Diễn đàn năng lượng

Lợi ích cổ đông thiểu số

Thứ tư, 11/3/2009 | 15:22 GMT+7
Lợi ích của cổ đông thiểu số là một phần của kết quả hoạt động thuần và giá trị tài sản thuần của một công ty con được xác định tương ứng cho các phần lợi ích không phải do công ty mẹ sở hữu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con.

Lợi ích của cổ đông thiểu số là một khoản mục nợ trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, thể hiện một tỷ lệ nắm giữ của cổ đông thiểu số đối với các công ty con của nó.
 
Cách thức trình bày

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25 - Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con quy định: "Lợi ích của cổ đông thiểu số phải được trình bày trong bảng cân đối kế toán hợp nhất thành chỉ tiêu tách biệt với nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ. Phần sở hữu của cổ đông thiểu số trong thu nhập của tập đoàn cũng cần được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt".

Theo đó, trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của công ty, khoản mục này thường được trình bày giữa phần Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu, thể hiện quyền sở hữu tài sản của các cổ đông không nắm quyền kiểm soát (có tỷ lệ nắm giữ trên 50% hoặc một số trường hợp kiểm soát đặc biệt khác mà tỷ lệ nắm giữ dưới 50%). Trên báo cáo kết quả kinh doanh, lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo phần lợi nhuận của công ty thuộc về các cổ đông thiểu số.
 
Cách thức ghi nhận

Lợi ích của cổ đông thiểu số được ghi nhận trong quá trình lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa công ty mẹ và (các) công ty con. Trong đó, lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài sản thuần của công ty con bị hợp nhất được xác định và trình bày trên bảng cân đối kế toán hợp nhất thành một chỉ tiêu riêng biệt, tách khỏi phần nợ phải trả và phần vốn chủ sở hữu của cổ đông của công ty mẹ. Lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài sản thuần bao gồm 2 trường hợp:

- Giá trị các lợi ích của cổ đông thiểu số tại ngày hợp nhất kinh doanh ban đầu được xác định phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11: "Hợp nhất kinh doanh".

- Phần lợi ích của cổ đông thiểu số trong sự biến động của tổng vốn chủ sở hữu kể từ ngày hợp nhất kinh doanh.

Trong trường hợp thứ nhất, lợi ích của cổ đông thiểu số tại công ty con được xác định tại thời điểm công ty mẹ tiến hành mua lại hoặc sáp nhập với một công ty con (hoặc nắm quyền kiểm soát công ty con này dưới hình thức gián tiếp, thông qua một công ty con trung gian khác), sau đó khoản mục lợi ích của các cổ đông thiểu số trong công ty con sẽ được xác định và trình bày lại trên báo cáo tài chính sau khi đã hợp nhất của công ty mẹ căn cứ vào chênh lệch giữa giá trị tài sản thuần và giá trị của khoản đầu tư.

Trường hợp thứ hai, phần lợi ích của cổ đông thiểu số được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ cho thời gian hoạt động sau thời điểm kết thúc quá trình đầu tư của công ty mẹ vào công ty con. Khi đó, các biến động của tài sản thuần và nguồn vốn chủ sở hữu trong thời gian hoạt động của công ty con sẽ được tính toán lại và phân bổ lại vào khoản mục "Lợi ích của cổ đông thiểu số" trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ.

Theo: ĐTCKO