Diễn đàn năng lượng

Phát triển năng lượng tái tạo: Làm gì “đánh thức” tiềm năng lớn chưa được khai thác?

Thứ ba, 21/11/2017 | 13:44 GMT+7
Ngoài những khó khăn về tìm nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... những dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều vướng mắc khác…
Việt Nam có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo.
 
Thế mạnh lớn
 
Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C.
 
Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo khác như, gió, sinh khối... Đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác một cách hợp lý.
 
Trên thế giới, năng lượng tái tạo có 3 dạng chính là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài trên 3.260 km, gió biển quanh năm. Chính vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
 
Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát ra điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW, nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW.
 
Cùng với đó, bức xạ mặt trời tại Việt Nam cũng được coi là nguồn năng lượng vô tận. Mức độ bức xạ mặt trời tính bình quân có thể đạt khoảng 3-5 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng 2.500 -3.000 giờ. Việt Nam có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở nhiều vùng khác nhau như, trên bờ biển, trên hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… Nếu lấy trung bình cứ khoảng 1 ha thu được 1 MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục ngàn MW công suất từ bức xạ năng lượng mặt trời.
 
“Đối với nguồn năng lượng sinh khối, Việt Nam là nước có nông, lâm, ngư nghiệp phát triển, phụ phẩm từ rừng, biển, nông nghiệp hàng năm rất to lớn. Ngoài ra, việc tận dụng các nguồn rác thải công nghiệp, sinh hoạt từ các thành phố… đều có thể sản xuất ra điện. Nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 58 triệu TOE, dự kiến năm 2030 sẽ đạt khoảng 70 triệu TOE và năm 2050 sẽ đạt khoảng 88 triệu TOE”, ông Vy cho biết.
 
Cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả
 
Năm 2015, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Đại diện ban Quản lý Đầu tư (EVN) cho biết, ngoài những khó khăn về tìm nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... những dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều vướng mắc khác như, Quy hoạch năng lượng tái tạo mới chỉ đề cập đến quy mô công suất theo vùng, theo khu vực, chưa xác định địa được địa điểm cụ thể, gây khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời... với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế, kèm theo đó là các giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
 
Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành/ tiêu chuẩn thiết kế, vận hành... đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu và chưa đồng bộ.
 
Để tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù (vốn, thuế, đất đai...) thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
 
Đồng thời, lập quy hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia, gắn liền với việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện năng lượng tái tạo; tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát điện và truyền tải điện từ nguồn năng lượng tái tạo...
 
Bên cạnh đó là xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ về hệ thống truyền tải, phân phối điện cũng như các quy định khác, đảm bảo vận hành ổn định,  hiệu quả hệ thống điện có sự tham gia của sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.
 
Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách ổn định, lâu dài cho phát triển năng lượng tái tạo, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư.
 
Đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến năng lượng tái tạo, áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Theo: Diễn đàn Đầu tư