Tin thế giới

Nắng nóng kỷ lục có thể giúp châu Âu tự túc năng lượng tái tạo

Thứ bảy, 29/4/2023 | 17:02 GMT+7
Biến đổi khí hậu đang tạo ra một tương lai khắc nghiệt hơn với châu Âu, tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, nắng nóng mở ra những triển vọng mới cho phát triển năng lượng tái tạo cho Lục địa Già.

Người dân uống nước giải nhiệt tại một đài phun nước ở Rome, Italy ngày 6/8/2022 trong thời tiết nắng nóng. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Người châu Âu đang phải sống với số giờ nắng nhiều hơn mỗi năm và 2022 đã trở thành năm nóng kỷ lục thứ hai được ghi nhận ở Lục địa Già.

Rõ ràng biến đổi khí hậu đang tạo ra một tương lai khắc nghiệt hơn với châu Âu, bởi nắng nóng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ hạn hán, cháy rừng, thậm chí căng thẳng nhiệt đe dọa sức khỏe con người.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trong cái rủi lại có cái may, nắng nóng lại mở ra những triển vọng mới cho phát triển năng lượng tái tạo.

Phát biểu trước báo giới sau khi công bố báo cáo về Tình trạng khí hậu hàng năm của châu Âu, Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), Carlo Buontempo, chia sẻ: “Chúng ta đang thực sự tiến vào lãnh thổ chưa từng được khám phá."

Ông mô tả năm 2022 là một năm kỷ lục phá kỷ lục mới về mật độ khí nhà kính, nhiệt độ bất thường, cháy rừng và lượng mưa... tất cả đều tác động rõ rệt đến cả hệ sinh thái và cộng đồng trên khắp lục địa.

Nghiên cứu vừa được công bố trong tháng 4/2023 cho thấy bức xạ Mặt Trời trên khắp châu Âu đang ở mức cao nhất, được quan sát trong 40 năm qua. Điều này phản ánh số giờ nắng tăng đều đặn trong khi độ che phủ của mây giảm dần trong nhiều thập kỷ.

Năm ngoái, lục địa này đã ghi nhận nhiều hơn 130 giờ nắng so với mức trung bình - mức tăng chủ yếu được ghi nhận từ tháng Một đến tháng Bảy khi phần lớn châu Âu bị mắc kẹt dưới các hệ thống áp suất cao trong khí quyển liên quan đến biến đổi khí hậu.

Điều này dẫn đến thời tiết khô, nắng và hạn hán kéo dài. Những nỗ lực giảm ô nhiễm không khí cũng góp phần làm giảm độ che phủ của mây và dẫn đến nhiều ngày nắng hơn.

Một số nước ở châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Estonia và những vùng Đông Nam châu Âu, thậm chí còn có mức tăng lớn hơn, khiến những khu vực đó có thời tiết giống như thời tiết nắng thường thấy ở miền Nam Tây Ban Nha.

Ngược lại, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có lượng nắng dưới mức trung bình vào năm 2022, một phần do độ che phủ của mây lớn hơn so với Bán đảo Iberia.

Tin tốt cho ngành năng lượng Mặt Trời

Càng nhiều ánh nắng Mặt Trời cũng đồng nghĩa với việc tiềm năng phát quang điện Mặt Trời, theo tính toán của Copernicus, càng cao hơn so với mức bình thường trên hầu hết châu Âu.

Đó có thể là tin tốt cho ngành năng lượng Mặt Trời của châu Âu, vốn chiếm 7,3% tổng lượng điện của EU trong năm ngoái, tăng so với mức 6% của năm 2021.

Theo ông Buontempo, xu hướng rõ ràng nhất có thể thấy trong các quan sát là tiềm năng để châu Âu có thể trở nên tự túc về năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào công suất lắp đặt và thời gian chứ không phải là khí hậu.

Dữ liệu do Copernicus công bố chỉ báo cáo về các điều kiện khí hậu đang thay đổi và không tính đến sự tăng trưởng trong sản xuất năng lượng Mặt Trời trên khắp châu Âu.

Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 12/2022, tập đoàn công nghiệp SolarPower Europe cho biết 27 quốc gia thành viên EU đã bổ sung 41,4 gigawatt (GW) năng lượng Mặt Trời mới vào lưới điện trong năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với mức được lắp đặt chỉ 2 năm trước đó.

Người dân thư giãn cuối tuần trên đồi Primrose ở London, Anh trong một ngày trời nắng tháng 6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Giám đốc chính sách của SolarPower Europe, ông Dries Acke, cho biết: “Năm ngoái là một năm kỷ lục nữa đối với năng lượng Mặt Trời và cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là yếu tố đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực phát triển nguồn năng lượng thân thiện này."

Ông Dries Acke khẳng định: “Mặc dù vẫn có những quốc gia như Đức, Tây Ban Nha có truyền thống và thống trị năng lượng Mặt Trời, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự phát triển thực sự trên khắp châu Âu."

Thừa nhận rằng số giờ nắng tăng lên sẽ thúc đẩy ngành năng lượng Mặt Trời, nhưng ông Dries Acke cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng chủ yếu là nhờ cả những yếu tố như hiệu quả của công nghệ và giảm chi phí nói chung, cũng như nhận thức ngày càng tăng về tiềm năng của năng lượng Mặt Trời và sự quen thuộc với công nghệ này.

Bên cạnh đó, các quốc gia vốn không phải là thị trường lớn của năng lượng Mặt Trời cũng bắt đầu nhìn thấy tiềm năng, vượt qua nhận thức chung rằng năng lượng Mặt Trời chỉ có ý nghĩa ở những vùng sa mạc, nắng.

Ông chỉ ra các thị trường đang phát triển ở Đan Mạch và Thụy Điển, lần lượt bổ sung 1,5 GW và 1,1 GW vào lưới điện vào năm ngoái. Chính điều này đã làm cho hai quốc gia Bắc Âu này trở thành 10 quốc gia hàng đầu khi nói đến năng lượng Mặt Trời mới được lắp đặt ở châu Âu.

Phong trào tương tự đang diễn ra ở Anh, Ireland, Na Uy, Phần Lan.

Dự trữ, lưới điện còn thiếu

Theo ông Acke, mặc dù công suất đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng cần có nhiều hỗ trợ hơn để cập nhật và mở rộng lưới điện và lưu trữ trên khắp châu Âu.

Ông Acke nói: “Chắc chắn năng lượng Mặt Trời đang tiến triển, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần tăng tốc."

Ngoài việc sản xuất các tấm năng lượng Mặt Trời, ông cho biết hiện nhiều công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực công nghệ pin.

Để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi năng lượng, ông Acke cho rằng tất cả mọi người, kể cả những đơn vị vận hành hệ thống cần phải tự tin và cởi mở với các công nghệ mới.

Công nghệ không chỉ tạo ra năng lượng Mặt Trời mà nó còn mang lại nhiều lợi ích phụ, đặc biệt đối với nông nghiệp. Ông Acke nhấn mạnh cách các tấm pin Mặt Trời có thể được sử dụng để che bóng cho cây trồng và bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ quá cao, đồng thời giảm lượng bốc hơi từ các cánh đồng và hồ chứa.

Trong những năm gần đây, nông dân đã bắt đầu hiểu được lợi ích kinh tế của việc chuyển sang sử dụng năng lượng Mặt Trời. Theo đó, người nông dân cũng có thể bán lượng điện được sản xuất trên cánh đồng của mình. Doanh thu họ nhận được từ một mẫu đất tăng lên, cả về sản lượng nông nghiệp cả về điện năng.

Link gốc

 

Theo: TTXVN