Nhân viên Điện lực Đông Hòa kiểm tra, xử lý một vụ trộm cắp lưới điện - Ảnh: NAM KHÁNH
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc xử phạt hành vi trộm cắp điện khá lúng túng, chậm trễ khiến hàng trăm hồ sơ xử lý trộm cắp điện đã hết hiệu lực. Điều này khiến việc xử lý trộm cắp điện đang mất dần tính răn đe với các cá nhân vi phạm.
Các địa phương lúng túng
Theo Công ty Điện lực Phú Yên, trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện 189 vụ trộm cắp điện, tập trung chủ yếu ở huyện Đông Hòa. Đơn vị đã truy thu được 187.945kWh với số tiền bồi thường là 545,2 triệu đồng. Công ty đã lập 191 bộ biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 36 trường hợp bị xử phạt với số tiền 276,5 triệu đồng. Trong đó, các vụ tồn đọng tập trung nhiều ở huyện Đông Hòa với 19/172 vụ.
Ông Phạm Thế Pháp, Giám đốc Điện lực Đông Hòa, cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 170 vụ vi phạm về trộm cắp điện. Sau khi lập biên bản xử lý, truy thu sản lượng điện, Điện lực Đông Hòa đã chuyển hồ sơ vi phạm cho các địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay các địa phương mới xử phạt 19 trường hợp, với số tiền 117 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương chưa xử lý được hồ sơ nào như thị trấn Hòa Hiệp Trung (83 hồ sơ), các xã Hòa Xuân Đông (7 hồ sơ), Hòa Xuân Nam (2 hồ sơ); Hòa Hiệp Nam xử lý 1/13 hồ sơ, Hòa Hiệp Bắc (4/12 hồ sơ), thị trấn Hòa Vinh (2/9 hồ sơ)... Cá biệt tại thị trấn Hòa Hiệp Trung có đến 90% hồ sơ chưa được xử lý; trong đó khoảng 70% hồ sơ đã hết hiệu lực xử phạt. Điện lực Đông Hòa đã nhiều lần làm việc, nhắc nhở địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định xử phạt nào được lập.
Ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, phân trần: Điện lực Đông Hòa đã gửi các bộ hồ sơ trộm cắp điện về thị trấn từ giữa tháng 8 nhưng đến nay địa phương vẫn chưa lập quyết định xử phạt. Nguyên nhân là vì các hộ vi phạm phần nhiều là các gia đình có hoàn cảnh neo đơn, kinh tế khó khăn; một số khác cố tình chống đối, không tiếp nhận quyết định nên việc xử lý rất khó khăn. Ngoài ra, địa phương cũng không có chế tài gì để bắt buộc người dân nộp phạt nên đến nay vẫn chưa giải quyết được hồ sơ nào. Địa phương đang chỉ đạo bộ phận tư pháp nghiên cứu hồ sơ, các quy định liên quan để ra quyết định xử phạt các trường hợp này.
Còn tại xã Hòa Hiệp Nam, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã lại khá lúng túng khi được hỏi đến các hồ sơ trộm cắp điện. Theo ông Hùng, trước nay các cán bộ phụ trách của xã chưa từng tiếp cận với vấn đề này nên cần thời gian nghiên cứu để hoàn tất các hồ sơ xử lý các đối tượng vi phạm.
Cần kiên quyết xử lý
Tại huyện Đông Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc là địa phương phối hợp rất tốt trong việc xử lý hành vi trộm cắp điện. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý vẫn chưa cao. Ông Nguyễn Thanh Thép, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc, cho biết: Sau khi nhận hồ sơ của ngành Điện chuyển về, địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tống đạt quyết định đến các hộ dân vi phạm. Tuy nhiên, đến nay mới có 4/12 hộ nộp phạt. Phần lớn các hộ dân còn lại đều thừa nhận hành vi sai trái nhưng vẫn không chấp hành quyết định xử phạt với lý do đã nộp tiền truy thu tiền điện nên không chịu nộp phạt vi phạm hành chính của địa phương. Hiện nay, một mặt địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành nộp phạt, mặt khác có văn bản yêu cầu Điện lực Đông Hòa phối hợp tạm ngừng cung cấp điện các hộ không chấp hành cho đến khi chấp hành quyết định xử phạt.
Về vấn đề này, ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Thời gian qua, tình hình trộm cắp điện trên địa bàn huyện đang ngày càng phức tạp. Vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trộm cắp điện. Địa phương cũng yêu cầu Công an huyện chỉ đạo công an xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các đối tượng giả danh công nhân ngành Điện lừa đảo, dụ dỗ người dân trộm cắp điện. Các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các hình thức lừa đảo để trộm cắp điện... Riêng các xã, thị trấn cần kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, không để kéo dài hoặc quá thời gian xử lý, gây khó khăn cho việc xử lý trộm cắp điện của Điện lực Đông Hòa.
Theo ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương, đơn vị này cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh để đề xuất việc xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm sử dụng điện. Theo đó, thực tế công chức các xã chưa đủ điều kiện đào tạo để cấp thẻ kiểm tra viên điện lực nên việc tham mưu xử lý khá khó khăn, lúng túng. Do vậy, Sở Công thương đề xuất tỉnh giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong sử dụng điện, tham mưu lãnh đạo UBND huyện ra quyết định xử phạt. Đối với các trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trộm cắp điện mà chưa chấp hành thì các lực lượng chức năng phối hợp cùng ngành Điện và chính quyền địa phương kiên quyết cưỡng chế theo quy định.