Năm 2002, Trung Quốc đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và cũng trong năm này, Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu thực thi Dự án Phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) với hai mục tiêu: Đảm bảo phát triển bền vững và đạt được các cam kết giảm thiểu và hạn chế khí thải. Các vấn đề về khí thải, đầu tư và công nghệ là ba yêu cầu quan trọng nhất đối với dự án, được gọi là dự án CDM. Các dự án năng lượng tái tạo thường được ưu tiên khi lựa chọn các dự án CDM. Có thể nói, CDM mang lại các cơ hội công nghệ và kinh doanh mới cho các công ty năng lượng tái tạo ở Trung Quốc.
Hiện nay, trong kế hoạch 5 năm phát triển ngành Năng lượng của Trung Quốc (2006 – 2010), Trung Quốc đã quy định phải đảm bảo sản xuất 10% điện năng tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, biogas và thủy điện) vào năm 2010 và 15% vào năm 2020. Nhờ vậy, nước này đã giảm sự phụ thuộc và ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than. Theo kế hoạch này, việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nước sản xuất pin mặt trời số 1 trên thế giới. Năm 2007, nước này có 200 nhà máy sản xuất pin mặt trời với công suất 1.700 MW, chiếm gần một nửa tổng sản lượng điện từ pin mặt trời của thế giới (3.800 MW). Tổng thư ký CREIA cho biết, 99% lượng pin mặt trời của Trung Quốc đã được xuất khẩu sang nước ngoài. Thị trường nội địa tiêu thụ rất hạn chế vì giá pin mặt trời quá đắt.
Trung Quốc còn kêu gọi triển khai xây dựng nguồn năng lượng từ việc sử dụng tua bin gió tại 50 huyện thuộc các tỉnh của Trung Quốc như: Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Nội Mông để sản xuất 50% năng lượng tại gia đình từ các nguồn năng lượng tái tạo. Các tua bin gió cung cấp 20% điện năng cho các điểm thi đấu Olympic ở Trung Quốc, giúp nước này thực hiện cam kết về một “Olympic xanh”. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định vào năm 2010, sẽ tăng gấp 2 lần năng lượng gió lên 10 GW so với mục tiêu 5 GW cách đây 3 năm.
Ngoài ra, việc xây dựng các nhà máy thủy điện cũng là sự lựa chọn công nghệ sạch và rẻ nhất ở Trung Quốc. Theo các số liệu của Chính phủ, nước này được sở hữu nguồn thủy năng dồi dào, khoảng 400 triệu kW, trong đó mới chỉ khai thác 110 triệu kW. Năm 2006, các nhà máy thủy điện sản xuất 15% tổng sản lượng điện toàn quốc nhờ hoàn thành xây dựng các đập như: Đập Da Chao Shan, Gong Bo Xia và đập Tam Hiệp. Theo ông Lai Hun Suen, Giáo sư nghiên cứu về phát triển bền vững, Đại học Chongqing (Trung Quốc), trong vòng từ 30 đến 50 năm nữa nước này sẽ dựa vào nguồn thủy năng là chủ yếu.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc để phát triển ngành Năng lượng tái tạo
Chính phủ Trung Quốc đã coi phát triển ngành năng lượng tái tạo là nhân tố chủ chốt trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của mình, bao gồm việc đa dạng hoá các nguồn năng lượng bằng cách áp dụng các công nghệ sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Vì vậy, Chính phủ đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo. Đây cũng là động lực để phát triển và mở rộng ngành công nghiệp này.
Luật Năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã được thông qua năm 2005 và kế hoạch phát triển trung và dài hạn về lĩnh vực này càng tăng thêm quyết tâm của Trung Quốc nhằm xây dựng một quốc gia sạch và tăng trưởng bền vững. Theo Luật Năng lượng tái tạo, trong một số trường hợp, sẽ đưa ra các giải pháp khuyến khích về tài chính như giảm thuế cho các nhà sản xuất năng lượng tái sinh. Ngoài ra, Luật còn yêu cầu các chính quyền các tỉnh lập các kế hoạch về năng lượng tái tạo dựa trên nguồn tài nguyên và nhu cầu kinh tế của địa phương hoặc các công ty điện lực lớn phải xây dựng một số cơ sở cung cấp năng lượng tái sinh, và nếu không cung cấp đủ mức yêu cầu, sẽ bị phạt.
Nhà nước Trung Quốc cũng khuyến khích, ủng hộ phát triển và sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn. Việc quản lý năng lượng là việc làm thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cùng nhau lập kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phát huy thuận lợi về điều kiện địa phương, ứng dụng tài nguyên sinh khối chuyển biến thành năng lượng tái tạo.
Để quản lý tài nguyên năng lượng nông thôn và có kế hoạch cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược phát triển tài nguyên năng lượng tái tạo ở nông thôn (Kế hoạch 5 năm lần thứ 10); Chiến lược ứng dụng công nghệ biogas nông thôn quốc gia (năm 2006-2010); Chiến lược ứng dụng công nghệ sinh thái nông hộ, nâng cao cuộc sống nhân dân; Đề án phát triển trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn kết hợp công nghệ biogas: xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2004 – 2010; Phương pháp quản lý và xây dựng biogas nông thôn; Phương pháp quản lý các dự án từ nguồn vốn vay quốc gia về biogas nông thôn...