Những năm trước, nếu đi Mù Căng Chải ai cũng ngại, bởi con đường từ Tp.Yên Bái đi vùng cao xa nhất này chỉ với 200 km nhưng phải đi mất trọn ngày. Người ta ví Mù Căng Chải như đảo Trường Sa của Yên Bái
Nhưng bây giờ thì khác rồi, đường đã được nâng cấp trải thảm nhựa phẳng lỳ, xe vượt cổng trời lẫn trong những đám mây bồng bềnh như trôi trên sóng nước, chỉ cần nửa ngày đã đến được trung tâm huyện. Qua cửa kính xe đã nhìn thấy tuyến đường dây tải điện 35 kV ẩn hiện như sợi chỉ mỏng mảnh vắt mình vượt qua những dãy núi mờ sương cạnh đó là những cánh rừng thông, sa mu đang khép tán.
Chi nhánh điện Mù Căng Chải nằm ngay đầu thị trấn, ngôi nhà xây 2 tầng khép mình bên gốc sa mu già cổ thụ, dưới gốc mấy chú ngựa của đồng bào Mông đi chợ huyện về nghỉ đang nhai cỏ. Mù Căng Chải là huyện vùng 3 đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái và là một trong 61 huyện khó khăn của cả nước, huyện có 13 xã với 98% dân tộc Mông sống quần tụ trên các triền núi cao, nơi đầu nguồn sông Đà, xã xa nhất cách trung tâm huyện 60 km, phải đi gần một ngày mới đến nơi. Chi nhánh được thành lập cuối năm 2000 tách ra từ Chi nhánh Nghĩa Lộ, đơn vị trẻ nhất trong Điện lực Yên Bái.
Chi nhánh có 8 cán bộ, công nhân, đều người thuộc thế hệ 7X và 8X quê ở các vùng miền khác nhau. Chỉ với 8 con người nhưng quản lý 54 km đường dây 35 kV, 14 km đường dây hạ áp với 22 TBA 35/0,4 kV, tổng công suất 2.590 KVA, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Cùng anh Nguyễn Xuân Nam - Trưởng Chi nhánh đi kiểm tra sử dụng điện ở bản Xéo Sìn Hồ của xã Lao Chải nơi bà con người Mông vừa mới được dùng điện tôi mới cảm nhận, chia sẻ nỗi vất vả khó khăn của những người thợ điện vùng cao này. Gửi lại xe máy dưới đường 32C đi bộ, đường ngược dốc đứng, chênh vênh, bám theo đường dây 35kV mà đi, chỉ có 5 km đường bộ nhưng phải đi mất hơn 2 giờ. Cả bản chỉ có non trăm nóc nhà nhưng được Nhà nước đầu tư một trạm 35/0,4 kV công suất 50 KVA bằng nguồn vốn 135 của Chính phủ, đời sống bà con người Mông còn nghèo nên công suất sử dụng điện còn rất khiêm tốn, nhưng nhờ có điện mà nhiều hộ đã mua được ti vi, máy xay xát... ánh sáng văn minh đã vươn tới những nơi xa xôi. Nhà Trưởng bản Giàng A Tông có chiếc điện thoại cố định không dây EVN Telecom và bóng đèn compact: “Nghe theo tuyên truyền vận động của cán bộ Chi nhánh điện, người Mông bản Xéo Sìn Hồ cũng biết tiết kiệm điện rồi đấy, lại có cái điện thoại không dây này, thấy tiện lắm, đời sống bà con bắt đầu đổi mới rồi”, Trưởng bản Giàng A Tông vui vẻ khoe với chúng tôi như thế.
Hoạt động điện lực ở các chi nhánh điện miền núi vất vả, việc hoàn thành một chu kỳ từ khâu ghi chỉ số công tơ, vào thẻ sản lượng, phát hoá đơn đến thu tiền xong quả là một công đoạn gian nan. Có nơi một hoá đơn tiền điện một TBA tháng chỉ vài trăm nghìn đồng chỉ bằng một hộ sử dụng điện ở thành phố, nhưng chỉ phí thì gấp mấy lần. Giọng trầm ngâm anh Nguyễn Xuân Nam nói: “Kinh doanh điện năng ở những Chi nhánh điện vùng cao thì không thể tính đến lợi nhuận được mà chủ yếu là phục vụ chính trị, nhờ có điện mà công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con người dân tộc nhanh hơn”.
Năm 2008, vượt qua mọi khó khăn, thách thức Chi nhánh đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hầu hết các chỉ tiêu chính như: Tổn thất giảm xuống còn – 2,24 %, giá bán bình quân đạt 714 đ/kWh, sản lượng điện thương phẩm đạt 1.040.000 kWh. Nỗi vất vả của những người thợ điện nơi đây là nỗi vất vả vì thời tiết khắc nghiệt, hàng ngày thực phẩm đều chở từ TP. Yên Bái lên, mọi thứ đắt đỏ. Nhưng nỗi vất vả lớn hơn là công tác tuyên truyền vận động bà con người Mông cùng bảo vệ đường dây tải điện, phần lớn tuyến đường đường dây 35kV đi trên những cánh rừng thông, sa mu đã được giao khoán nên việc phát chặt hành lang rất khó, bà con không biết tiếng phổ thông, anh em đành phải học tiếng Mông để giải thích vận động. Kết quả thật bất ngờ, chính những người dân lại vui vẻ cho phát chặt bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp và họ cũng là người bảo vệ, phát hiện giúp chi nhánh những trường hợp phá hoại, sự cố lưới điện. Bỗng tôi nghe như từ một đỉnh núi nào đó, gió núi đang ngân nga khúc hát sâu lắng, da diết: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?... Và em như cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già nua...”. Bỗng dưng lại thấy bừng bừng trong trái tim mình bao nhiêu dự định, bao nhiêu khát vọng được cống hiến, được dâng tặng cho đời vô tư trong sáng...
Tết ở Mù Căng Chải đến sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng vì người Mông ăn Tết trùng với ngày đầu năm dương lịch, công việc của những người thợ điện Chi nhánh Mù Căng Chải lại bận hơn, phải lo giữ điện ổn định an toàn cho bà con đón Tết.