Phát triển năng lượng gió kết hợp trồng rừng

Thứ hai, 24/5/2021 | 14:11 GMT+7
Khí hậu nhiệt đới gió mùa là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác nguồn gió tự nhiên lớn nhất khu vực Ðông-Nam Á, với tiềm năng tốc độ gió trung bình hơn 10m/s, vùng lãnh hải của Việt Nam nằm trong top 10% những nơi có nhiều gió nhất trên hành tinh. 
Công ty quan tâm đến việc trồng rừng cây gỗ lớn.
 
Một số nhà máy điện gió đang gấp rút hoàn thành, song song với đó là đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, mang lại sự tăng trưởng bền vững hơn cho các địa phương.
 
Nguồn năng lượng bảo vệ môi trường
 
Hiện nay, năng lượng được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 67% năng lượng được cung cấp cho toàn cầu, nhưng lại đang làm ô nhiễm môi trường vì khí thải carbon dioxide. Sản xuất điện gió với tua-bin tuổi thọ 20 năm tạo ra năng lượng tái tạo (NLTT), không phát thải khí carbon dioxide (CO2). Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (EWEA) tiềm năng điện gió được lắp đặt ở châu Âu đến cuối năm 2007 có tổng công suất là 56,5 GW, sẽ tránh phát thải ra môi trường 90 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này tương đương 45 triệu ô-tô đang chạy trên đường.
 
Ngoài việc có thể cắt giảm được khí CO2, điện gió cũng tránh được chất thải hóa học độc hại như thủy ngân và các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường khác. Sử dụng năng lượng điện gió sẽ không làm suy kiệt, hay phá hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn bảo đảm tận dụng tốt nguồn tài nguyên từ tiềm năng gió.
 
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (UN’s Emissions Gap Report 2020), thành công trong việc quản lý quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ giúp các nước đang phát triển có bước nhảy vọt, vượt ra ngoài các công nghệ phát thải nhiều CO2, vốn làm nền tảng để các quốc gia giàu có hơn.
 
Việt Nam với khoảng 97 triệu dân và tăng trưởng GDP 6,5 - 7% đã chứng kiến mức tiêu thụ năng lượng tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010. Việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy, giảm chi phí sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững. 
 
Chung sức vì chương trình “một tỷ cây xanh”
 
Nằm trong định hướng và quy hoạch phát triển NLTT, Nhà máy Ðiện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Ðiện gió Nhơn Hội 2 do Công ty cổ phần Năng lượng FICO Bình Ðịnh làm chủ đầu tư đang được xây dựng tại núi Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là một trong những khu vực được đánh giá có tiềm năng điện gió lớn nhất nước.


Công ty Cổ phần Đầu tư Fico đầu tư nhà máy điện gió tại Bình Định.
 
Nhà máy Ðiện gió Nhơn Hội 1 có công suất 30 MW, khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên diện tích khoảng 175 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.321 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 có công suất 30 MW, khảo sát nghiên cứu trên diện tích đất khoảng 201 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1.249 tỷ đồng. Tính đến tháng 5-2021, nhà máy đã cơ bản hoàn thành xong hạ tầng, vận chuyển an toàn thiết bị siêu trường siêu trọng. So với nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, sau khi lắp đặt các tua-bin điện gió, khu vực đặt các tua-bin gió vẫn được sử dụng cho canh tác hoặc các hoạt động nông, lâm nghiệp khác.
 
Ông Huỳnh Văn Luận, Phó TGÐ Công ty cổ phần Năng lượng FICO Bình Ðịnh cho biết, công trường Nhà máy Ðiện gió Nhơn Hội đang tiến hành chỉnh trang lại hạ tầng, cảnh quan, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng. Dự kiến cuối tháng 8 tới, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành.
 
Do địa hình núi đá dốc, nhiều gió, núi Phương Mai không có cây lớn, chủ yếu mọc tự nhiên cây bụi thấp. Dự án trồng rừng của Công ty FICO đầu tư trồng rừng cây gỗ lớn toàn bộ núi Phương Mai, giai đoạn 1 của dự án trồng 40 ha rừng triển khai từ tháng 4-2021 do Công ty TNHH giống cây trồng Anh Vũ thực hiện. Do đang mùa nắng nóng, nên ưu tiên trồng rừng các vị trí thuận lợi trước. Công việc chọn giống cây trồng và hiện trường trồng rừng cũng được tích cực chuẩn bị để trồng đại trà bắt đầu từ tháng 8 năm nay.
 
Việc chọn lựa loài cây trồng cũng phải tính đến yếu tố phù hợp với địa hình dốc đá và gió biển khắc nghiệt tại núi Phương Mai, do đó, công ty sẽ nghiên cứu các loại cây phù hợp điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, các loại cây bản địa phong phú tạo nên những cánh rừng xanh tươi tốt. Cũng theo ông Huỳnh Văn Luận, công tác trồng rừng đã khó, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng còn khó hơn. “Ðể triển khai dự án có hiệu quả, chúng tôi đã tính đến các kế hoạch chi tiết, như quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phát quang cỏ dại. Riêng Dự án trồng rừng núi Phương Mai, công ty sẽ ưu tiên sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng...”, ông Luận khẳng định.
 
Nhà máy Ðiện gió Nhơn Hội 1 và Nhơn Hội 2 sẽ hoàn thành vào tháng 9-2021, vừa tạo ra nguồn điện tái tạo hòa lưới quốc gia, vừa trồng thêm rừng đóng góp vào đề án “một tỷ cây xanh” của Chính phủ, mang lại lợi ích kép cho phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước và tỉnh Bình Ðịnh.

Link gốc
Theo: Nhân dân