Tài chính - Ngân hàng

Ngân hàng đồng hành cùng thủy điện

Thứ năm, 26/8/2010 | 10:10 GMT+7

Nhờ hoàn tất sớm công tác thu xếp vốn, nên tiến độ triển khai Dự án Thủy điện A Lưới luôn được đảm bảo

Hàng trăm dự án thủy điện được quy hoạch, với tổng số vốn đầu tư khá lớn sẽ là phân khúc thị trường đầy tiềm năng đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Đầu tư một dự án thủy điện đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thu xếp nguồn vốn đầu tư được xem là nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai cũng như hiệu quả của dự án sau này. Trong quá trình đó, đồng hành với chủ đầu tư các dự án thủy điện, không ai khác ngoài các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Tuy thời hạn vay vốn khá dài, nhưng nếu so với khoản doanh thu, lợi nhuận hàng năm của một dự án khi đi vào vận hành, thì tính hiệu quả tín dụng khá cao. Chính lẽ đó, tài trợ tín dụng cho các dự án thủy điện khả thi là một trong những phân khúc thị trường đầy tiềm năng mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng hướng đến. Chưa kể, để hoàn thành một dự án thủy điện, còn có sự đóng góp của nhiều ngành, nhiều nghề khác nhau, từ nhà thầu xây lắp, xây dựng hạ tầng, đến nhà thầu lắp đặt thiết bị… Những đơn vị này cũng có nhu cầu về vốn để chủ động trong công tác thi công, đảm bảo tiến độ cam kết với chủ đầu tư, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí…

Ông Trần Xê, Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) – Chi nhánh Đà Nẵng nhận định, trên bình diện chung, tất cả các dự án khả thi đều thu hút các tổ chức tín dụng. Dự án thủy điện cũng vậy. Việc giải ngân theo tiến độ thi công dự án theo hợp đồng tài trợ được xem là giải pháp an toàn tín dụng đối với đơn vị cho vay.

ABBank có cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên cũng có những thuận lợi nhất định trong công tác tài trợ cho các dự án thủy điện. Tuy nhiên, do nhu cầu về vốn của một dự án điện thường khá lớn, nên hầu như các ngân hàng, trong đó có ABBank phải liên danh để đồng tài trợ. Trên cơ sở đó, mỗi ngân hàng vừa đảm bảo quyền lợi của mình, vừa chia sẻ ngân sách cho vay sang nhiều đối tác khác, qua đó giảm thiểu rủi ro tài chính.

Đa số các dự án thủy điện tại miền Trung đều ghi danh các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ. Mới đây, Dự án Thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) do EVN làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4.150 tỷ đồng, công suất lắp máy 190 MW, điện lượng bình quân hàng năm 679,6 triệu KWh đã chính thức được liên danh 6 ngân hàng gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng An Bình đồng ý ký kết tài trợ cho dự án với tổng số tiền lên đến 1.450 tỷ đồng. Chưa kể, Dự án Thuỷ điện Sông Bung 4 công suất 156 MW cũng do EVN làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 265,9 triệu USD đã chính thức được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay 196 triệu USD, số vốn còn lại là vốn đối ứng của EVN. Chính sự thành công trong xếp nguồn vốn đầu tư đã giúp cho công tác triển khai dự án khá suôn sẻ.

Ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung cho rằng, công tác thu xếp nguồn vốn đầu tư luôn được xem là bước ngoặt của dự án. Hầu hết những dự án, mặc dù đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhưng vẫn chưa triển khai được do chưa thu xếp được nguồn tài trợ. Đầu tư thủy điện đòi hỏi chủ đầu tư phải là doanh nghiệp có tài chính vững mạnh, nhưng vốn điều lệ chỉ dừng lại ở con số dưới 50% vốn đầu tư. Chính vì lẽ đó, tổ chức tín dụng là mắt xích quan trọng đối với mỗi dự án.

“Đối với Công ty, để đầu tư Dự án A Lưới, đơn vị phải hoàn thành việc thu xếp vốn cho dự án với tổng giá trị 3.223 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của Công ty 1.200 tỷ đồng, vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thừa Thiên Huế 1.656 tỷ đồng, vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM 367 tỷ đồng. Nhờ hoàn tất công tác này sớm, nên tiến dộ triển khai Dự án luôn được đảm bảo”, ông Duy cho biết.

Vai trò của tổ chức tín dụng với dự án thủy điện khá lớn, tuy nhiên, đối với chủ đầu tư, trong giai đoạn đầu triển khai, phần lớn là không có khoản thu vào, trong khi vẫn chịu mức lãi suất thương mại hoặc ưu đãi. Đây chính là một trong những khó khăn mà nhà đầu tư phải đối mặt. Ngược lại, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các dự án ở vùng sâu, vùng hẻo lánh, bởi lẽ, các ngân hàng phải sẽ thường xuyên giám sát, thẩm định tiến độ thi công của công trình, trên cơ sở mới giải ngân theo yêu cầu phía chủ đầu tư.

Một số nhà đầu tư còn có cách nhìn riêng về phương án vay vốn cho dự án. Theo họ, thời cơ, phương án trình bày, tính khả thi của dự án sẽ quyết định sự thành công của công tác thu xếp vốn. Nếu lựa chọn được nguồn vốn tốt, mức lãi suất cũng như các định chế đáo hạn thuận lợi, thì hiểu quả triển khai dự án sẽ cao.

Trong quy hoạch chung hệ thống thủy điện tại miền Trung, với hàng trăm dự án thủy điện nằm trong quy hoạch của Chính phủ và hàng trăm dự án thủy điện nhỏ do địa phương trực tiếp quy hoạch, kêu gọi đầu tư, tổng nhu cầu về vốn để triển khai tất cả các dự án này là cực kỳ lớn. Đây sẽ là cơ hội mới cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong những năm tới.

Theo: (baodautu.vn)