Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn còn hoài nghi khi sử dụng nguồn năng lượng này.
Lắp đặt điện năng lượng mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện cho người dân mà còn giúp giảm áp lực cho ngành điện
Tiện lợi
Cuối năm 2018, gia đình ông Trần Đình Nguyễn, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ đầu tư hơn 400 triệu đồng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Qua gần một năm sử dụng, kết quả mang lại cho gia đình khá mỹ mãn.
Trước đây, khi chưa lắp đặt điện mặt trời, bình quân mỗi tháng mùa nắng, gia đình ông Nguyễn phải trả tiền điện khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, nguồn điện thu nạp không chỉ cung cấp đủ cho gia đình ông sử dụng mà còn bán ngược lại cho Công ty Điện lực Quảng Nam với số tiền thu lại từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng.
Với kết quả này, dự kiến trong vòng 5 năm tới, gia đình ông Nguyễn sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu. Từ những thuận lợi trên, ông Nguyễn đang tính toán mở rộng quy mô đầu tư khai thác nguồn điện mặt trời nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, nhất là khi ngành điện lực Quảng Nam đang có nhiều ưu đãi trong việc lắp đặt cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng có như cầu khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này.
“Tiện lợi của việc lắp đặt pin mặt trời là sẽ được cán bộ kỹ thuật của ngành điện tư vấn kỹ thuật, từ cắm pin năng lượng đến các loại inverter… Đặc biệt, hàng tháng, tầm ngày 13- 14, điện lực chốt số điện dư ra và đến tầm ngày 17 – 21, điện lực sẽ chuyển tiền dư của tôi vô tài khoản”, ông Nguyễn cho biết.
Với quy trình hoạt động là ánh sáng mặt trời chiếu vào pin mặt trời, biến đổi thành dòng điện một chiều theo hiệu ứng quang điện, dòng điện một chiều sẽ tiếp tục được thiết bị inverter chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều với điện áp và tần số đúng chuẩn để hòa lưới điện quốc gia.
Thông thường, để được công suất 1 kWp, khách hàng phải lắp đặt 3 tấm pin mặt trời với tổng diện tích 6m2 và chi phí khoảng từ 20 - 22 triệu đồng, nếu đầu tư công suất càng lớn thì chi phí càng giảm. Với tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời từ 25 - 30 năm, thiết bị kèm theo inverter từ 10 - 20 năm cùng giá bán điện lại cho ngành điện là 9,35 cent/kWh, tương đương hơn 2.100 đồng/kWh giúp khả năng thu hồi vốn của khách hàng khá cao, trung bình khoảng 6 năm sẽ hoàn vốn.
Nỗi lo về môi trường
Theo tính toán của ngành điện lực Quảng Nam, tỉnh này có thể khai thác nguồn điện mặt trời lên tới 1.600kW/giờ/m2/năm. Các nghiên cứu cho thấy, cứ 1 kW giờ điện mặt trời sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612 kg CO2.
Chính vì vậy, phát triển điện mặt trời mái nhà được đánh giá đem lại lợi ích cho nhà nước và người sử dụng điện. Thể hiện rõ nhất chính là bổ sung thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao, giảm tối đa vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.
Vì vậy, số hộ dân đăng ký lắp đặt điện mặt trời không ngừng tăng cao. Nếu như cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 10 khách hàng lắp đặt điện mặt trời với công suất 51 kWp thì đến nay đã có hơn 250 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là gần 2.000 kW.
Con số này còn hứa hẹn tăng cao hơn khi các thiết bị lắp đặt điện mặt trời trên thị trường hiện khá phong phú, nhất là Thông tư 05 của Bộ Công thương ban hành về cơ chế thanh toán cũng rõ ràng hơn, qua đó giúp mang đến nhiều niềm tin và sự quan tâm của khách hàng đối với hệ thống điện mặt trời.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, theo quy định chung của ngành, Công ty Điện lực Quảng Nam sẵn sàng ký kết hợp đồng, lắp đặt công tơ hai chiều miễn phí và thanh toán tiền mua điện từ các dự án điện mặt trời đối với các khách hàng.
“Hiện tại, tiềm năng về điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất lớn. Tuy nhiên, do loại năng lượng này còn mới mẻ, giá thành đầu tư ban đầu tương đối lớn nên một số khách hàng sử dụng điện còn cân nhắc trong việc bỏ vốn đầu tư cũng như khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời…”, ông Tuấn thừa nhận.
Dù đánh giá cao hiệu quả của điện mặt trời, tuy nhiên một số chuyên gia nhận định, việc ồ ạt đầu tư dự án điện mặt trời cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy, chủ yếu do chất thải từ việc sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường.
Đặc biệt, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng do các tấm năng lượng mặt trời sử dụng kim loại nặng, bao gồm chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ có thể gây hại tới môi trường, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Có lẽ vì vậy, mà nhiều người vẫn khá dè dặt khi sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Phương, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành chia sẻ, ông cũng muốn lắp đặt pin năng lượng mặt trời nhưng với những cảnh báo về sự độc hại nên cũng đang phân vân.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như axít sunphua và khí phosphine độc hại. Để tái sử dụng được các chất liệu này cũng cực kỳ khó khăn, nên dù pin mặt trời mang danh nghĩa đem lại nguồn năng lượng sạch nhưng thực tế thải ra môi trường quá nhiều chất độc hại nên cũng rất lo lắng, nhất là sợ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe cho gia đình và cộng đồng”, ông Phương tâm sự.