Diễn đàn năng lượng

Luật sửa đổi Luật Chứng khoán: Cần thu hẹp thị trường tự do

Thứ tư, 10/11/2010 | 14:19 GMT+7

Vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã nêu những boăn khoăn về việc thị trường chứng khoán đang bị một số nhà đầu tư thao túng. Các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo luật sửa đổi Luật chứng khoán cần thu hẹp thị trường tự do nhằm góp phần làm lành mạnh hoáthị trường tài chính ở Việt Nam cũng như tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật chứng khoán đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả. Tổng khối lượng huy động vốn qua thị trường chứng khoán là gần 200 nghìn tỷ đồng, số lượng các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá theo hình thức đấu giá trên 2 Sở giao dịch chứng khoán là 206 doanh nghiệp, với lượng cổ phần chào bán đạt trên 1 nghìn 147 triệu cổ phiếu, giá trị đạt gần 60 nghìn tỷ đồng.
 
Thị trường vốn chịu ảnh hưởng từ việc ô ạt mở công ty chứng khoán
 

Đại biểu Đinh Xuân Thảo, đoàn Kiên Giang nêu ý kiến cần tăng sự quản lý của nhà nước, trong đó phải siết chặt hoặc hạn chế thị trường tự do. Đại biểu Thảo đề xuất cần đưa thị trường chứng khoán vào khuôn khổ chặt chẽ nhằm góp phần làm lành mạnh hóa thị trường tài chính ở nước ta.
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, đoàn Nghệ An boăn khoăn về thị trường này đang bị một số nhà đầu tư thao túng. Dự thảo luật sửa đổi cần thu hẹp thị trường tự do, tăng chất lượng thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Một số đại biểu cũng nêu những bất cập là hiện có một số lượng lớn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời, trong đó có không ít công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, khi thị trường biến động gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng do quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ qua đơn giản, chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện: đủ vốn pháp định, có trụ sở và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Như vậy, quy định này là quá dễ dàng, cần thắt chặt lại điều kiện cấp phép bởi việc buông lỏng quản trị sẽ gây nhiều hiệu quả xấu.

Thắt chặt quản lý Nhà nước đối với thị trường
 
Tham gia thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc quy định chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng, như trong dự thảo là phù hợp. Theo phân tích của các đại biểu, thực hiện như vậy sẽ tránh được tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng phát hành chứng khoán riêng lẻ với điều kiện đơn giản để thoát ly việc kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Về nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã phát sinh không ít các hành vi vi phạm pháp luật chưa được quy định như: các vi phạm về chào bán chứng khoán riêng lẻ; các vi phạm liên quan đến thực hiện, triển khai các sản phẩm chứng khoán mới…

Đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh những vi phạm mà chúng ta chưa lường hết được, nếu chờ sửa Luật thì sẽ rất chậm, vì thế nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể cho sát với yêu cầu thực tiễn...
 
Đại biểu Cao Sỹ Khiêm, đoàn Thái Bình khuyến nghị: “Mức xử phạt phải cho các đối tượng vi phạm hiểu việc lợi dụng hoặc vi phạm phải chịu mức phạt tăng gấp nhiều lần mới đủ sức răn đe. Nếu vi phạm bị phạt không được kinh doanh và phải phá sản thì mức độ thiệt hại đó cao gấp nhiều lần mới đủ sức mạnh để răn đe”.

Liên quan đến địa vị pháp lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nhiều đại biểu đề nghị được giải trình rõ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm được gì liên quan đến thị trường chứng khoán. Đaih biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi Ủy ban chứng khoán Nhà nước thuộc về đâu, có nên để Ủy ban này hoạt độc lập mà không thuộc Bộ Tài chính không vì thực tế cho thấy Bộ Tài chính đang có quá nhiều việc nên khó mà quản lý được; ngoài ra việc vừa quản lý Nhà nước vừa điều tiết thị trường như vậy liệu có ổn không?

Theo: VnMedia