TP Hồ Chí Minh: Nhiều người dân lắp điện năng lượng mặt trời

Thứ năm, 7/11/2019 | 09:57 GMT+7
TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất trong những tháng cuối năm, vì vậy giải pháp phát triển điện năng lượng mặt trời rất được quan tâm.
Lắp điện mặt trời nếu sử dụng thừa có thể bán điện lại cho ngành điện. 
 
Ông Bùi Văn Kha, Giám đốc Điện lực Củ Chi, cho biết, TP Hồ Chí Minh rất chú trọng và quan tâm phát triển điện năng lượng mặt trời. Đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể khai thác mọi nơi và nhanh thu hồi vốn nhanh. Trong mùa nắng nóng vừa qua vì lo thiếu điện nhiều người dân, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng đã đổ xô lắp điện năng lượng mặt trời. Sắp tới, những tháng cuối năm lượng điện tiêu thu phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng cao vì vậy thành phố đang vận động, kêu gọi người dân, doanh nghiệp đầu tư lắp điện năng lượng mặt trời với nhiều chính sách ưu đãi và cách thanh toán giá điện linh hoạt có lợi cho người lắp.
 
"Tính đến tháng 7, đơn vị đã có 153 khách hàng lắp đặt điện mặt với công suất hơn 2.388 kWp. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, số lượng khách hàng tham gia lắp đặt điện mặt trời mới đã tăng mạnh với 129 khách hàng, với công suất lắp đặt gần 2.000 kWp. Đơn vị cũng đã tổ chức ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mặt trời phát lên lưới điện quốc gia cho khách hàng. Tổng số tiền thanh toán hơn 400 triệu đồng từ các dự án điện mặt trời của khách hàng", ông Bùi Văn Kha nói.
 
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC), thành phố hiện có hơn 3.000 khách hàng lắp đặt điện năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt 39,31 MWp, điện năng phát lên lưới là 6,03 triệu kWh.
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng hiện nay của thành phố. TP Hồ Chí Minh nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong cả năm, cường độ bức xạ khá cao 4,3 kWh/m2/ngày. Do vậy, TP Hồ Chí Minh đang thúc đẩy kêu gọi người dân và doanh nghiệp gia tăng lắp điện năng lượng mặt trời để phục vụ cho sinh hoạt lẫn sản xuất. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có hướng dẫn thanh toán tiền điện mặt trời cho khách hành nên người dân, doanh nghiệp cũng yên tâm hơn khi lắp điện mặt trời để cung cấp điện cho gia đình, khi có nhiều thì hòa vào dòng điện lưới quốc gia phục vụ cho các hoạt động sản xuất.
 
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, nguồn điện quốc gia phải huy động hết công suất để duy trì và EVN cũng thường xuyên phải huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao 3.500 - 5.000 đồng/kWh. Dự báo đến năm 2021 nguồn điện tiêu thụ thiếu hụt sẽ tăng cao do đó việc đẩy mạnh phát triển điện năng lượng mặt trời đang được các đơn vị, ban ngành cùng thực hiện, trong đó tuyên truyền vận động doanh nghiệp, người dân lắp đặt ở các cao ốc, nhà dân, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Theo: Báo Tin tức