Lưới điện thông minh – giải pháp hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia

Thứ sáu, 31/1/2020 | 09:24 GMT+7
Lưới điện thông minh là giải pháp giúp hiện đại hóa, tăng tính linh hoạt của hệ thống điện để hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo (NLTT) trong hệ thống điện quốc gia.

Lưới điện thông minh sẽ giúp khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng NLTT.

Giúp khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng NLTT
 
Lưới điện thông minh sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giảm sát và quản lý việc chuyển tải điện từ tất cả các nguồn phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện luôn thay đổi của người dùng cuối cùng. Đặc điểm của lưới điện thông minh là áp dụng kỹ thuật số và thông tin giao tiếp hai chiều, phát điện phân tán gần với phụ tải; cảm biến trên toàn lưới điện để khi có sự cố thì tự khôi phục…
 
Tại lễ khai mạc Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: "Ngành điện Việt Nam đã có những bước phát triển và tăng trưởng cao trong một thời gian dài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tể - xã hội của đất nước.
 
Phát triển lưới điện thông minh là một định hướng đúng đắn của Việt Nam và thực tế qua gần 7 năm thực hiện, với việc từng bước áp dụng công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, tối ưu hoá trong vận hành hệ thống điện và nâng cao năng suất lao động của ngành điện. Đồng thời, hiện nay, với xu thế chung về phát triển NLTT, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tích hợp, vận hành ổn định, tối ưu các nguồn năng lượng mới, NLTT; góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ trọng và khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng NLTT, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững".
 
Ông Sebastian Paust, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong năm nay, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của nguồn NLTT trong cơ cấu sản xuất điện. Tuy nhiên, để đạt tới tỷ trọng cao hơn nữa, nhiều giải pháp cần được thực hiện, đặc biệt là cần hỗ trợ nguồn điện mặt trời và điện gió hòa lưới”.
 
Ứng dụng hàng loạt công nghệ thông minh
 
Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thực hiện đề án Phát triển lưới điện thông minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012, thời gian qua, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; quản lý nhu cầu điện; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cao năng suất lao động; giảm nhu cầu đầu tư; khai thác hợp lý tài nguyên năng lượng; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Trong giai đoạn đầu tiên của lộ trình lưới điện thông minh (2013 - 2018), về hệ thống pháp lý, chúng ta đã có các quy định mới về: trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển các nhà máy điện/trạm biến áp, yêu cầu kỹ thuật đối với năng lượng tái tạo (gió, mặt trời); Quản lý nhu cầu điện (DSM): Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện trong giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
 
Về mặt số hóa và tự động hóa hệ thống điện: hệ thống SCADA/EMS mới đã được trang bị trong Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; SCADA/DMS được trang bị trong các tổng công ty phân phối điện; các nhà máy điện lớn kết nối SCADA (100%) và các TBA 500/220/110 kV (100%/100%/97%); đo đếm từ xa (100% nhà máy điện, 100% TBA và 39% công tơ điện của khách hàng); trung tâm điều khiển và TBA không người trực (79% 110kV, 47% TBA 220kV).
 
Một số mô hình lưới điện thông minh đã được triển khai trong thực tế là: lưới điện siêu nhỏ ở đảo Phú Quý: tích hợp điện mặt trời nhỏ (1MW – đi vào vận hành năm 2019) – gió (6MW) – diesel – BESS (đang vận hành); mô hình lưới điện thông minh ở 4 khu dân cư và  khu thương mại ở TPHCM: SCADA/DMS, mạng lưới phân phối tự động, đo đếm từ xa… Các công nghệ lưới điện thông minh khác: như lưới điện phân phối: hệ thống thông tin địa lý - GIS tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, dự án thí điểm AMI ở TPHCM…
 
Lưới điện thông minh là giải pháp giúp hiện đại hóa, tăng tính linh hoạt của hệ thống điện để hỗ trợ việc tích hợp NLTT trong hệ thống điện
 
Trong giai đoạn 2 của lộ trình lưới điện thông minh, ngành điện sẽ tiếp tục triển khai chương trình Quản lý nhu cầu điện(DSM)/Điều chỉnh phụ tải điện (DR), nghiên cứu và đề xuất các yêu cầu kỹ thuật đối với công nghệ lưới điện thông minh: BESS, TBA tự động…
 
Về số hoá và tự động hoá hệ thống điện (mục tiêu 2020): đo đếm từ xa: 50% công tơ của khách hàng; trung tâm điều khiển và TBA tự động: 60% TBA 220kV, 100% TBA 110kV; tăng độ tin cậy và hiệu suất (mục tiêu 2020) SAIDI: dưới 400 phút, tổn thất điện năng: 6,5%.
 
Điểm nhấn của lộ trình là dự án Lưới điện thông minh cho NLTT và hiệu quả năng lượng (SGREEE) được phối hợp thực hiện bởi Cục Điều tiết điện lực/Bộ Công Thương và GIZ đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ). Dự án được triển khai nhằm góp phần đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định và linh hoạt với sự hỗ trợ của công nghệ thông minh.
 
Trong năm 2019, dự án thực hiện đánh giá các công nghệ lưới điện thông minh tiên tiến hiện đại, phân tích rà soát khung pháp lý đối với việc phát triển lưới điện thông minh, rà soát  yêu cầu về kỹ thuật đối với việc đấu nối các nhà máy điện gió và điện mặt trời lên lưới điện truyền tải, phân phối.
 
Trong năm 2020 và 2021, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng khung pháp lý: các chương trình Điều chỉnh phụ tải điện, quản lý tình trạng quá tải lưới điện, tổ chức những khoá huấn luyện, đào tạo và thăm quan về một số lĩnh vực như: dự báo về các yêu cầu lưới điện trong tương lai, tích hợp lưới điện cho các nguồn NLTT, công nghệ lưới điện thông minh và những phương án gia tăng mức độ linh hoạt của hệ thống điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ lưới điện thông minh tiên tiến, tăng cường nghiên cứu ứng dụng và phát triển lĩnh vực này, chẳng hạn: nghiên cứu, thử nghiệm nhà máy điện ảo, đào tạo về mô phỏng hệ thống điện trong phòng thí nghiệm...

Link gốc
Theo: Năng lượng Sạch VN