Tin trong nước

Người có nhiều sáng kiến của Điện lực Quảng Trị

Thứ năm, 15/5/2008 | 16:14 GMT+7

Khuôn mặt trắng trẻo, đặc biệt là đôi mắt rất sáng luôn ánh lên sự tự tin bên trong cặp kính cận trông rất “thư sinh”, nhìn bề ngoài anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 33 của mình. Đó là anh Nguyễn Thanh Phương, hiện công tác tại phòng Kỹ thuật Điện lực Quảng Trị.

 

Anh Nguyễn Thanh Phương - người có nhiều sáng kiến của Điện lực Quảng Trị

Tốt nghiệp ngành Hệ thống điện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, năm 1999 anh về nhận công tác tại Điện lực Quảng Trị, được phân công về Phân xưởng Thí nghiệm- Cơ khí anh rất vui. Là kỹ sư trẻ, thời gian công tác chưa nhiều nhưng Phương đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng và là một gương mặt trẻ tiêu biểu của tuổi trẻ Điện lực Quảng Trị.

Trong thời gian theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh đã tham gia nhiều đề tài ngiên cứu khoa học, ở vị trí công tác mới anh đem hết khả năng của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ có hiệu quả cho sản xuất kinh doanh. Đến nay các đề tài do anh là tác giả và đồng tác giả đã lên tới hai con số. Các nghiên cứu của anh đều rất khả thi và có tính ứng dựng cao như Cải tiến bộ chuyển đổi thang dòng điện và hệ số Cosφ từ chuyển trong (đã bị hỏng) bằng chuyển ngoài, khắc phục khó khăn hiện tại để đảm bảo sản xuất; Sử dụng ắc quy a-xít chì khô thông dụng thay thế cho ắc quy trong các tủ điều khiển Recloser FXB thuộc dạng sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp nhanh chóng thay thế thiết bị khi bị hỏng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm chi phí mua ắc quy từ trên 6 triệu đồng xuống còn chưa đến 400.000đ cho một bộ ắc quy của mỗi tủ điều khiển, hiện đã được sử dụng tại Điện lực Quảng Trị, làm lợi trên 60 triệu đồng. Phương cho biết: Thời gian qua, Điện lực Quảng Trị được trang bị và lắp đặt một số Recloser của hãng Cooper- Mỹ trên lưới điện, trong đó có các tủ điều khiển loại FXB. Sau một thời gian hoạt động, ắc quy trong các tủ điều khiển trên bị hư hỏng, để thay thế ắc quy đúng chủng loại trên cần phải đặt hàng để mua từ hãng Cooper, do đó mất nhiều thời gian mà giá thành lại cao, trong khi đó loại ắc quy này lại không phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam nên nhanh hỏng, từ đó Phương rất trăn trở suy nghĩ và anh đã tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính kỹ thuật, quy trình hoạt động và chế độ làm việc của bộ nạp trong tủ điều khiển, sau đó anh đã tìm được loại ắc quy a-xít chì khô có đặc tính tương thích trên thị trường để thay thế, chỉ sau một thời gian ngắn thử nghiệm, công trình đã hoàn tất và được đưa vào ứng dụng ngay, mọi thông số kỹ thuật vẫn đảm bảo.

Công trình Tăng cường hệ thống bảo vệ chống sét tạ trạm biến áp trung gian đây lại là sáng kiến thuộc dạng hợp lý hoá sản xuất. Xuất phát từ thực tế một số trạm biến áp trung gian 35/22kV và 35/10kV trên địa bàn xảy ra tình trạng cháy thiết bị do sét đánh, đặc biệt là trạm trung gian Cùa, trong các năm 2006, 2007 cháy đến 3 lần. Là dân kỹ thuật chính hiệu, thấy vậy anh rất “điên tiết” nên lao ngay vào mày mò tìm hiểu và phát hiện ra trong quá trình đại tu, sửa chữa đã làm thay đổi kết cấu của trạm, do đó hệ thống chống sét không bảo vệ được các thiết bị trong trạm khi có sét đánh trực tiếp cũng như lan truyền, qua quá trình nghiên cứu anh đã tính toán và đề xuất lập phương án củng cố, bổ sung hệ thống chống sét tại các trạm trung gian, đảm bảo an toàn cho các thiết bị, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, giá trị làm lợi gần 100 triệu đồng… Các nghiên cứu này có giá trị lớn, sản phẩm có độ bền cao, dễ thay thế và áp dụng rộng rãi.

 

Anh Phương với tác phẩm sáng kiến "Sử dụng axít chì khô trong các tủ điều khiển Recloser FXB".

Ngoài ra, với cương vị mới là Phó phòng Kỹ thuật Điện lực Quảng Trị, phụ trách công tác quản lý vật tư thiết bị, quản lý vận hành thiết bị trên lưới điện, tham gia công tác quản lý kỹ thuật và một số công tác khác, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trực tiếp chỉ đạo các chương trình kiểm tra chuyên đề theo từng nhóm loại thiết bị theo thời điểm cụ thể trong năm để tập hợp, đánh giá, kịp thời phát hiện các tồn tại và đề xuất các biện pháp xử lý.

Mong muốn của anh là sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cao hơn nữa để ứng dụng thật nhiều vào công việc, phục vụ cho sự phát triển của ngành Điện. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết hiện đang bắt tay vào nghiên cứu một đề tài “hoành tráng” cấp Công ty, hy vọng với sự đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học của anh, chúng ta sớm được đón nhận “đứa con tinh thần” khôi ngô, bụ bẫm.

Theo PC3