Bà Vân luôn rút các thiết bị điện khi không sử dụng.
Gia đình chị Phạm Thị Quỳnh ở thôn Đông Lam, xã Phú Lộc (Can Lộc) có 3 thế hệ với 6 thành viên cùng chung sống. Nhà đông người nên sản lượng tiêu thụ điện khá lớn, nhất là vào những tháng mùa hè.
Chị Quỳnh cho biết: “Vào những ngày nắng nóng, đặc biệt là trong thời gian các cháu nghỉ hè, nhu cầu sử dụng các thiết bị như: ti vi, tủ lạnh, quạt… thường xuyên hơn. Nếu như các tháng trước, gia đình chỉ phải đóng khoảng 300.000 đồng tiền điện thì tháng này, số tiền đã tăng hơn gấp đôi”.
Chính vì thế, gia đình chị Quỳnh đang dần điều chỉnh lại thói quen của các thành viên, hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị điện. Theo đó, các con chỉ được xem ti vi trong một khoảng thời gian nhất định. Khi thời tiết không quá nắng nóng, các cháu được ông bà cho đi chơi, khám phá thiên nhiên. Bên cạnh đó, chị Quỳnh đã thay thế các bóng đèn trong nhà bằng đèn led hay đèn compact, mua đồ điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Những thói quen tiết kiệm đó được gia đình chị Quỳnh áp dụng nghiêm ngặt và mang lại hiệu quả tích cực.
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Vân ở thôn Sông Con, xã Quang Diệm (Hương Sơn) cũng đề ra nhiều cách để tiết kiệm điện.
Theo đó, gia đình ưu tiên việc sử dụng điện theo phương châm “ra tắt, vào mở”, rút các thiết bị điện khi không sử dụng, hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng cùng lúc các thiết bị điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó, chi phí tiền điện của gia đình bà luôn được kiểm soát ở mức vừa phải và ổn định, kể cả trong những tháng mùa hè nắng nóng.
Bà Vân cũng như những người dân trong thôn còn thường xuyên duy trì thói quen sau khi cơm tối thì gọi nhau đi hóng mát, vừa để hàn huyên, vừa hạn chế thời gian dùng các thiết bị điện trong gia đình. Bà Vân cho biết: “Thời gian buổi tối, khi chúng tôi ra khỏi nhà thì cũng là lúc bóng đèn điện, quạt, tivi, điều hòa… được “nghỉ ngơi”.
Cũng theo bà Vân, ngoài việc tắt các thiết bị điện không cần thiết, gia đình còn tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên... để tiết kiệm điện.
Thời tiết nắng nóng, việc tiêu thụ điện tại các khu vực đô thị TP Hà Tĩnh tăng cao gấp nhiều lần. Chi phí tiền điện của nhiều gia đình cũng vì thế mà “leo thang”. Đây là áp lực không nhỏ trong việc cân đối chi tiêu của nhiều hộ gia đình.
Với gia đình chị Lương Cẩm Trang (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng vọt buộc chị phải tìm cách xoay xở để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện, kiểm soát chi tiêu. Theo đó, để giảm bớt số lượng điện tiêu thụ, mỗi khi ra khỏi phòng, gia đình đều tắt đèn, quạt và các thiết bị điện. Tập trung quần áo cả gia đình giặt 1 lần theo đúng khối lượng của máy. Khi nào gần tới bữa ăn mới nấu cơm. Cơm chín thì rút phích cắm, không để chế độ hâm nóng quá lâu…
Gia đình chị Trang thường tập trung quần áo cả gia đình giặt 1 lần theo đúng khối lượng của máy để tiết kiệm điện, nước.
Chị Trang chia sẻ: “Ngoài việc sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện thì khi mua sắm các đồ điện tử, điện lạnh, tôi ưu tiên lựa chọn những sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Với các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn như: điều hòa và tủ lạnh, cũng cần thay đổi thói quen để tiết kiệm điện. Ví dụ như điều hòa, gia đình tôi chỉ mở khi thời tiết quá nắng nóng và mở ở nhiệt độ khoảng 26 - 28 độ C….”.
Sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ phù hợp là cách nhiều hộ gia đình thực hiện để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo làm mát.
Theo dự báo, mùa hè năm nay tại Hà Tĩnh sẽ có nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao đột biến. Vì thế, việc tìm nhiều cách để tiết kiệm điện như bà Vân hay chị Quỳnh, chị Trang là điều cần thiết, vừa để giảm chi phí tiền điện, vừa góp phần giảm tình trạng thiếu hụt điện năng đang xảy ra trên phạm vi cả nước.
Link gốc