Hệ thống điện mặt trời mái nhà của một khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Số lượng lắp đặt tăng vọt
Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cho biết, mặc dù phải mua điện từ các nguồn điện mặt trời với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội, doanh nghiệp và người dân nên ngành điện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển, đặc biệt là đối với ĐMTMN.
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 296 dự án ĐMTMN, với tổng công suất 3.647 kWp. Riêng tính từ đầu năm 2020 đến 31/8/2020 đã có 161 dự án, với tổng công suất hơn 2.774 kWp, sản lượng điện khoảng 337.328 kWh.
Ngoài các dự án của khách hàng đầu tư, ngành điện cũng đã đầu tư 17 dự án ĐMTMN với tổng công suất là 557,24kWp tại 9 trạm biến áp 110kV, 7 trụ sở điện lực và trụ sở của Đội quản lý vận hành lưới điện của PC Quảng Bình. Hiện tại, ngoài các hộ gia đình đầu tư tại nhà có công suất nhỏ, có 47 dự án lớn (gần 1.000kW) đang được các nhà đầu tư triển khai. Trong đó có 15 dự án đã ký thỏa thuận đấu nối và nhà đầu tư đang triển khai thi công, 32 dự án các nhà đầu tư đã đăng ký đấu nối; đang triển khai các bước chuẩn bị hồ sơ dự án, phúc đáp về khả năng đáp ứng giải tỏa công suất, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ cần thiết cho từng giai đoạn và các bước thực hiện với tinh thần hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư hoàn thành đóng điện dự án càng sớm càng tốt.
Tại Quảng Trị, theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đến nay trên địa bàn tỉnh có 221 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt là 2.766 kWp, trong đó có nhiều khách hàng đã bán điện cho ngành điện. Trong số 221 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, công suất lớn nhất là 100kWp, thấp nhất là 3kWp, công suất trung bình là 8,59kWp/khách hàng lắp đặt. Tính đến giữa tháng 8/2020, sản lượng ĐMTMN của các khách hàng trên đã được phát ngược lên lưới là 70.321 kWh, tổng số tiền mà ngành điện đã thanh toán cho khách hàng là trên 1 tỉ đồng.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cho biết, so với năm 2019, từ chỗ chỉ có 96 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN, công suất xấp xỉ 1.000 kWp thì đến ngày 31/8/2020 con số này đã tăng lên 330 khách hàng, với tổng công suất 5.000 kWp. Sản lượng điện hệ thống ĐMTMN của khách hàng phát lên lưới trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 177.000 kWh, tăng hơn 100.000 kWh so với cả năm 2019.
Một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất gần 1.000kWp đã được nghiệm thu và đi vào sử dụng.
Hiệu quả mang lại thấy rõ
Ông Phan Thanh Tùng (Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong Quảng Trị) cho biết, hiện ông có 3 nhà máy sản xuất nước đá, bình quân tiền điện mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Sau khi có chính sách về lắp đặt, mua bán ĐMTMN, để giảm chi phí tiền điện ông Tùng mạnh dạn đầu tư hệ thống ĐMTMN trên mái nhà rộng 600m2, công suất 100kWp, với số vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng. Sau khi lắp đặt, lắp công tơ 2 chiều, ký hợp đồng mua bán điện ngoài không phải trả số tiền điện như trước đây bình quân mỗi tháng ĐMTMN của ông Tùng hòa vào lưới điện khoảng 25 - 30 triệu đồng.
Ông Phan Văn Vĩnh - Giám đốc PC Quảng Trị - cho biết, bây giờ ở tỉnh Quảng Trị nhu cầu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ngày càng tăng. Hiện, PC Quảng Trị đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Bên cạnh đó là khuyến khích CBCNV đầu tư lắp đặt tại hộ gia đình. “Lợi thế rõ nhất của ĐMTMN là không tốn diện tích đất do được lắp đặt trên mái nhà và có thêm mục đích hữu ích khác tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Phát triển ĐMTMN với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa huy động các nguồn vốn để phát triển nguồn điện, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ”, ông Vĩnh cho biết thêm.
Nhiều hộ dân sau khi sử dụng, lượng điện dư thừa đã bán lại cho ngành điện thông qua công tơ 2 chiều.
Tại Thừa Thiên Huế, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, Điện lực Nam Sông Hương (thuộc PC Thừa Thiên Huế) đã có gần 100 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng cộng suất hơn 1.000 kWp và ngành điện đã chi trả hơn 400 triệu đồng tiền điện mua lại từ hệ thống ĐMTMN của khách hàng,.
Như hộ gia đình bà Hoàng T.H. ở phường Xuân Phú (TP. Huế), từ ngày lắp đặt hệ thống ĐMTMN đến nay, cả gia đình đều phấn khởi bởi mỗi tháng không chỉ giảm được tiền điện phải trả mà còn nhận lại hơn 2 triệu đồng tiền bán lại điện cho điện lực. Bà H cho biết thêm, từ ngày lắp đặt hệ thống ĐMTMN, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời đã giúp giảm nhiệt rất nhiều cho ngôi nhà. Tương tự, ông Vũ T.S. ở Phường Phước Vĩnh (TP. Huế) cho biết, gia đình lắp đặt ĐMTMN từ tháng 7/2019, sau khi lắp đặt ngoài lượng điện dùng cho gia đình, ông cũng đều đặn nhận tiền bán điện cho ngành điện, riêng tháng trong tháng 8/2020, gia đình ông nhận hơn 1 triệu đồng tiền bán điện.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển nhanh chóng của ĐMTMN, một số doanh nghiệp có mặt bằng mái, vị trí thuận lợi cũng đã bắt đầu đầu tư hệ thống ĐMTMN và xem đây như là giải pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp. Điển hình như DNTN Khách sạn ANHILL (phường An Tây) đã đầu tư hệ thống ĐMTMN công suất 50kWp từ tháng 6/2020. Kể từ khi đi vào vận hành, hệ thống ĐMTMN không chỉ giúp khách sạn này tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng tiền điện hàng tháng mà còn được điện lực chi trả ngược lại từ 7-8 triệu đồng tiền bán điện từ hệ thống ĐMTMN.
Vừa qua, Công ty TNHH Chế biến gỗ Hải Hậu (TX. Ba Đồn, Quảng Bình) đưa vào sử dụng công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lớn nhất tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay, với công suất gần 1.000kWp, tổng chi phí đầu tư khoảng 13 tỷ đồng. Theo tính toán, với mỗi kWp công suất lắp đặt có thể tạo ra được một lượng điện năng từ 4-5kWh mỗi ngày thì doanh thu trung bình một năm ước tính đạt hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi lại vốn và hoàn toàn được hưởng lợi từ đó vì tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời kéo dài lên đến 25-30 năm.
Ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế - cho biết, nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng, PC Thừa Thiên Huế đã đơn giản hóa quá trình ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN, đồng thời khuyến khích khách hàng đăng ký bán ĐMTMN qua các kênh tương tác trực tuyến như Zalo, email, website CSKH. Ngoài ra, các hệ thống ĐMTMN của khách hàng sau khi lắp đặt công tơ 2 chiều đều được tích hợp với hệ thống quản lý đo đếm từ xa, giúp khách hàng có thể quản lý, theo dõi sản lượng phát lên lưới điện thông qua ứng dụng cài đặt trên smartphone, ông Phúc cho biết thêm.
Link gốc