Quang cảnh Hội nghị.
Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhưng 6 tháng đầu năm 2023, Ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực năng lượng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành năng lượng (trong đó có lĩnh vực điện năng) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).
Công tác phát triển điện lực đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện.
Công tác điều hành giá điện trong 6 tháng đầu năm 2023 được triển khai quyết liệt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác thị trường điện tiếp tục được đẩy mạnh, vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được nâng cao, với sự tham gia cạnh tranh của 108 nhà máy điện với tổng công suất 30.768 MW và 6 đơn vị mua điện. Việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, tăng cường tính chủ động của các nhà máy điện trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.
Tình hình cung cấp điện ổn định trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tình trạng nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thu điện sinh hoạt, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây khó khăn rất lớn đến cung ứng điện, dẫn đến phải tiết giảm điện tại một số khu vực phía Bắc. Từ ngày 23/6, nhờ nhiều giải pháp quyết liệt trong sản xuất, cung cấp điện, đặc biệt là lượng nước về các hồ thủy điện tăng hơn, tình hình cung ứng điện đã được cải thiện.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN chia sẻ, sau hơn 10 năm kể từ năm 2010 đến nay liên tục đảm bảo cung ứng điện, EVN đã gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô năm 2023. Trong tháng 6/2023, Tập đoàn đã phải thực hiện tiết giảm điện tại các tỉnh thành miền Bắc.
Trong tình hình đó, được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; được sự phối hợp của các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, EVN đã cơ bản đảm bảo cung ứng điện trở lại từ ngày 23/6/2023.
Đảm bảo điện giai đoạn 2024-2025: Vẫn nhiều khó khăn
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu.
Chia sẻ về tình hình cung ứng điện giai đoạn tới, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, qua cân đối cung cầu, EVN nhận thấy, việc cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024, 2025 ở khu vực miền Bắc.
Trước tình hình đó, EVN sẽ đề xuất các giải pháp gửi Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Về giải pháp trước mắt cho năm 2024- 2025, ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; đảm bảo độ khả dụng của tổ máy…, EVN mong rằng, trước mắt cần đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt; có cơ chế để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, nhằm đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Song song đó, có cơ chế để bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như: Điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...
Về phía EVN, tập đoàn sẽ tập trung triển khai đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc, nếu các dự án này không được cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị khác làm chủ đầu tư. EVN quyết tâm hoàn thành dự án này vào tháng 5/2025, với sự phối hợp tối đa của các bộ ngành về thủ tục đầu tư xây dựng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các địa phương đường dây đi qua. Như vậy, các tháng mùa khô năm 2025 có thể bổ sung thêm khoảng 3.000MW điện từ miền Trung, miền Nam chi viện cho miền Bắc…
Lãnh đạo EVN cũng chia sẻ về việc tập đoàn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính trong năm 2022 cũng như 6 tháng đầu năm 2023, và mong muốn lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chia sẻ, hỗ trợ để EVN sớm cân bằng tài chính, tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền); đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy; thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Song song đó, khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tích cực triển khai xây dựng luật Điện lực (sửa đổi), luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp…