Nhà máy điện mặt trời SP Infra1 chính thức hòa lưới điện quốc gia

Thứ sáu, 4/9/2020 | 14:25 GMT+7
Ngày 01/9/2020, tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhà máy điện mặt trời SP Infra1 với công suất 50 MW do Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư đã chính thức đóng điện thành công, hòa lưới điện quốc gia. 
nha may dien mat troi sp infra1 cua tap doan ha do chinh thuc hoa luoi dien quoc gia
Những tấm quang điện tại nhà máy SP Infra1

Theo tính toán mỗi năm SP Infra1 sẽ phát lên lưới điện quốc gia khoảng 98 triệu kWh.

Công nghệ vượt trội

Nằm trên diện tích 58,7 ha thuộc hai xã Phước Thái và Phước Vinh (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), nhà máy điện mặt trời SP Infra1 (gọi tắt là SP Infra1) được đánh giá là dự án điện năng lượng mặt trời có công nghệ tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Với công nghệ sử dụng hệ xoay Indeematec, hệ giá đỡ xoay theo hướng nắng của mặt trời đã giúp cho các tấm quang điện khai thác tối đa lượng bức xạ mặt trời tại khu vực Nam Trung Bộ.
 
Ông Phạm Tuấn Minh – Trưởng Ban quản lý dự án- Giám đốc SP Infra1 cho biết: "Toàn bộ thiết bị, công nghệ của nhà máy có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Đức, Italia,… có hệ thống Invester chuỗi hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Cụ thể, hệ thống Tracker có khả năng xoay âm dương 55 độ xoay theo hướng mặt trời, nên các bàn giá đỡ đều có độ quay và độ nghiêng khác nhau vào từng thời điểm. Thiết kế này sẽ giúp cho các tấm quang điện hấp thụ tối đa ánh nắng mặt trời chiếu nhưng không bị che khuất giữa các bàn với nhau. Nhờ đó, hiệu suất nhà máy đạt sản lượng điện cao hơn 25% so với hệ thống cố định. Hiệu quả này đã được chứng minh và thử nghiệm thông qua dự án Mặt trời Hồng Phong 4 của tập đoàn Hà Đô tại Bình Thuận”.
 
Bên cạnh đó, công nghệ của SP Infra1 cũng được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá cao vì cùng với hệ thống giá xoay có khả năng bám sát địa hình tự nhiên kể cả địa hình có độ dốc tối đa là 200, đồng thời sử dụng rất ít cọc, cả dự án 50MWp chỉ cần 9.000 cọc trong khi công nghệ khác 18.000 cọc trở lên. Với những ưu điểm như vậy sẽ giảm tác động cho môi trường do hạn chế san lấp và khoan cọc cũng như giảm chi phí và thời gian thi công cho nhà đầu tư.
 
nha may dien mat troi sp infra1 cua tap doan ha do chinh thuc hoa luoi dien quoc gia
Trạm biến áp đồng bộ với nhà máy điện mặt trời

Rực sáng Ninh Phước
 
Là một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Ninh Thuận, trong những năm qua nền kinh tế của Ninh Phước chủ yếu là dựa vào nông nghiệp thế nhưng do thời tiết khắc nghiệt, thiếu nguồn nước khiến nông nghiệp không thể cất cánh. Bên cạnh đó là các chính sách an sinh xã hội cho người dân mà đặc biệt là đồng bào dân tộc Chăm (chiếm 30% tổng dân số trên địa bàn huyện), đồng bào Công giáo… cũng là một trong những vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương.
 
Ông Nguyễn Đô - Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước chia sẻ, trước kia đất của dự án SP Infra1 được giao cho một số chủ đầu tư để làm nông nghiệp, tiếp đến là công ty Năng lượng Surya Prakash Việt Nam (Ấn Độ) để làm năng lượng tái tạo nhưng không thành công. Nhưng với tiềm lực về tài chính, con người, kinh nghiệm… sau khi Tập đoàn Hà Đô mua lại toàn bộ vốn góp công ty Năng lượng Surya Prakash Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng (từ 15/2-15/8/2020) toàn bộ dự án đã hoàn thành và chính thức phát điện vào ngày 1/9 vừa qua.
 
Sau khi phát điện thương mại, nhà máy không chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân bản địa mà còn đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 100 triệu đồng/ngày.
 
Cùng với các dự án năng tái tạo khác, SP Infra1 đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tại Ninh Phước phát triển, đưa Ninh Phước trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế theo hướng năng lượng sạch, đóng góp vào thành công chung của tỉnh Ninh Thuận trong chiến lược trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia.
 
Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn
 
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Minh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho biết: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Tập đoàn “Chậm và Chắc”, đến nay trong lĩnh vực thủy điện Hà Đô đã phát triển được 120 MW và dự kiến đến năm 2021 sẽ có thêm 150 MW, còn lĩnh vực năng lượng mặt trời là 100 MW và năm 2021 sẽ có thêm 50 MW điện gió. Mục tiêu đến năm 2025 Tập đoàn Hà Đô sẽ phát triển thêm 500 MW điện gió và điện mặt trời.
 
"Các dự án năng lượng của Hà Đô đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, mức độ rủi ro rất thấp nên độ tín nhiệm rất cao khi vay vốn tại các ngân hàng – đây chính là những lợi thế lớn của Hà Đô khi triển khai đầu tư các dự án năng lượng mới, đảm bảo các dự án được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất, chất lượng tốt nhất và thời gian nhanh nhất”, ông Nguyễn Trọng Minh chia sẻ.
 
Với tiềm năng lợi thế về nắng và gió, Ninh Thuận dần đang khẳng định vị thế của mình là một Trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, đến nay Ninh Thuận đã và đang triển khai 34 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.343 MW, 181 MW điện gió đã đưa vào vận hành và cuối năm 2020 sẽ lên khoảng 229 MW. Hiện cũng có 10 dự án điện gió với tổng công suất 447 MW đang triển khai và sẽ đi vào vận hành vào năm 2021. Qua đó, nâng tổng số dự án đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 lên 13 dự án với tổng công suất 678 MW.
 
nha may dien mat troi sp infra1 cua tap doan ha do chinh thuc hoa luoi dien quoc gia
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Phó TGĐ Tập đoàn Hà Đô tặng hoa cho các cán bộ công nhân nhà máy điện mặt trời SP Infra1 ngay sau khi đóng điện thành công
 
Ông Phạm Đăng Thành- Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, cùng với các nhà đầu tư khác, Hà Đô đã và đang góp phần phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận thông qua việc đóng góp ngân sách, tạo việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội đồng thời góp phần đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia. Thông qua các dự án của mình, Hà Đô đã khẳng định vị thế là một nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ và con người… đây là yếu tố rất quan trọng để đồng hành với tỉnh trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nhanh và bền vững.
 
Cũng theo ông Phạm Đăng Thành- Để Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia thì Ninh Thuận cần rất nhiều thể chế chính sách phải được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện tỉnh Ninh Thuận cũng đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) xây dựng Bộ tiêu chí như thế nào là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thời gian tới VAST cũng sẽ tổ chức một hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội cho Bộ tiêu chí trên.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương