Năng lượng sạch từ mảnh đất Chín Rồng

Thứ ba, 5/5/2020 | 13:50 GMT+7
Từ mảnh đất bãi bồi ven biển, lắm khó khăn gian khổ, ít ai ngờ rằng chỉ sau 20 năm, Bạc Liêu vươn vai trỗi dậy thành mảnh đất cung cấp năng lượng sạch cho cả nước. 

Những trụ điện gió khổng lồ miền ven biển, những dự án năng lượng sạch, cùng với cảng biển đã đưa
mảnh đất Chín Rồng tiệm cận với “thủ phủ” của năng lượng cả nước.
 
Vươn lên từ vùng đất khó
 
Cách đây 15 năm, ít ai ngờ rằng mảnh đất U Minh Hạ, cuối trời nam Tổ quốc lại bừng sáng cả một góc trời, soi sáng niềm tin khi Cụm Khí – Điện – Đạm đi vào hoạt động. Bởi, trước đó, U Minh Hạ được biết đến là mảnh đất sình lầy, nơi rừng thiêng nước độc “dưới sông sấu lội trên bờ cọp tha”. Vậy mà chính nơi đây đã làm nên dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia tỏa đi khắp đất nước.
 
Năm 2010, khi dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu chính thức khởi công tại vùng ven biển Bạc Liêu, nhiều người vẫn còn nghi ngờ cho dự án “khủng" này. Vậy mà 10 năm sau, nhà máy đã đạt đến 1 tỉ KWh hòa vào lưới điện quốc gia.
 
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu chính thức hoạt động đã đánh tan sự nghi ngại vùng đất sình lầy ven biển khó làm điện gió. Hàng loạt các tỉnh ven biển miền Tây nhanh chóng quy hoạch điện gió, điện năng lượng mặt trời.
 
Trong quy hoạch phát triển điện gió, giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt, tổng công suất tiềm năng của tỉnh Bạc Liêu là gần 3.000MW.
 
Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600MW, điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500MW, điện sinh khối như điện gỗ, điện đốt rác khoảng hơn 60MW.
 
Sóc Trăng cũng cho thấy, sẽ có 3 vùng phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900ha, công suất dự kiến 860MW. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500ha, công suất dự kiến 295MW. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940ha, công suất dự kiến 315MW. Riêng giai đoạn đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.
 
Tại Trà Vinh, quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trong đó, có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, hai nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và một nhà máy tại xã Đông Hải. Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh.
 
Theo Bộ Công Thương, khu vực Tây Nam Bộ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đề xuất tới 94 dự án, tổng công suất 25.541MW đưa vào quy hoạch phát triển điện gió.
 
Điện khí và giấc mơ trở thành tỉnh công nghiệp
 
Đầu năm 2020, Bạc Liêu đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài vào loại lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi chấp thuận đầu tư cho dự án điện khí hóa lỏng LNG. Dự án có tổng nguồn vốn lên đến 4 tỉ USD. Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu công suất 3.200MW cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte.Ltd (DOE Singapore).
 
Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích đất 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.
 
Với dự án này cùng với hàng loạt dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nhận định: “Khi dự án đồng loạt đi vào hoạt động, Bạc Liêu sẽ tự cân đối ngân sách và trở thành tỉnh công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước vươn lên tỉnh khá trong khu vực”.
 
Một tín hiệu vui cho Đồng bằng sông Cửu Long là Bộ Giao thông - Vận tải cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chính thức khởi động các bước để sớm hoàn thiện đưa cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào hoạt động. Đây là cảng biển lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng mức đầu tư trên 4,1 tỉ USD, mục tiêu khi đi vào hoạt động là đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000-100.000 DWT và trên 100.000 DWT.

Link gốc
Theo: Báo Lao động