Mô hình dự án điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Khi đọc những bài báo phản ánh việc nhà đầu tư đổ xô đi xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời ở miền Trung, người ta chắc sẽ tự hỏi: tại sao năng lượng mặt trời lại không thể hiện diện nhiều hơn trên bản đồ năng lượng của Việt Nam trong tương lai?
Thế giới ưa chuộng năng lượng tái tạo đến thế vì nhiều lý do. Thứ nhất là những lo ngại về môi trường và hiện tượng Trái đất nóng lên. Thứ hai là mong muốn về thế mạnh chiến lược cho an ninh năng lượng quốc gia (nếu năng lượng tái tạo nội địa đủ, ta có thể giảm phụ thuộc nhập khẩu). Thứ ba là việc năng lượng tái tạo ngày càng rẻ (đặc biệt là năng lượng mặt trời) và khả năng cạnh tranh về chi phí của nó so với những nguồn truyền thống.
Tuy nhiên, tôi cảm giác những lời ca ngợi rùm beng về điện mặt trời có lẽ chỉ là những kỳ vọng hão huyền được thổi phồng. Hiện tại, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 7,5% tổng sản lượng điện toàn cầu. Hơn nữa, con số này sẽ nhỏ đi nhiều nếu không tính các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu.
Ví dụ, Đức đã triển khai khung trợ cấp mạnh mẽ và các động lực khác để giúp năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng lượng điện. Nước này cũng dự định đưa con số này lên 40% trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, với hầu hết các quốc gia khác, việc đạt được đến con số này là một viễn cảnh xa vời.
Bên cạnh đó, tài chính và tác động môi trường không phải là yếu tố duy nhất để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc khi đưa ra chiến lược năng lượng, vì họ cũng phải tính đến khả năng sẵn có, độ ổn định và tính khả thi của nguồn năng lượng đó.
Nhiều nơi không đủ gió hoặc ánh sáng mặt trời để vận hành các dự án năng lượng tái tạo. Nếu có, năng lượng tạo ra cũng thất thường vì gió không phải lúc nào cũng thổi và trời không phải lúc nào cũng nắng. Đây không phải là nguồn năng lượng mà chúng ta có thể chủ động điều khiển.
Hiện tại, các nhà máy điện tái tạo không thể hoạt động ở bất cứ nơi nào mà vẫn tạo hiệu suất cao ở giai đoạn này vì lưới điện không hỗ trợ. Ở châu Âu, các chính phủ đang cố gắng nâng cấp lưới điện để dự trữ điện hiệu quả hơn và vận hành các nhà máy đồng bộ hơn. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la Mỹ.
Đối với nhiều nước, tỷ trọng mật độ năng lượng (chỉ số thể hiện năng lượng được dự trữ trên một khu vực) khá thấp của năng lượng tái tạo lại là một vấn đề khác. Trong khi các nhà máy điện truyền thống (than, dầu, hạt nhân, thuỷ điện và khí tự nhiên) có thể sản xuất hơn 1000W điện trên mỗi mét vuông diện tích đất, thì con số này của các nhà máy điện mặt trời chỉ là gần 20W/m2, kể cả ở địa điểm thuận lợi nhất.
Ví dụ, một trong những nhà máy điện mặt trời nổi tiếng nhất trên thế giới là dự án Agua Caliente trên sa mạc Arizona, một trong những nơi nhiều nắng nhất trên trái đất. Nhà máy này có diện tích 971 ha, là một diện tích đất rất lớn nếu đặt trong tương quan với công suất của nhà máy chỉ là 290 MW. Sản lượng của các nhà máy điện truyền thống tương đối lớn ở Mỹ và các nơi khác phải gấp đó 10 lần.
Yêu cầu về diện tích đất lớn để sản xuất điện mặt trời không phải thứ gì quá to tát ở Arizona, nơi mật độ dân số khoảng 22 người/km2 và hầu hết dân cư sống tập trung ở thủ phủ Phoenix. Nhưng mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều ở những nơi đông dân hơn, chẳng hạn như ở tỉnh Bình Định, nơi có mật độ dân số 290 người/km2 (gấp 10 lần Arizona) và dân cư sống rải rác trong các thị trấn và làng xóm nhỏ.
Tóm lại, phát triển năng lượng sạch rõ ràng là rất quan trọng, nhưng chúng ta nên có cái nhìn thực tế về tiềm năng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Năng lượng tái tạo có thể đóng vai trò lớn hơn trong lưới điện quốc gia, nhưng việc phát triển các nhà máy điện truyền thống sao cho hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động của chúng đến môi trường sẽ là nền tảng cho chiến lược năng lượng của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Theo thông tin từ Cổng điện tử Chính phủ, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, thu hút khoảng 140 dự án, Đắk Lắk 13 dự án và Khánh Hòa 12 dự án… Trong đó có nhiều dự án quy mô đầu tư lớn: Dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi. Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH True-Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang tiến hành đầu tư gần 20 dự án với tổng công suất đặt khoảng 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai…
|
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả: Ông Michael Modler, Giám đốc Phát triển kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC).