Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng thuộc phòng Kinh tế, Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng tại buổi hội thảo năng lượng gió Việt Nam.
Theo báo cáo từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng phát triển với chi phí ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống.
Hiện nay, do nguồn thủy điện đã được khai thác gần như tối đa cùng với việc phát triển năng lương nguyên tử bị tạm dừng nên Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu điện và năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.
Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện cũng như bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, con đường tái tạo năng lượng vẫn chứa đựng đầy thách thức và những bài toán cần phải giải quyết trước khi tạo ra kết quả.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn những khó khăn đằng sau phát triển năng lượng tái tạo cũng như định hướng của Chính phủ trong thời gian tới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng thuộc phòng Kinh tế, Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng.
Thưa ông, mới đây Việt Nam đã có những đại diện ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài về phát triển năng lượng gió, đặc biệt là nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Đan Mạch. Vậy ông đánh giá như thế nào về điều này và trong tương lai, Việt Nam có hướng tới đối tác nào khác không?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng: Đan Mạch hiện nay là nước hàng đầu trên thế giới về tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với hơn 40%, đạt mức cao nhất trên toàn cầu.
Đan Mạch có kinh nghiệm vận hành hệ thống điện gió, điện mặt trời và cũng đã thành công trong việc tích hợp một khối lượng lớn năng lượng này.
Chúng ta có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm phát triển các ưu đãi hay cách xây dựng các lưới điện của Đan Mạch để có thể tích hợp đc khối lượng lớn điện năng truyền tải.
Chương trình hợp tác 3 năm sắp tới giữa chính phủ Việt Nam và Đan Mạch có những hợp phần cụ thể trong việc đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam và dự kiến chương trình này sẽ bắt đầu trong năm 2018.
Còn trong tương lai, Việt Nam chắc chắn hướng tới các nước khác như Đức hay Mỹ.
Năng lượng điện gió của Việt Nam có triển vọng ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng: Những nghiên cứu gần đây đã đánh giá tiềm năng năng lượng gió từ tiềm năng lý thuyết với các phương pháp như chồng bản đồ, chồng vào bản đồ sử dụng đất, hiện trạng lưới điện để phân tích xem có gần đường giao thông hay trạm điện hay không.
Việc nghiên cứu này sẽ đưa ra tính khả thi của việc phát triển năng lượng gió.
Tiềm năng của Việt Nam tương đối lớn nhưng khi đưa vào thực tế thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc sử dụng đất, tính kinh tế hay sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII), mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW và con số này vào năm 2025 và 2030 lần lượt là 2000 MW và 6000 MW.
Theo tôi, con số 6.000 MW vào năm năm 2030 là một con số rất tham vọng. Chúng ta cần phải chờ xem những tín hiệu về biểu giá cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời sắp tới có đủ hấp dẫn không.
Cách nào để xử lý vấn đề giá điện và quỹ đất như ông vừa đề cập?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng: Tôi cho rằng các ngân hàng và các nhà đầu tư nên tìm ra giải pháp nào đó để giảm chi phí phát triển điện gió. Có thể nhà đầu tư nâng cao công nghệ giảm chi phí thiết bị hoặc ngân hàng có thể giảm chi phí vốn vay để tạo ra một thị trường tài chính thuận lợi cho các nhà phát triển năng lượng điện tái tạo.
Hiện cơ chế lớn nhất dành cho các nhà đầu tư phát triển điện gió là giá mua điện cố định. Theo đó đối với các nhà máy nhiệt điện mặt trời, giá điện là 9,35 cent/kWh (khoảng hơn 2.100 đồng) còn đối với điện gió là 7,8 cent/kWh (khoảng 1.700 đồng).
Dự kiến trong thời gian tới, giá điện này sẽ được nâng lên nhằm hấp dẫn thêm các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió. Hiện số lượng đăng kí các dự án điện mặt trời vẫn tương đối khả khi nhưng việc đưa các dự án này vào vận hành thực tế lại là một thách thức khác.
Ngoài vấn đề biểu giá thì quỹ đất cũng là một yếu tố rất quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo khi mật độ dân số ở Việt Nam khá cao. Để giải quyết vấn đề này thì hiện nay nhiều tình đang làm quy hoạch riêng cho năng lượng tái tạo, điều chỉnh để việc sử dụng quỹ đất trở nên hợp lý hơn.
Ngoài vấn đề biểu giá hay quỹ đất thì tính ổn định và độ tin cậy trong cung cấp điện cũng là một thách thức. Vậy theo ông giải pháp là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng: Đây cũng là một trong nhiều vấn đề cần lưu tâm đến trong bài toán đầu tư.
Chúng ta có thể hướng tới một bộ giải pháp tổng thể, tức là ngoài nguồn năng lượng tái tạo tăng thêm thì chúng ta phải có những nguồn linh hoạt và nhanh chóng đáp ứng khi công suất năng lượng tái tạo thấp như thủy điện hay nhiệt điện.
Cách thứ hai là chúng ta có thể xây dựng hệ thống năng lượng, pin năng lượng để sử dụng.
Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống truyền tải hỗ trợ giữa các vùng miền bởi đặc tính của năng lượng tái tạo là theo đại lý và tập trung vào một số vùng trọng điểm. Do vậy cần đẩy mạnh lưới điện truyền tải để hỗ trợ các vùng miền khác nhau.
Quỹ đất để phát triển năng lượng tái tạo là một trong những bài toán lớn cần giải quyết.
Việc giá điện mặt trời và điện gió cao hơn mức điện thông thường và trong tương lai có khả năng tăng nữa thì liệu có tạo ra sự bất bình đẳng với ngành điện truyền thống không?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng: Xét trong bài toán tổng thể kinh tế môi trường thì chi phí của những nguồn điện như nhiệt điện hay thủy điện chưa bao gồm các phần chi phí xã hội khác. Việc hỗ trợ điện gió và điện mặt trời cũng như đưa ra mức giá cao hơn có thể hiểu là việc sửa chữa lại sai lầm của thị trường.
Khi chúng ta định giá thủy điện và nhiệt điện một cách không đầy đủ sẽ khiến hình thức này phát triển quá mức, tạo ra những tác động tiêu cực cho môi trường và xã hội.
Vì vậy việc đưa ra ưu đãi lớn hơn với năng lượng sạch là tiến trình hợp lý.
Tuy nhiên một bài toán nữa phải giải quyết đó là đưa mức giá mua điện tái tạo lên sao cho hợp lý. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam là người cung ứng điện thị trường với giá thấp hơn tương đối nhiều với giá mua điện gió.
Giá điện trung bình năm 2016 là 6,2 cent/kWh, tức là khoảng 1.400 đồng cho mỗi số điện. Vậy nếu phát triển điện tái tạo với mức giá tăng lên thành 1.700 đồng hay thậm chí là 2.100 đồng đối với điện mặt trời thì lấy đâu ra nguồn bù đắp mức chênh lệch này.
Chúng ta phải tính đến bài toán này bởi không phải cứ tăng giá lên để hấp dẫn nhà đầu tư để rồi xảy ra tình trạng không có nguồn thu bù đắp.
Cảm ơn ông!