ngày 5-3 vừa qua. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có kế hoạch hoặc xúc tiến hành động để giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga như tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, triển khai nhanh hơn các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, đề phòng trường hợp Nga cắt nguồn cung. EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp khí LNG từ Qatar, Algeria, Nigeria và đặc biệt là Mỹ. Đây là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng, xuất khẩu LNG sang EU chỉ tính riêng trong năm 2021 đã đạt 22 tỷ m3.
 
Giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga là mong muốn của châu Âu, nhưng xem ra thuộc tương lai xa chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Mỹ hiện ráo riết làm việc với các đối tác châu Âu để tăng khối lượng xuất khẩu LNG, song nguồn cung của Washington cũng không thể liên tục. Qatar được xem là một đối tác tiềm năng cung cấp LNG cho châu Âu, tuy nhiên Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi cảnh báo, EU không nên quá kỳ vọng vào nước này để thay thế hoàn toàn nguồn cung ứng Nga với lý do “Nga đã bảo đảm từ 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tôi nghĩ không một nước nào có thể thay thế được ngần ấy khối lượng”. Chưa kể, châu Âu sẽ phải trả cái giá đắt hơn rất nhiều nếu tìm nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo, châu Âu có thể phải chi khoảng 1.000 tỷ USD cho năng lượng trong năm nay so với con số 500 tỷ USD vào năm 2019 nếu cắt nguồn cung khí đốt từ Nga.
 
Nga dịch chuyển dòng năng lượng từ Tây sang Đông
 
Ở phía ngược lại, để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga cũng đang tìm cách mở rộng, phát triển thêm các thị trường cho nguồn xuất khẩu năng lượng dồi dào của mình. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc cho biết vẫn sẽ tiếp tục thực hiện “hợp tác thương mại bình thường” với Nga, bao gồm cả dầu khí, thậm chí có thể tăng cổ phần trong các công ty dầu khí Nga. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga về xuất khẩu cũng như nhập khẩu và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thị trường đông dân nhất thế giới này đã mua 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vào năm 2020. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cung cấp cho Nga các sản phẩm như điện thoại, đồ chơi và quần áo.
 
Thời gian qua, giới quan sát cho rằng đã bắt đầu sự dịch chuyển của các dòng năng lượng Nga về phía Đông. Nga đã chuyển hướng sang tăng tốc các dự án khác, bao gồm mở rộng đường ống Sức mạnh Siberia-2 để đưa nhiên liệu đến Mông Cổ và Trung Quốc. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đầu tháng 3 này cho biết, đã ký hợp đồng thiết kế một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tới Trung Quốc. Đường ống này mỗi năm sẽ cung cấp 50 tỷ mét khối khí đốt qua Mông Cổ tới Trung Quốc. Tập đoàn Gazprom cho biết thêm, ông Alexey Miller - Chủ tịch Gazprom đã thảo luận với Chính phủ Mông Cổ về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mang tên Soyuz Vostok. Nếu các kế hoạch cho đường ống dẫn khí đốt được thực hiện, đây có thể là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Gazprom với Trung Quốc. Soyuz Vostok còn được gọi là đường ống “Sức mạnh của Siberia 2” (Power of Siberia 2). Trong khi đó, đường ống “Power of Siberia 1” từ năm 2019 tới nay đã bơm khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc và đây là một phần của thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm giữa hai quốc gia này. Ngoài ra, một đường ống dẫn khí đốt mới mang tên “Dòng chảy Pakistan” (Pakistan Stream) cũng đang được lên kế hoạch, nhằm mục tiêu thúc đẩy nhu cầu khí đốt tại quốc gia Nam Á này. “Dòng chảy Pakistan”, có chiều dài đường ống 1.100km, chi phí đầu tư ước tính khoảng 2-2,5 tỷ USD, khi hoàn thành có thể vận chuyển 12,4 tỷ m3 khí đốt/năm.
 
Trong động thái rất đáng chú ý, Trung Quốc tuy là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt nhưng Công ty UNIPEC, chi nhánh thương mại của Tập đoàn Hóa chất và dầu khí Trung Quốc (SINOPEC - thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) ngày 15-3 vừa qua đã bán lại một số lô hàng LNG của Mỹ cho châu Âu với giá cao. Động thái bất ngờ của một trong những nước nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới cho thấy dòng chảy thương mại đang được định hướng lại kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Xung đột Nga - Ukraine đang định hình lại bản đồ năng lượng thế giới, khiến các quốc gia phải tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng nghiên cứu và vận hành những nguồn năng lượng mới, đồng thời là cơ hội để các nước khác chen chân vào thị trường mang tính sống còn với các nền kinh tế này.

Ông Bob Mcnally - Chủ tịch Quỹ tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, cho rằng: “Những thay đổi này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng ở châu Âu và có thể là cả thế giới”.

Link gốc
Theo: An ninh Thủ đô