Ngành điện Bình Dương “đi trước một bước"

Thứ sáu, 13/3/2020 | 09:19 GMT+7
Hàng năm, ngay từ những tháng cao điểm cuối năm 2019 và bước vào mùa khô năm 2020, Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương) đã đưa vào vận hành nhiều công trình điện đáp ứng nhu cầu phụ tải, góp phần ổn định chất lượng điện sinh hoạt cho người dân và điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công trình trạm biến áp T1 Tân Hiệp đưa vào vận hành góp phần ổn định chất lượng điện phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
 
Đi trước để phát triển
 
Bước vào cao điểm mùa khô cũng là bước vào giai đoạn hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều đẩy mạnh hoạt động sản xuất kéo theo nhu cầu điện tăng cao. Mùa khô, mùa nắng nóng cũng là giai đoạn cao điểm về nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tăng cao, kéo theo nguy cơ gia tăng phụ tải, dễ xảy ra các sự cố liên quan đến điện như chất lượng hay mất điện gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của doanh nghiệp.
 
Ông Pham Thanh Lâm, Phó Giám đốc PC Bình Dương, cho biết xác định trách nhiệm về vai trò của một ngành kinh tế - kỹ thuật “Điện đi trước một bước”, thời gian qua PC Bình Dương vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, luôn đáp ứng nhu cầu điện để phục vụ phát triển công nghiệp và phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Với phương châm bảo đảm cung ứng đủ điện với chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, nâng cao công tác dịch vụ khách hàng trong thời gian tới, PC Bình Dương sẽ tập trung triển khai thực hiện việc giám sát chặt chẽ công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện, phòng ngừa giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của khách hàng, PC Bình Dương đã phối hợp cùng Tổng Công ty Điện lực Miền Nam khẩn trương khảo sát để kịp thời triển khai việc đầu tư các trạm biến áp góp phần ổn định chất lượng điện cung cấp cho các khu công nghiệp, khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh. Năm 2019 trạm biến áp (TBA) T1 Tân Hiệp tại phường Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một) đã được đưa vào vận hành góp phần giảm tải cho các trạm biến áp lân cận, bảo đảm nguồn điện chất lượng ổn định cung cấp cho doanh nghiệp và cư dân tại khu vực trung tâm thành phố mới Bình Dương. Trạm biến áp 110kV T1 và đường dây đấu nối được xây dựng tại phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một được Tổng Công ty Điện lực miền Nam đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 76,2 tỷ đồng để cung cấp điện cho các khu công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, các vùng lân cận. Trạm được xây dựng mới tuyến đường dây 110kV, 2 mạch, dài 2,86km và trạm biến áp 110kV 2 x 63MVA. Trong đó giai đoạn một lắp 1 máy biến áp 63MVA và hiện đang tiếp tục đầu tư lắp máy biến áp số 2.
 
Thời gian qua, xác định việc cung cấp điện cho Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị, khu vực trung tâm thành phố mới Bình Dương là rất quan trọng. Thế nhưng các trạm biến áp cho khu vực luôn đầy tải, không đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn bộ phụ tải trong khu vực. Trước kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam và PC Bình Dương đã kịp thời khảo sát và đầu tư rất nhiều công trình điện, trạm nguồn để đáp ứng nhu cầu. Việc đưa vào vận hành, sử dụng trạm T1 Tân Hiệp góp phần giảm tải cho các trạm xung quanh như: Khánh Vân, Trạm T4, T5, Bàu Bèo,VSIP mở rộng…
 
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như: Kim Huy, Đại Đăng và Sóng Thần 3, hiện chất lượng điện tại khu vực đã ổn định so với trước sau khi ngành điện đưa vào vận hành trạm 100kV T1, chất lượng điện phục vụ sản xuất không bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Trần Quang Vinh, Trưởng phòng Công trình Ban Quản lý KCN Đại Đăng, cho biết trước khi đưa vào vận hành trạm T1, điện tại trong KCN rất chập chờn, không ổn định. Việc trạm biến áp T1 vận hành, nguồn điện luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện của các doanh nghiệp trong KCN cũng như các khu vực dân cư lân cận.
 
Đẩy mạnh đầu tư các dự án, công trình
 
Trong điều kiện phụ tải liên tục phát triển dẫn đến lưới điện thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy tải, PC Bình Dương đã xây dựng các phương án cung cấp điện hợp lý, nhằm bảo đảm cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn với phương án tốt nhất. Nhờ vậy, góp phần giảm thiểu tối đa sự cố, duy trì nguồn điện liên tục, ổn định và chất lượng ngày càng cao. Cụ thể, PC Bình Dương luôn chủ động khai thác các mạch vòng liên kết giữa các trạm biến áp 110kV trên địa bàn để chuyển nguồn cung cấp điện qua lại ngay khi có sự cố mất điện, hạn chế thấp nhất thời gian và phạm vi mất điện; nỗ lực tối đa để duy trì nguồn điện ổn định và liên tục.
 
Để bảo đảm chất lượng điện thương phẩm cho khách hàng, ngay từ cuối năm 2019, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã giao kế hoạch sửa chữa lớn cho PC Bình Dương 52 công trình, trong đó có 15 công trình thuộc lưới điện 110kV, 31 công trình lưới điện trung hạ thế… Dự kiến chi phí để cải tạo, sửa chữa các công trình này hơn 13,4 tỷ đồng. Hiện, PC Bình Dương đang khẩn trương triển khai các kế hoạch sửa chữa được giao để góp phần ổn định chất lượng điện cung cấp cho khách hàng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, PC Bình Dương dự kiến được EVN SPC giao hơn 64,2 tỷ đồng dành cho công tác sửa chữa lớn hệ thống điện trên địa bàn. Bước vào mùa khô năm 2020, PC Bình Dương còn triển khai nhiều công trình điện có ý nghĩa khi thực hiện xóa hộ câu phụ đạt 95% khối lượng và đang chờ cắt điện để thi công phần khối lượng còn lại. Bên cạnh đó, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình trạm 22kV trạm biến áp 110kV Ascendas giai đoạn I; trạm biến áp 110kV VSIP II mở rộng 2. Đến nay, việc vận hành hệ thống SCADA tại PC Bình Dương đã góp phần tích cực trong việc cung ứng, điều tiết điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho khách hàng chất lượng, liên tục. Hiện hệ thống điều khiển xa 110kV đã kết nối 25/27 trạm vào hệ thống SCADA SPC.
 
Hiện toàn tỉnh có 9 công trình do các Ban quản lý dự án triển khai như: Công trình trạm 110kV Khánh Vân và đường dây đấu nối, với tổng mức đầu tư 101 tỷ đồng; trạm 110kV Cổng Xanh và đường dây đấu nối với tổng mức đầu tư là 187 tỷ đồng; công trình trạm 110kV Thường Tân và đường dây đấu nối với tổng mức đầu tư là 108 tỷ đồng. Công trình trạm 110 kV ASCENDAS và đường dây đấu nối được đầu tư 116 tỷ đồng. Công trình trạm 110kV T3 và đường dây đấu nối với tổng mức đầu tư 159 tỷ đồng. Công trình trạm 110kV VSIP II MR2 và đường dây đấu nối với tổng mức đầu tư là 114 tỷ đồng; công trình đường dây 110kV Phú Giáo - Trạm biến áp 220kV Uyên Hưng được đầu tư là 82 tỷ đồng. Công trình trạm 110kV Mỹ Phước 3 và đường dây đấu nối có tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng và dự án kfW3.1 với tổng mức đầu tư là 135 tỷ đồng.
 
Có thể nói, thời gian qua việc ngành điện đã quan tâm đầu tư các công trình, dự án điện cũng như công tác duy tu, sửa chữa lớn đã góp phần tích cực bảo đảm việc cung cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo PC Bình Dương, tháng 2-2020, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 989 triệu kWh; lũy kế đến tháng 2-2020 là 2,026 tỷ kWh, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm đến cấp điện áp 22kV đạt hơn 1,8 tỷ triệu kWh, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng điện cung ứng cho công nghiệp tăng 7,68% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 76,11%. Tháng 2-2020, toàn tỉnh thực hiện tiết kiệm điện được 23,1 triệu kWh, lũy kế đến tháng 2-2020 là 44,3 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,19% sản lượng điện thương phẩm.

Link gốc

Theo: Báo Bình Dương