Năm 2021, EVNNPC cung cấp gần 82 tỷ kWh, tăng 9,31%

Thứ năm, 6/1/2022 | 17:06 GMT+7
Ngày 6-1-2022, tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành thay mặt Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn 
 
Theo báo cáo, năm 2021, điện thương phẩm của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đạt 81,831 tỷ kWh, tăng trưởng 9,31% so với năm 2020 và vượt kế hoạch EVN giao (81,75 tỷ kWh), trong đó, thành phần công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 64,79% và tăng trưởng 10,37%; thành phần quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 29,08% và tăng 8%; thành phần TNDV chiếm 2,27% và giảm 2,85% so với năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, sản lượng điện thương phẩm năm 2021 của EVNNPC vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt và cao nhất trong 5 Tổng Công ty phân phối. 
 
Một số Công ty Điện lực có sản lượng điện thương phẩm lớn, mức tăng trưởng tốt, như: Hải Phòng (15,8%); Lào Cai (13,9%); Thanh Hóa (13,54%); Hưng Yên (11,39%); Phú Thọ (11,38%); Vĩnh Phúc (11,25%); Bắc Giang (10,17%)…; các Công ty Điện lực có mức tăng trưởng thấp là: Quảng Ninh (5,29%); Bắc Ninh (4,92%); Hải Dương (3,99%) và Ninh Bình (3,2%).
 

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân.

Giá bán điện bình quân năm 2021 của EVNNPC đạt 1.775,82 đ/kWh, tăng 55,81 đ/kWh so với cùng kỳ và cao hơn kế hoạch EVN giao 0,82 đ/kWh, nếu quy đổi về cùng đơn giá thì giá bán điện năm 2021 cao hơn giá bình quân năm 2020 là 4,28 đ/kWh; tỷ lệ thu thu nộp tiền điện đạt 100%; nợ quá hạn chưa thu được do ảnh hưởng của dịch covid hàng tháng khoảng 40 tỷ đồng đến 31-12-2021 chỉ còn 4 tỷ đồng; nợ khó đòi trong toàn EVNNPC là 26,2 tỷ đồng, giảm 37,7 tỷ đồng (tương ứng giảm 58,9% so với năm 2020).
 
Hiện nay tất cả các xã trên địa bàn EVNNPC quản lý đều đã có điện lưới Quốc gia, đạt tỷ lệ 100 %; số hộ dân nông thôn có điện, đạt tỷ lệ 99.06%; số xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt tỷ lệ 88,49%.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Cũng trong năm 2021, EVNNPC đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng trực tuyến; 100% dịch vụ điện cung cấp trực tuyến cấp độ 4, số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến mức độ 4 với tỷ lệ 93,14%,vượt kế hoạch EVN giao; 100% hóa đơn điện tử cung cấp qua App CSKH, Web CSKH; các hồ sơ hợp đồng (cả cũ và mới) đã chuyển đổi số, khách hàng có thể tra cứu được trên Web, App chăm sóc khách hàng; hoàn thiện công tác số hóa hợp đồng hồ sơ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; 100% báo cáo nội bộ thực hiện ký số trên CMIS; tỷ lệ tiếp nhận dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử năm 2021 đạt 97,52% vượt kế hoạch EVN giao; hoàn thành 100% hồ sơ, hợp đồng được số hóa, đối với các khách hàng có yêu cầu ký kết hợp đồng giấy hoặc không có số điện thoại đã thực scan cập nhật lên chương trình để quản lý. Lũy kế đến năm 2021, các đơn vị đã thực hiện việc chuẩn hoá thông tin khách hàng đối với 94.915/94.915 Trạm biến áp, đạt 100% toàn EVNNPC; đã thực hiện triển khai app ứng dụng hiện trường CRM và nâng cấp website CRM nhằm quản lý khép kín công tác dịch vụ khách hàng từ lúc tiếp nhận phiếu của khách hàng đến khi hoàn tất đều được theo dõi trên hệ thống CRM; xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng tự động trực tuyến trên internet, thiết lập hệ thống, chuẩn hoá kho tri thức để đưa hệ thống Chatbot vào tiếp nhận yêu cầu về dịch vụ điện của khách hàng qua Facebook, Web CSKH và Zalo; số hoá quy trình lĩnh vực kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Ngày 4-10-2021, EVNNPC đã vận hành chính thức (golive) quy trình Hợp đồng IPP và thanh toán tiền điện IPP. 


Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Ngày 1-11-2021 đưa vào vận hành chính thức 04 nhóm quy trình (quản lý hợp đồng, thu nộp tiền điện; báo cáo quản lý đo đếm; quản lý công tác dịch vụ khách hàng; Báo cáo hỗ trợ điều hành), hoàn tất đưa các nhóm quy trình vào vận hành chính thức; phối hợp với Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng ứng dụng hiện trường kiểm tra giám sát mua bán điện và treo tháo công tơ định kỳ.
 
Trong năm 2021, EVNNPC đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện mới cho 339.560 khách hàng, với thời gian giải quyết cấp điện cho 2.348 khách hàng trung áp bình quân là 4,11 ngày, giảm 0,36 ngày so với năm 2020, giảm 2,9 ngày so với quy định của EVN và giảm 0,9 ngày so với chỉ thị của EVN; trong đó, 7/27 Công ty Điện lực thực hiện dưới 4 ngày; 20/27 Công ty Điện lực thực hiện từ 4 ngày đến dưới 5 ngày. Tất các các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt so với quy định của EVN.
 
Khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 12-2021 đạt 71,31% vượt 7,77% so với chỉ tiêu EVN giao là 63,54%; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt 93,26% cao hơn 5,27% so với mức thực hiện năm 2020; khách hàng đăng ký dịch vụ điện qua cổng dịch vụ công đạt 62,37% tăng 29,33% so với năm 2020; cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 97,52%, cao hơn 2,52% so với kế hoạch EVN giao và tăng 14,6% so với năm 2020; cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 đạt 93,14%, vượt 13,14% so với kế hoạch năm EVN giao.


Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong năm 2021, EVNNPC đã khởi công 88/78 dự án 110kV đạt 112,8% kế hoạch giao; đóng điện 86/81 dự án đạt 106,2% kế hoạch giao và tăng 2,4% so với năm 2020; đóng điện 309/322 dự án lưới điện trung hạ áp, trong đó, 104 dự án giảm tổn thất điện năng và 2 dự án tự động hóa lưới điện ngầm trung áp.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTVEVN Dương Quang Thành ghi nhận những nỗ lực của Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV người lao động trong toàn EVNNPC trong hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện và nghĩa vụ đối với Nhà nước trong hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng dịch COVID – 19. Đặc biệt, đã hoàn thành tốt công tác đầu tư xây dựng với kết quả vượt 12% so với kế hoạch; có sự đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, từ một đơn vị đứng gần như cuối về ứng dụng khoa học công nghệ trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong toàn EVN.
 
Chủ tịch Dương Quang Thành nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển, do vậy, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, EVNNPC phải đưa ra các giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống; xây dựng các chương trình theo định hướng tăng năng suất lao động; tiếp tục hoàn thành chuyển đổi số; chủ động chăm lo đời sống cho người lao động trong bối cảnh dịch COVID – 19 tiếp tục biến động khó lường…Đặc biệt, tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách hàng để kiểm soát nhu cầu dịch vụ của khách hàng.
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao tặng Cờ thi đua của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho các đơn vị dẫn đầu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn



Chủ tịch Công đoàn EVNNPC Trịnh Quang Minh phát động phong trào thi đua năm 2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn


Tổng Giám đốc EVN NPC Nguyễn Đức Thiện phát biểu kết thúc Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Thanh Mai