Ngành Điện và mục tiêu hướng tới thị trường phát điện cạnh tranh

Thứ tư, 4/10/2006 | 00:00 GMT+7

Trong một hội thảo mới đây về “Mô hình thị trường phát điện cạnh tranh một người mua” do Cục Điều tiết Điện lực (Bộ CN) và Tư vấn Soluziona (Tây Ban Nha) phối hợp tổ chức đã đặt mục tiêu tìm ra mô hình và thể chế thích hợp với bối cảnh của Việt Nam để có thể áp dụng thành công trong quá trình cải tổ ngành điện và phát triển thị trường điện lực...

Theo lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thị trường điện lực Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: cấp độ 1 (từ năm 2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh; cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh; cấp độ 3 (từ sau năm 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Mục đích của lộ trình này là từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xoá bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện; thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành điện; tăng cường hiệu quả hoạt động SXKD của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện; đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao.

Mỗi cấp độ của thị trường điện (VietPOOL) được thực hiện theo 2 bước: thí điểm và hoàn chỉnh. Theo đó, bước 1 của cấp độ 1 sẽ được triển khai từ năm 2005 - 2008. Trong giai đoạn này sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các NM điện thuộc EVN. Các NM điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty độc lập về hạch toán kinh doanh; các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tiếp tục bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn đã được ký kết.

Khi kết thúc bước thí điểm, các NM điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện hiện đang thuộc EVN sẽ được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty nhà nước độc lập, các NM điện còn lại sẽ được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Từ năm 2009- 2014 sẽ cho phép các NM điện độc lập không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các hợp đồng và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng mua bán theo hai hình thức này của từng đơn vị do ERAV quy định.

Hướng tới 3 mục tiêu

Theo ông Hồ Anh Thái, TGĐ Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý nguồn điện: VietPOOL trong khâu phát điện nhắm tới 3 mục tiêu chính. Đầu tiên là: tạo môi trường cạnh tranh rõ ràng nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như trách nhiệm đối với chủ sở hữu của các NM điện. Qua hoạt động của VietPOOL khâu phát điện, quy luật cung cầu và cạnh tranh sẽ được thực hiện thông qua hiệu quả tài chính trong hoạt động đầu tư và vận hành NM điện.

Khi chuyển sang VietPOOL điện cạnh tranh, các NM điện sẽ phải tự cân bằng thu chi, tức là phải chịu trách nhiệm bảo quản tài sản, chi tiêu tiền vốn, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Kết quả hoạt động kinh doanh sẽ gắn liền với sự tồn tại của DN, thu nhập của các thành viên.

Trên cơ sở đó từng bước tạo môi trường hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực NM điện (với tốc độ phát triển của phụ tải ở mức từ 13 - 15%/năm) ngành điện sẽ phải đầu tư trung bình khoảng 2 tỷ USD/năm cho nguồn điện. Với các quy định công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử, nhà đầu tư có thể đánh giá được tính khả thi đối với dự án của mình, từ đó góp phần nâng cao khả năng thu hút đầu tư ngoài Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN).

Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cân bằng giữa cung và cầu theo cơ chế VietPOOL về điện năng cho nền kinh tế quốc dân: giá điện cạnh tranh sẽ là công cụ của VietPOOL để tạo ra sự cân bằng tự nhiên nhu cầu sử dụng điện, lợi nhuận của các ngành sản xuất và các đơn vị cung cấp điện (các công ty điện lực phải có trách nhiệm đến công tác tạo cân bằng cung cầu thông qua tín hiệu giá mua/bán điện của mình để phát triển khách hàng và đầu tư).

Mô hình một người mua

Theo đề xuất của ông Thái, mô hình VietPOOL giai đoạn 2006 - 2008 là mô hình một người mua: các NM bán điện cho EVN và EVN phân phối lại cho các công ty điện lực thông qua hệ thống truyền tải điện (tuy nhiên, để giảm bớt rủi ro trong vận hành như sự cố tổ máy, thiếu nước cục bộ..., các NM điện được phép trao đổi công suất và sản lượng với nhau).

Khoảng 90 - 95% nhu cầu phụ tải về sản lượng toàn hệ thống (điện) sẽ được VietPOOL cung cấp qua Hợp đồng dài hạn (> 1 năm) với các NM điện của EVN nắm 100% vốn cũng như các NM điện khác; khoảng 5 - 10% còn lại sẽ được cung cấp từ VietPOOL trên nguyên tắc cạnh tranh phát điện (sản lượng này từ năm 2006 - 2008 khoảng 3 - 5 tỷ kWh, tương đương với một NM nhiệt điện có công suất từ 600 - 800 MW) nhằm tạo ra tín hiệu giá điện của VietPOOL để hấp dẫn các nhà đầu tư (sau quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm, có thể nâng mức giao dịch lên 10 - 20% nhu cầu của hệ thống).

Các NM tham gia thị trường sẽ cạnh tranh phần công suất và điện năng ngoài phần cam kết theo hợp đồng dài hạn với EVN và phần cam kết trao đổi với các NM khác; các công ty điện lực sẽ phải mua một phần sản lượng trong giờ cao điểm theo giá thị trường để bù vào phần không được mua theo giá nội bộ và có trách nhiệm dự báo phụ tải, nếu thiếu sẽ bị mua theo giá thị trường, nếu thừa thì phải trả theo giá công suất dự phòng cộng thêm % chi phí do ERAV quy định. Trong giai đoạn này, các NM điện tham gia vào VietPOOL sẽ bao gồm những NM điện của EVN.

Thêm nguồn cung ứng

Về phía EVN, sau cuộc họp bàn về kế hoạch triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm hồi đầu tháng 9 này, ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc EVN cho biết: sau khi thử nghiệm cơ sở hạ tầng vào tháng 12/2006, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sẽ chính thức được vận hành từ vào tháng 1/2007. Đối tượng tham gia thị trường này bao gồm 9 công ty phát điện do EVN nắm giữ 100% vốn hoặc nắm giữ cổ phần chi phối.

Đối với các NM điện độc lập, Ban Thị trường điện của EVN sẽ dựa vào giá hợp đồng mua bán điện và các điều khoản đã ký trong hợp đồng để lập bản chào giá; đối với cụm các NM Phú Mỹ BOT, sẽ nghiên cứu xem xét đến các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng mua bán điện, hợp đồng BOT và hợp đồng khí. Theo đó, EVN xác định thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm là thị trường điện ngày tới, dạng toàn phần, trong đó toàn bộ sản lượng điện của các NM tham gia được giao dịch trên thị trường; và tỷ lệ sản lượng điện mua qua hợp đồng từ các NM điện tham gia thị trường bằng 95% sản lượng kế hoạch năm.

 

Theo Kinh tế & Đô thị