Gia Lai: Nguồn lực phát triển từ thủy điện

Thứ tư, 9/1/2013 | 13:30 GMT+7
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Gia Lai một mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó dòng chảy từ các con sông lớn như Sê San, sông Ba là nguồn thủy năng dồi dào… Theo khảo sát và tính toán sơ bộ, tiềm năng thủy điện của tỉnh Gia Lai có thể đạt 2.400 MW, tương ứng 11 tỷ kWh/năm, trong đó thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh khoảng 550 MW tương ứng 2,2 tỷ kWh/năm. Với tiềm năng này, Gia Lai xứng đáng là một “trung tâm năng lượng điện quốc gia”.
 

    
Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ nhìn từ phía sau

Là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước lập quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn để kêu gọi đầu tư, Gia Lai đã phát huy thế mạnh của địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách địa phương và phát triển tốt cơ sở hạ tầng cho vùng có dự án, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

Khởi sắc từ thủy điện

Có mặt tại Phú Thiện vào một ngày cuối năm, không khí oi nồng của vùng đất được mệnh danh “đồng bằng Tây Nguyên” khiến ai nấy đều khó chịu. Vậy nhưng, cảm giác đó chợt tan biến khi xe rẽ vào Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ.

Có lẽ ít có thủy điện nào một lúc có thể kết hợp 3 giá trị, đó là sản xuất điện, điều tiết thủy nông và phục vụ du lịch như Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ. Sự kết hợp này cũng chính là điều thu hút tôi đến thăm nơi này dù rằng đây không phải là nhà máy thủy điện lớn ở Gia Lai. Không gian nhà máy khá chật, phần lớn là nơi đặt máy móc thiết bị nhưng “chủ nhà” tiếp chúng tôi với tấm lòng rộng mở, dẫn tôi tham quan mọi “ngõ ngách” của nhà máy.

Trạm trưởng sản xuất điện Ayun Hạ - Trương Công Huy phấn khởi khi nói về sản lượng điện nhà máy đã đạt được năm 2012: “Lâu rồi nhà máy mới đạt mức kỷ lục đến vậy, nước nhiều, đều và liên tục nên nhà máy hoạt động tối đa công suất tới 8.760 giờ/năm (trong khi bình quân trước đây của nhà máy chỉ hoạt động 7.000 giờ/năm) vì thế sản lượng điện sản xuất vượt 11% so với kế hoạch, đạt trên 23,5 triệu kWh/năm.

Luôn hướng mắt lên màn hình theo dõi diễn biến mọi hoạt động trong phòng điều hành, anh Vũ Thành Quang - công nhân Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ tâm sự: “Hơn 10 năm gắn bó với thủy điện Ayun Hạ, thu nhập từ nhà máy đã giúp mình ổn định cuộc sống. Từ đất Quảng Ngãi lên Gia Lai lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nay mình đã có gia đình, nhà cửa đàng hoàng, các con ngoan, mình rất mãn nguyện. Năm nay nước nhiều, các tổ máy chạy vượt công suất nên thu nhập của anh em công nhân khá hơn (bình quân thu nhập của anh Quang 6 triệu đồng/tháng). Đặc biệt là dịp Tết, ngoài tiền tăng ca do nhà máy chi trả, các anh em trực Tết còn được nhận thêm 300% tiền lương/ngày công do Công ty hỗ trợ, vì thế ai cũng phấn khởi”.

Tiềm năng lớn

Có thể nói năm 2012 là một năm “bội thu” của hoạt động sản xuất điện năng tại tỉnh Gia Lai, sản lượng điện thương phẩm đạt 5.700,07 triệu kWh, tương ứng 2.713,2 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ mà ngành điện sản xuất đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2012 (chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), tăng 81,6% so với năm 2010 và tăng 12,6% so với năm 2011.

Lý giải nguyên nhân ngành điện “được mùa”, ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho rằng: Chủ yếu là tình hình thời tiết khá thuận lợi, mưa nhiều vào những tháng cuối năm 2011 tạo cơ hội tích nước, đồng thời trong năm 2012 mưa rải đều các tháng đã giúp các nhà máy thủy điện hoạt động cơ bản ổn định, phát huy tối đa công suất. Bên cạnh đó, việc đưa 11 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất 327,6 MW vào cuối năm 2011 và 2012 đã góp phần nâng cao sản lượng điện thương phẩm.

Có lợi thế hơn so với nhiều đơn vị khác nhờ quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Sê San với tổng công suất 1.080 MW, Công ty Thủy điện IaLy được đánh giá là công ty thủy điện lớn ở Tây Nguyên. Sản lượng điện bình quân theo thiết kế của 3 nhà máy (IaLy, Sê San 3 và Pleikrông) đạt trên 5,3 tỷ kWh/năm. Riêng năm 2012, sản lượng điện của công ty đạt gần 5,8 tỷ kWh (vượt 9% sản lượng điện bình quân theo thiết kế). Theo lãnh đạo Công ty Thủy Điện IaLy thì đây là sản lượng cao nhất trong 12 năm qua và dự kiến năm nay, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước của công ty là 574 tỷ đồng (sản lượng được tính cho cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum).

Nói về các đơn vị sản xuất điện ở Gia Lai không thể không nhắc đến Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Với bề dày hoạt động trong ngành điện hơn 20 năm, Công ty hiện đang quản lý vận hành hơn chục nhà máy thủy điện với tổng giá trị tài sản đạt gần 1.129 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng trên cơ sở phát triển liên kết các ngành nghề hoạt động đã giúp Công ty tạo được lợi thế về đầu tư các dự án thủy điện, đảm bảo được tính chủ động với giá thành cạnh tranh so với mặt bằng chung của thị trường…

Theo quy hoạch của UBND tỉnh năm 2003, Gia Lai có 74 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 494.405 MW và 7 dự án thủy điện lớn do Chính phủ quy hoạch với tổng công suất là 1.841 MW gồm thủy điện IaLy, Sê San 3, Sê San 4, An Khê-Ka Nak… Hiện đã có 40 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất 2.101,355 MW, hàng năm phát lên lưới điện quốc gia khoảng 9,84 tỷ kWh. Nhờ đó, đã bù đắp phần nào lượng điện thiếu hụt của quốc gia.

Ông Lê Quang Trường - Trưởng phòng Điều độ Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: Năm 2012 lượng điện cung cấp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh luôn đảm bảo, không có một trường hợp cắt điện nào vì thiếu điện. Đặc biệt, từ năm 2011, Công ty đã tổ chức bán điện sang Campuchia. Sản lượng tiêu thụ tăng lên rõ rệt, bình quân năm 2011 là 0,7 triệu kWh/tháng, sang năm 2012 mức tiêu thụ bình quân tăng lên 54%, đạt 1,08 triệu kWh/tháng. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty mà còn có ý nghĩa lớn lao, thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Camphuchia.
Theo: EVNCPC