Điện lực thị xã Phú Thọ kiểm tra hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cho khách hàng.
Lợi ích “kép” bền vững
Nắm bắt được lợi ích thiết thực, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư ĐMTAM và xem đây là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, giảm tải cho nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, đồng thời tạo ra lợi nhuận thông qua việc phát điện lên lưới bán lại cho ngành điện qua công tơ điện tử 2 chiều.
Là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện việc lắp đặt ĐMTAM trên địa bàn thị xã Phú Thọ, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Vạn Thắng xuất phát điểm với việc lắp đặt khoảng 30 tấm pin năng lượng mặt trời công suất đạt khoảng 12kWp. Sau một thời gian sử dụng, nhận thấy hiệu quả từ việc sử dụng ĐMTAM, công ty tiếp tục thuê lại mặt bằng Công ty TNHH May Phú Thọ để lắp đặt hệ thống ĐMTAM. “Chúng tôi đầu tư theo phương thức đôi bên cùng có lợi, việc lắp đặt các tấm pin trên mái nhà có thể làm mát và bảo vệ công trình, còn chúng tôi có thể sản xuất điện và phát lên lưới để bán lại cho ngành điện với giá ưu đãi”, ông Nguyễn Tiến Phúc - Giám đốc Công ty Vạn Thắng cho biết. Đến nay, Công ty đã đầu tư khoảng 6 tỷ đồng với quy mô 1,1 nghìn tấm pin ĐMTAM, đạt công suất 450 kWp, lợi nhuận mỗi năm lên đến 18-20%.
Ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Điện lực thị xã Phú Thọ cho biết: Khách hàng sử dụng ĐMTAM trên địa bàn thị xã phát triển chủ yếu từ tháng 8/2020. Tổng điện năng khách hàng bán lại cho điện lực trong tháng 6,7,8/2020 là 2.905kWh. Theo dự kiến, khách hàng sử dụng ĐMTAM sẽ tiết kiệm được 90.904kWh trong mùa nắng nóng năm 2021, tăng 87.999 kWh so với năm 2020.
Hiện thị xã Phú Thọ có 9 hộ có thể bán lại điện cho ngành điện từ việc sử dụng ĐMTAM. Tổng sản lượng điện được bán ra cho ngành điện tính từ tháng 3/2020 đến nay là 101.902 kWh, trị giá hơn 208 triệu đồng.
Các huyện vùng cao như Tân Sơn, ĐMTAM cũng đang được người dân và doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Từ việc tự học hỏi, nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, anh Hà Văn Hưng, khu 5B, xã Tân Phú đã tự lắp đặp ĐMTAM tại gia đình mình. Với tổng chi phí khoảng 60 triệu, công suất đạt 5 kWp được sử dụng từ tháng 12/2020, lượng điện sinh hoạt hàng tháng của gia đình anh Hưng đã giảm khoảng 40%, riêng trong tháng 3/2021 đã giảm hơn 50%.
“Sau khi nghiên cứu tôi thấy nhà mình rất phù hợp để lắp đặt ĐMTAM do phần mái hướng Nam nghiêng đúng 15-18 độ theo yêu cầu. Giá điện sinh hoạt theo quy định của Chính phủ lũy tiến theo bậc thang, việc lắp đặt ĐMTAM sẽ cắt giảm sản lượng điện sử dụng ở các khung giá bậc cao nên giúp tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng rất đáng kể”, anh Hưng khẳng định. Bên cạnh đó, tính từ tháng 12/2020 đến hết tháng 3/2021, anh Hưng đã phát lên lưới và bán lại được cho ngành điện hơn 1,2 triệu đồng.
Có thể thấy rằng việc phát triển ĐMTAM đã mang lại hiệu quả rõ rệt về tiết kiệm điện cho người sử dụng. Không chỉ tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể, việc sử dụng ĐMTAM còn góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu và thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.
Khuyến khích nhân rộng
Việc sử dụng ĐMTAM là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao, mặt khác, giảm tối đa ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Bên cạnh đó, ĐMTAM có tính chất phân tán và tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát điện mặt trời trùng với cao điểm buổi trưa, điều này giúp giảm tổn thất điện năng do truyền tải và phân phối, nhất là khu đông dân cư ở cách xa các nguồn phát truyền thống.
Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Để khuyến khích khách hàng tham gia lắp đặt hệ thống ĐMTAM, ngành điện đã luôn đồng hành cùng tiến hành khảo sát hiện trường, tư vấn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đấu nối cho các khách hàng đủ điều kiện thỏa thuận theo các quy định hiện hành. Đồng thời, khi nhận được đề nghị bán điện từ dự án ĐMTAM, ngành điện sẽ tiến hành lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều, thực hiện hỗ trợ kiểm tra chất lượng điện năng miễn phí, kiểm tra dự án theo quy định”.
Bên cạnh các cơ chế khuyến khích, thông qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, các hội nghị, mạng xã hội và trang web của Công ty Điện lực Phú Thọ, điện lực các huyện, thị, thành đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đài Truyền thanh cấp huyện, xã để đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng ĐMTAM. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 221 khách hàng đã lắp đặt hệ thống ĐMTAM trên 13 huyện, thành, thị; sản lượng lớn tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì… Riêng từ đầu năm đến hết tháng 3/2021, sản lượng điện phát trên lưới điện tỉnh Phú Thọ đã đạt 319.320 kWh, với tổng chi phí ngành điện phải trả để mua ĐMTAM là 648 triệu đồng.
“Giải pháp tốt nhất trong giai đoạn này là người dân và doanh nghiệp cần tăng cường việc sử dụng điện tiết kiệm, tránh lãng phí. Công ty Điện lực Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến nghị khách hàng sử dụng điện an toàn hiệu quả bằng cách lắp đặt hệ thống ĐMTAM. Qua đó, góp phần chung tay thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo bền vững của Chính phủ”, ông Khánh cho biết thêm.
Có thể khẳng định rằng phát triển ĐMTAM là một trong những giải pháp cực kỳ hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, chi phí vận hành và bảo trì thấp. Đặc biệt, việc phát triển ĐMTAM không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, huy động và khuyến khích được các thành phần trong xã hội tham gia vào đầu tư cung ứng điện.