Hiện nay, sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc chiếm tới 88% lượng tiêu thụ điện. Năm 2002, chỉ có 12 lưới điện cấp tỉnh bị thiếu điện chút ít, việc hạn chế hoặc cắt điện chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mùa hè và thời kỳ mực nước thấp mùa đông. Nhưng gần đây, hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc đều bị thiếu điện, phần lớn là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện.
Thật khó để dự đoán được tình trạng thiếu điện hiện nay ảnh hưởng đến mức nào đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này còn phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tác động trở lại như thế nào và thiếu điện ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh như thế nào. Năm 2004, thiếu điện ước tính khoảng 7% (31 GW), mà theo ước tính làm giảm tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP) từ 1% đến 1,5% (khoảng 180 tỷ USD). Con số này không bao gồm tác động bất lợi đến sự ổn định xã hội và môi trường đầu tư. Năm 2005, chỉ có 10% điện năng ở Trung Quốc được dùng cho tiêu thụ sinh hoạt. Để giảm thiểu tác động xã hội của tình trạng thiếu điện, chính phủ Trung Quốc đã đảm bảo lượng tiêu thụ điện sinh hoạt bằng nguyên tắc trước hết cho sinh hoạt sau đó mới đến sản xuất.
Để ngăn ngừa những thiếu điện trong tương lai, phải thiết lập một “hệ thống cảnh báo sớm”. Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn bởi một số ít hộ tiêu thụ điện lớn.
Dự báo chính xác nhu cầu điện năng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của quy hoạch hệ thống điện. Với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, để nâng cao hiệu quả của ngành điện thì quan trọng là có một quy hoạch hệ thống điện hiệu quả ở tầm quốc gia. Các nguồn sản xuất điện ở Trung Quốc nằm xa các trung tâm phụ tải lớn. Các mỏ than nằm chủ yếu ở miền bắc và tây bắc, còn các nguồn thuỷ điện lại nằm ở phía tây. Các trung tâm phụ tải lớn nằm ở các vùng phía đông và duyên hải. Tuy nhiên, phát triển lưới điện ở Trung Quốc vẫn không theo kịp với tăng trưởng nguồn điện vì mức đầu tư thấp và các rào cản đối với việc kết nối lưới điện.
Ở tất cả thị trường phát triển, giá điện sinh hoạt cao gấp 1,5 lần so với giá điện tính cho các khách hàng công nghiệp lớn. Tính trung bình thì giá điện sinh hoạt của Trung Quốc thấp hơn khoảng 20% so với giá điện sản xuất. Nếu dựa vào các chi phí kinh tế cho việc cung cấp điện tại nhiều tỉnh thì giá điện sinh hoạt lẽ ra phải cao hơn khoảng 50% so với giá điện sản xuất. Tuy nhiên, giá điện sinh hoạt lại thấp hơn và khách hàng sinh hoạt chính là những người chủ yếu nhận được các khoản trợ cấp lớn thông qua việc tính giá điện thấp.
Cải cách giá điện là cần thiết để hỗ trợ phát triển thị trường điện và cung cấp tín hiệu đúng về thị trường để đầu tư vào ngành điện. Các công ty điện lực và các nhà đầu tư tư nhân phải được phép hưởng một tỷ suất lợi nhuận hợp lý và kỳ vọng tiếp tục như vậy, nếu không họ sẽ không thể hoặc không sẵn sàng đầu tư. Các công ty điện lực phải có quyền điều chỉnh giá điện trên cơ sở thường kỳ và có thể dự báo để tránh đầu tư một cách lãng phí. Về phía nhu cầu, giá điện cần cung cấp những tín hiệu đúng cho các khách hàng về mức và chế độ tiêu thụ, nhờ đó thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Phương pháp luận về xây dựng biểu giá phải được xác định rõ ràng, sao cho minh bạch đối với nhà đầu tư và hộ tiêu thụ điện. Tuy nhiên, do sự phức tạp và nhạy cảm nên việc cải cách giá điện ở Trung Quốc sẽ là một quá trình từng bước và lâu dài.
Việc thu hút vốn cũng là một quá trình lâu dài đối với Trung Quốc cũng như đối với các tổ chức tài chính đa phương và song phương. Cho đến bây giờ thì các hình thức BOT (xây dựng, vận hành và chuyển giao) và BOO (xây dựng, vận hành và sở hữu) chỉ đóng vai trò nhỏ trong phát triển ngành điện Trung Quốc. Vì đầu tư vào ngành điện vốn đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nên chính phủ vẫn sẽ là nhà đầu tư chính. Một vài đánh giá cho thấy phần các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành điện có thể chiếm trên 95%. Vai trò chủ đạo của nhà nước tạo ra những sự bấp bênh cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc rót vốn vào ngành điện.
Một thị trường điện cạnh tranh sẽ mở đường cho sự cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp điện và đưa ra những tín hiệu chính xác hơn về thị trường để đầu tư vào ngành điện. Dư thừa và thiếu hụt điện đều dẫn tới nền kinh tế phải trả giá đắt. Đầu tư vào ngành điện cần dựa trên mối quan hệ lâu dài giữa tăng trưởng GDP và nhu cầu điện. Khó có thể loại trừ hoàn toàn các giai đoạn dư thừa và thiếu hụt điện năng. Nhưng nếu có thể giảm bớt những biến động lớn trong cung cấp điện thì Trung Quốc có thể giảm thiểu cái giá phải trả cho tình trạng lộn xộn này, và làm cho ngành điện trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.