Ông Đặng Hoàng An- Phó Tổng Giám đốc EVN.
Ông An cũng cho biết thêm, năm 2013, công nghiệp có khả năng khởi sắc và phục hồi, thời tiết quá nóng, phụ tải tăng cao, tình hình khô hạn...Nhiều yếu tố bất lợi sẽ gây căng thẳng việc cung cấp điện cho miền Nam.
Để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2013, EVN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, bố trí lịch sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy năm 2013 hợp lý; tích nước tối đa các hồ thủy điện để đảm bảo khả dụng nguồn cho mùa khô, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam.
Năm 2013, EVN sẽ đưa nhà máy Uông Bí mở rộng 2, nhà máy thủy điện Bản Chát, tổ máy số 1 dự án nhiệt điện Quảng Ninh 2 vào vận hành để tăng nguồn phát điện mùa khô. Một số nhà máy điện của các Tập đoàn khác như Than- khoáng sản (TKV), Dầu khí (PVN), các Công ty phát điện thành viên của TKV, PVN như Nhiệt điện Mạo Khê, Vũng Áng, Nậm Chiến cũng sẽ được hòa lưới quốc gia trong năm 2013, cung cấp nguồn cho hệ thống điện.
EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tập trung đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm tăng cường cho lưới điện miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam như đường dây 220KV Đăk Nông- Phước Long- Bình Long (đã đóng điện ngày 28/12/2012); nâng công suất trạm 500 kV ô Môn (đã đóng điện ngày 24/12/2012), Tân Định (đóng điện ngày 1/12/2012), Phú Lâm, ĐZ 500 kV Pleilu- Mỹ Phước- Cầu Bông, các ĐZ 500kV Phú Mỹ- Sông Mây- Tân Định và các trạm 500kV Sông Mây, Cầu Bông và các ĐZ 220kV đấu nối, nâng dung lượng tụ bù dọc các ĐZ 500kV Pleiku- Phú Lâm.
Bà Đặng Thanh Mai- Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết, các tháng đầu năm 2013 khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng không khá hơn là bao khi lũ năm nay xuất hiện muộn, ngắn, lại suy giảm nhanh. Chính vì tình trạng khô hạn như vậy, dự báo, EVN sẽ phải huy động 1, 57 tỷ kWh chạy dầu DO và FO, trong đó mùa khô là 1, 113 tỷ kWh. Với việc chạy dầu vào mùa khô cho các tỉnh miền Nam, chi phí phát sinh sẽ rất lớn, điều này đặt sức ép chi phí lớn lên giá điện. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 kWh điện bằng dầu sẽ mất chi phí từ 4.500- 4.800 đồng/kWh, trong khi đó giá bán điện trung bình hiện nay ở mức 1.400 đồng/kWh. Nếu như việc huy động sản lượng điện chạy dầu với giá dầu như hiện nay là 17.650 đồng/kg, chi phí phát sinh do phát điện bằng dầu của EVN sẽ tăng lên trên 1.964 tỷ đồng. Vì vậy, tiết kiệm điện không phải là khẩu hiệu nữa mà là trách nhiệm của toàn xã hội, là lối hành xử của mỗi con người. Ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Tuấn Hoàng/Tinnganhdien.vn