Ngành giấy “nhập cuộc” xu hướng công trình xanh

Thứ ba, 5/11/2019 | 14:33 GMT+7
Việc CP Paper gần đây chính thức trở thành doanh nghiệp đầu ngành đầu tiên nhận được chứng nhận Leed đã cho thấy ngành giấy trong nước nói chung đang có những bước chuyển mình để thích ứng với làn sóng tiêu dùng xanh.
 
Hệ thống đèn phải sử dụng đèn LED tiết kiệm điện, dùng cảm biến tắt đèn tự động khi không có người sử dụng.
 
Tuy vào cuộc trễ nhưng Việt Nam đang nhanh chóng tăng tốc trên đường đua công trình xanh toàn cầu. Theo số liệu của BlueScope công bố tại Diễn đàn kinh doanh miền Trung của Eurocharm, nếu như Việt Nam chỉ có 2 công trình đạt được chứng nhận công trình xanh trong giai đoạn 2010-2011 thì tới năm 2016-2017, con số này tăng gần gấp 10.
 
Lý giải cho xu hướng này, ‘Sách xanh của Eurocharm’ cho rằng động lực gia tăng số lượng nhà máy xanh xuất phát từ các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam - các doanh nghiệp đặt trụ sở tại các nước có luật môi trường vô cùng nghiêm ngặt.
 
Hai công trình xanh đầu tiên tại Việt Nam cũng thuộc về hai tập đoàn đa quốc gia: nhà máy Colgate Pamolive với chứng chỉ LEED Bạc năm 2010 và trung tâm kho vận của công ty YCH Postrate Distripark đạt được LEED Bạc năm 2011.
 
Một nguyên nhân khác phải kể đến dòng vốn FDI đang đổ vào lĩnh vực sản xuất. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn đang tiếp tục dẫn dắt dòng vốn với hơn 18 tỉ USD, chiếm 69% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vì vậy việc xây dựng các nhà xưởng xanh cũng là một chiến lược hiệu quả các chủ bất động sản công nghiệp đang hướng tới để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
 
Ngành giấy "nhập cuộc" công trình xanh
 
Không nằm ngoài xu hướng chung, nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam trước đây kém "mặn mà" với các chứng chỉ môi trường, hiện đã có những nhận thức thay đổi khác biệt - chú trọng và đầu tư chuyên sâu hơn về các hoạt động môi trường nhằm tạo nền tảng cho các định hướng phát triển bền vững cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cơ bản khi hội nhập quốc tế.
 
Cụ thể, gần đây nhất ngành giấy và bao bì ghi nhận công ty Cổ phần giấy CP (CP Paper) đã đạt chứng nhận LEED cho cả văn phòng và nhà xưởng mới xây dựng.
 
Đây cũng là đơn vị thương mại trong ngành giấy và bao bì đầu tiên tại Việt Nam có được chứng nhận của LEED. Nhiều nguồn tin còn cho rằng các ông lớn cùng ngành khác như Tetra Pak cũng đang có những bước chuẩn bị để đạt được chứng chỉ tương tự trong giai đoạn tới.
 
Phóng viên đã có trao đổi với bà Tô Mỹ Châu, Tổng Giám Đốc CP Paper về hành trình tiếp cận chứng chỉ đặc biệt này đối với CP Paper nói riêng và ngành giấy và bao bì trong nước nói chung.
 
- Theo bà, lí do CP Paper chọn LEED - một chứng chỉ với các chỉ tiêu khắt khe, thay vì các chứng nhận môi trường dễ tiếp cận khác hiện nay là gì?
 
Ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình dự án CP Paper, chúng tôi luôn ấp ủ tạo ra một công trình xanh với những định hướng trên nên đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ các chứng nhận liên quan đến công trình như Lotus, LEED, v.v.
 
Cuối cùng, chúng tôi lựa chọn chứng chỉ LEED - dù tiêu chuẩn khắt khe hơn và chi phí đầu tư cao hơn (5% chi phí xây dựng) nhưng có thể tương xứng với giá trị như ban đầu như chúng tôi đã đặt ra, cả về tầm nhìn dài hạn lẫn kết quả cụ thể.
 
- Tại Việt Nam, do tiêu chí và yêu cầu đầu tư lớn (chi phí và nguồn lực) LEED thường được nhóm doanh nghiệp lớn như lĩnh vực bất động sản quan tâm nhằm mục đích kinh doanh (ví dụ như thu hút bán hàng). Vậy tại sao CP lại quyết định đầu tư chứng nhận LEED cho văn phòng và nhà xưởng mới của mình? (đặc biệt là văn phòng).
 
Đối với CP Paper, "Hướng đến con người" là một trong những giá trị cốt lõi của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn công nhân viên của mình được làm việc trong một môi trường xanh, sạch và đảm bảo an toàn về sức khỏe.
 
Mặt khác, với khát khao góp phần tạo dựng đất nước Việt Nam xanh, sạch và tốt đẹp hơn nên chúng tôi tự nguyện đầu tư chứng chỉ LEED cho văn phòng và nhà xưởng mới của mình và hy vọng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều công trình xanh nữa mọc lên.
 
- Vậy những tác động cụ thể của chứng nhận này đến hoạt động kinh doanh của CP Paper là gì?
 
Về hữu hình, LEED mang đến nhiều lợi ích - nhất là tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện năng và nguồn nước hàng tháng của doanh nghiệp nhờ yêu cầu tận dụng tốt hơn các nguồn năng lượng tự nhiên thay thế hoặc thông qua các hệ thống tự động.
 
Tuy nhiên, vượt trên cả những lợi ích "đo đếm" được, LEED còn đem đến những giá trị nhân văn đến cộng đồng nhân viên, thông qua việc cải thiện môi trường làm việc và văn hoá công ty.
 
Doanh nghiệp chọn áp dụng các tiêu chí trong chứng chỉ LEED tạo cơ hội cho nhân viên được làm việc trong môi trường ánh sáng tốt cho mắt và không khí tự nhiên thoáng mát, điều này giúp nhân viên CP Paper luôn có năng lượng tích cực để làm việc.
 
Kho xưởng của chúng tôi với hệ thống thông gió tự nhiên, làm cho môi trường làm việc trong kho xưởng mát mẻ và sạch sẽ hơn giúp công nhân có môi trường làm việc tốt và chất lượng hơn.
 
Người lao động làm việc trong một môi trường xanh, sạch và đảm bảo an toàn về sức khỏe chính là động lực cho sự phát triển bền vững. Và vì thế về giá trị vô hình, có thể nói LEED mang đến cho đội ngũ chúng tôi niềm tin và sự tự hào về tầm và tâm của ban lãnh đạo công ty. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng thông qua sự quyết liệt đầu tư bài bản của mình, CP cũng sẽ có thể truyền thêm cảm hứng, tạo thêm tự tự tin và niềm tin cho các đối tác để họ cũng cùng chung tay kiến tạo nên một Việt Nam xanh, sạch và tốt đẹp hơn.
 
- Bà có thể chia sẻ thêm về các thách thức mà CP Paper nói riêng và các doanh nghiệp nói chung phải đối mặt trong quá trình đạt được chứng nhận LEED?
 
Để đạt được chứng chỉ LEED, CP Paper phải tuân thủ rất khắt khe các yêu cầu trong xây dựng và vận hành của Hội đồng công trình Xanh của Mỹ (USGBC) để nâng cao môi trường làm việc và tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải, đơn cử như rác thải trong quá trình xây dựng phải được phân loại, phải có biên bản thu gom rác phân loại của tổ chức thu gom có chức năng chuyên môn và phải có xác nhận hàng tháng hay việc an toàn lao động phải đạt 100%, không có nguy cơ gây tai nạn… và rất nhiều các tiêu chuẩn khác.
 
Với những yêu cầu khắt khe của Hội đồng công trình xanh của Mỹ đưa ra, chúng tôi phải rất nỗ lực để đáp ứng và đảm bảo đạt được kết quả như họ quy định. Đó là những thách thức rất lớn đối với một công ty chuyên về ngành giấy nói riêng và các công ty Việt Nam nói chung.
 
- Trong kinh doanh, lợi nhuận luôn được ưu tiên và do đó dễ thấy những khoản đầu tư mang tính nhân văn, cộng đồng - như chọn áp dụng LEED, nằm ở hạng mục thứ yếu. Vậy đâu là bí quyết giúp cân bằng hai hệ giá trị này thông qua câu chuyện của CP Paper?
 
Theo đuổi triết lý phát triển bền vững - cân bằng cả lợi ích kinh tế lẫn giá trị cộng đồng luôn là bài toán khó, song doanh nghiệp vẫn đủ quyết tâm vượt qua nếu có nhận thức phù hợp.
 
Bản thân chúng tôi cũng từng phải đối mặt với nhiều giai đoạn khó khăn về tài chính và hiểu rằng vấn đề "cơm áo gạo tiền" vốn là nỗi quan tâm thường trực của các chủ doanh nghiệp. May mắn là CP Paper, với 30 năm hình thành và phát triển cũng đã bước qua giai đoạn đó.
 
Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh không chỉ là lợi nhuận trước mắt mà còn là cả hành trình dài phía trước; phát triển đến một giai đoạn nhất định, doanh nghiệp sẽ phải quan tâm hơn đến sự phát triển bền vững và ổn định theo năm tháng.
 
Để làm được điều đó, các yếu tố thường được xem là phụ trợ như giá trị con người, môi trường và xã hội… trong giai đoạn đầu phát triển phải được đầu tư song song với các mục tiêu tài chính; thậm chí chúng còn là hành trang "cần và đủ" khi tiếp cận xu thế kinh tế hội nhập phổ biến hiện nay.
 
CP Paper là doanh nghiệp đầu ngành muốn giữ vững vị thế của mình trên thị trường và mở rộng giao thương đến các đối tác lớn trên thế giới - nơi những yêu cầu ngày càng khó khăn hơn, chuyên nghiệp hơn được đặt ra - và vì thế, việc tiếp nhận LEED chính là yêu cầu bắt buộc, là nhiệm vụ mà ban lãnh đạo phải quan tâm trong mọi chiến lược phát triển công ty. Song, nếu khởi nghiệp, DN nào ngay từ những bước đi đầu tiên đã nhận thức được những giá trị này và nghiêm túc đầu tư bài bản thì sẽ sớm hái được quả ngọt.
Theo: Nhịp sống kinh tế