Cùng đoàn Doanh nghiệp Trẻ TT- Huế chúng tôi lên công trường thuỷ điện Bình Điền, cách trung tâm Thành phố Huế về phía tây chừng 20 cây số. Anh Phạm Ngọc Thành- Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện, một chàng trai Hà Nội có mặt ở trên vùng rừng núi này từ những ngày đầu khảo sát dẫn chúng tôi đi khắp công trường. Đứng trên đập tràn, với giọng nói đầy phấn khích anh kể, năm 2004 đoàn chúng tôi từ Bắc vào chỉ với chiếc ba- lô trên vai, ngày ngày lội khắp chốn. Đêm về mệt quá nằm ngủ, vắt bò lên hút máu cả mặt cũng không biết thế mà giờ đây, sau 4 năm anh thấy đấy ¾ công việc đã hoàn thành, nguồn điện đầu tiên của thuỷ điện TT- Huế sẽ lên lưới điện Quốc gia đã không còn xa nữa…
Thuỷ điện Bình Điền TT- Huế là công trình đầu tiên về năng lượng của TT- Huế, khởi công tháng 1/2005, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Đập đầu mối có cao trình 87, gồm có 5 cửa tràn xả lũ ở mức 73, mỗi cửa rộng 10m, cao 15m, tốc độ xả lũ đạt 4.500m3/s (gấp 1,5 lần lưu lượng lũ “thế kỷ” năm 1999). Khoa tay một vòng về không gian rộng trước mặt, anh Thành cho biết diện tích mặt nước rộng 17,7 triệu km2, dung tích lòng hồ đạt 640 triệu km2. Điều quí nhất là khi công trình hoàn thành ngoài nguồn năng lượng điện, công trình này giúp giảm mức nước lũ về Huế từ 1,2 đến 1,4m. Chỉ về tuyến đường ống đang thi công phía bên dưới, anh cho biết ống có đường kính 4,5m, lượng nước chảy qua ống đạt 70- 90m3/s, phục vụ cho hai tổ máy phát điện tổng công suất 48MW. Anh cho biết thêm, phần xây dựng, cơ bản đã hoàn thành, hàng chục vạn m3 bê tông đã được đổ xuống chân công trình và chất lượng đã được “thử sức” qua mấy cơn lũ cuối năm 2007 khi lưu lượng lũ đổ về đạt mức 2.700m3/s; hàng nghìn m2 nhà xưởng đang được thi công; tháng 4/2008 này hơn 3.000tấn thiết bị sẽ được tập kết xong và lắp ráp.
Đội ngũ hơn 400 công nhân, kỹ sư, chuyên gia phấn đấu đến quí 3/2008 này sẽ cho phát điện tổ máy số 1 và quí 4/2008 tiếp tục phát điện tổ máy số 2. Anh sôi nổi nói tiếp, sau khi nguồn năng lượng quí giá ổn định, Công ty sẽ tiếp tục phát triển cả khu vực thuỷ điện thành một khu du lịch sinh thái tuyệt vời. Những ngọn đồi lúp xúp kia sau này phần lớn đều chìm dưới lòng nước rộng 5 cây số, biến thành những hòn đảo nhỏ- đảo du lịch. Các công trình rừng cây, biệt thự, thuyền du lịch lòng hồ cùng nhiều dịch vụ khác sẽ biến khu rừng núi từ lâu bị bỏ quên này thành một địa chỉ du lịch mới. Tất cả nguồn lợi đó đều bắt đầu từ… thuỷ điện.
Chung vui với người dân Cố đô trong những ngày tháng ba này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đi thăm một số công trình trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đến động viên CBCNV trên công trình hồ chứa nước- thuỷ điện Tả Trạch, khu vực thượng nguồn sông Hương TT- Huế. Đây là công trình được Chính phủ thống nhất mở rộng công năng từ nhiệm vụ tưới tiêu cho 35.000ha đât canh tác, giúp ngọt hoá sông Hương vào mùa hè sang kết hợp thuỷ điện với công suất 22MW. Nguồn vốn đầu tư được điều chỉnh từ 326 tỉ đồng lên 2.560 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, công trình thuỷ lợi- thuỷ điện này sẽ chặn dòng vào tháng 1/2011 và hoàn thành vào 30/12/2012. Bên cạnh hai công trình đang đi vào giai đoạn nước rút trên, hàng loạt công trình thuỷ điện khác đội ngũ công nhân, kỹ sư cũng đang sấp ngữa trên công trường. Công trình thủy điện Hương Điền, Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng, gồm hai tổ máy công suất 54MW, sản lượng điện trung bình 195,7 triệu Kwh/năm sản lượng xây dựng đã đạt mức 50%. Công trình thuỷ điện A Lưới, mới động thổ vào quí 4/2007, đang tiến hành san ủi, đền bù tái định cư cho người dân khu vực lòng hồ. Tuyến năng lượng đã hoàn thành, 7 mũi thi công vào đường hầm chính đang triển khai gấp rút.
Ông Nguyễn Văn Phùng- người dân tộc Tà Ôi mở một cửa hàng ăn uống nhỏ phục vụ công nhân thuỷ điện ở xã Nhâm, nơi đập tràn đang được xây dựng hồ hởi nói với chúng tôi “Gia đình tôi ở xã Hồng Thái bị ngập dưới lòng hồ gần trăm ha đất rừng, nhà cửa. Cán bộ đang kiểm kê đền bù. Dù mất hết những gia đình tôi cũng không buồn. Vì mình đã đóng góp một phần cho nguồn điện quốc gia”. Theo kế hoạch, dự án thuỷ điện A Lưới là công trình có qui mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Công suất 170MW, sản lượng điện hằng năm đạt 687 triệu Kwh, tổng vốn đầu tư khoảng 3.234tỉ đồng… Dự kiến công trình thuỷ điện này sẽ hoàn thành và hoà vào lưới điện quốc gia vào năm 2010.
Ngoài 4 công trình thuỷ điện trên đã được triển khai, TT- Huế còn 4 dự án thuỷ điện khác đã được qui hoạch và chuẩn bị những bước đầu tư ban đầu như Thuỷ điện A Roàng (A Lưới) 10MW, Hồng Hạ (Hương Trà) 3MW, Thượng Nhật (Nam Đông) 7MW, sông Bồ 7MW. Và 3 dự án thuỷ điện khác đang được tiến hành khảo sát là thuỷ điện A Lin (ALưới) 28MW, Hồng Thuỷ (A Lưới) 8MW và Thượng Lộ (Nam Đông) 7MW.
Với 11 dự án thuỷ điện có tổng công suất trên 360MW trên, dự kiến mỗi năm đóng góp vào lưới điện quốc gia nhiều tỉ Kwh điện TT- Huế đã đưa mình vào hàng ngũ những địa phương có nguồn năng lượng lớn. Nhưng như một vị lãnh đạo Tỉnh tâm sự: Lưới điện như mạch máu để nuôi dưỡng lòng tin của người dân với cách mạng. Điện để phát triển kinh tế. TT- Huế phát triển nguồn điện trước hết là vì chính mình, vì sự nghiệp công nghiệp hoá của địa phương và sau nữa là trách nhiệm đối với đất nước! Không chỉ ý kiến đó, tôi có cảm giác hình như ý thức “công nghiệp hoá” đã thấm vào máu của tất cả các vị lãnh đạo đảng, chính quyền của TT- Huế. Bất cứ cuộc họp, hội nghị nào các công trình thuỷ điện cũng được đặt lên bàn nghị sự với đề mục ưu tiên.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thiện Chủ tịch UBND tỉnh cũng từng “khoe”, năm 2008 tỉnh xây dựng chương trình là “Năm Doanh nghiệp”. Chấn chỉnh mọi thứ theo hướng tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả nhất. Nhiều tín hiệu đầu năm đã thể hiện năm 2008 này, TT- Huế sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và ngoài nước mạnh khả năng trên 1tỉ USD. Trong đó, các công trình thuỷ điện cũng đang tăng tốc!