Diễn đàn năng lượng

Ngư dân Quảng Trị ứng dụng đèn LED trong đánh bắt xa bờ có hiệu quả

Thứ tư, 7/10/2015 | 14:49 GMT+7
Để nâng cao hiệu quả của việc đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Mô hình ứng dụng đèn LED trong đánh bắt hải sản xa bờ ở tỉnh Quảng Trị đã mở ra một hướng đi mới giúp ngư dân tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.


Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Trị được trang bị ngày càng hiện đại.

Ông Trương Văn Tùng, ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị theo nghề đi biển hơn 20 năm nay. Trước đây, ông cùng các ngư dân khác thường sử dụng các loại bóng đèn cao áp để chiếu sáng dẫn dụ thủy, hải sản. Các loại bóng đèn này thường tiêu tốn nhiều năng lượng, chiếm khoảng 50% lượng nhiên liệu cho vận hành máy trong mỗi đợt ra khơi, khiến chi phí sản xuất của ông tăng lên. Gần một năm nay, khi tàu của ông được chọn thí điểm ứng dụng đèn LED phục vụ cho việc đánh bắt hải sản, do Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Quảng Trị hợp tác với Công ty Satnley Electrics của Nhật Bản triển khai, đã giúp ông tiết kiệm được chi phí rất lớn sau mỗi chuyến ra khơi.

Ông Trương Văn Tùng cho biết: "Trước đây sử dụng loại đèn cũ, tôi mất khoảng 80 lít dầu mỗi đêm, còn dùng đèn LED chỉ tốn 30 lít dầu. Như vậy, chúng tôi đã lợi được 50 lít dầu trong một đêm. Tàu của tôi thường đánh bắt dài ngày ở các vùng biển Hoàng Sa, Bạch Long Vĩ nên việc tiết kiệm nhiên liệu sẽ giúp chúng tôi có thể bám biển dài ngày hơn. Nhờ đó mà giá trị kinh tế của mỗi chuyến đi biển cao hơn so với trước đây".

Còn theo ông Hồ Văn Thu, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, việc ứng dụng đèn LED vào đánh bắt xa bờ cho hiệu suất chiếu sáng cao thu hút cá nhiều hơn, độ bền tốt và tiêu tốn điện năng ít hơn nhiều so với các loại đèn thông thường nên tiết kiệm được nhiên liệu. Với công suất lớn, ngư trường hoạt động rộng nên việc trang bị đèn LED cho tàu là một thuận lợi lớn đối với ngư dân.

Dự án thay thế đèn metal halide thông thường bằng đèn LED của Công ty Satnley Electrics dùng cho tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh Quảng Trị, được thí điểm trên tàu QT-9100TS chuyên nghề đánh mực của ông Trương Văn Tùng và tàu QT-90145TS chuyên đánh bắt cá cơm và mực của ông Hồ Văn Thu. Theo các ngư dân, sử dụng đèn LED để đánh bắt tiêu tốn điện năng nhỏ hơn tám lần so với đèn cao áp mà ngư dân đang dùng cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Độ chiếu sáng có chiều sâu dưới mực nước biển 50 mét, khả năng tập trung ánh sáng tốt, còn đèn cao áp chiếu sáng chỉ khoảng 10 đến 15 mét. Vì thế, ngư dân khi sử dụng có thể tiết kiệm đến 80% hao tốn nhiên liệu chạy máy phát điện cho hệ thống đèn, nhưng lại có khả năng dẫn dụ được đàn cá ở độ sâu gấp 4 đến 5 lần so với đèn cao áp thông thường. Ngoài ra, tuổi thọ của đèn LED cao hơn 8 đến 10 lần đèn cao áp nên giảm chi phí mua sắm đèn thay thế.

Thực tế cho thấy, dự án thay thế đèn chiếu sáng thông thường bằng đèn LED của Công ty Satnley Electrics dùng cho tàu đánh bắt xa bờ, triển khai thành công là một bước tiến mới trong công tác đối ngoại của Sở KH và CN tỉnh Quảng Trị về sự hợp tác và chuyển giao công nghệ khoa học cho ngư dân. Việc ứng dụng đèn LED vào đánh bắt thủy, hải sản xa bờ sẽ được nhân rộng ra ở các con tàu khác trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Quảng Trị Trần Ngọc Lân cho biết: "Trong thời gian tới, để giúp ngư dân vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, Sở KH và CN tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con nhân rộng mô hình sử dụng đèn LED trong đánh bắt xa bờ. Việc áp dụng các tiến bộ KH và CN vào đánh bắt thủy, hải sản xa bờ sẽ giúp ngư dân khai thác có hiệu quả tiềm năng của biển đảo quê hương...".

Hiện nay, đèn LED đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi trong đánh bắt hải sản như: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở Quảng Trị, việc ứng dụng thí điểm đèn LED vào đánh bắt hải sản mới chỉ là bước khởi đầu, song đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, do chi phí lắp ráp hệ thống đèn LED hiện nay tương đối cao nên để nhân rộng mô hình này, ngư dân cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn vay để thay thế các loại bóng đèn chiếu sáng đánh bắt thủy hải sản truyền thống.
Theo: Báo Nhân dân