Phân xưởng Sửa chữa xây lắp điện được trang bị 2 máy đột dập từ những năm 1980, quá trình vận hành máy đã quá cũ, nhiều chi tiết quan trọng yêu cầu phải sản xuất gấp. Đại tu 2 máy đột dập này chi phí hơn 30 triệu đồng, phải gửi đi cơ sở ở Hà Nội, thời gian chờ đợi khá lâu. Trước yêu cầu của sản xuất, anh đề xuất với lãnh đạo xin được phục hồi, cải tiến 2 máy công cụ này. Được cấp trên đồng ý, khích lệ, anh lao vào tìm tài liệu liên quan đến loại máy này. Do máy ra đời lâu nên tất cả các lý lịch máy, hồ sơ liên quan đều không còn, không nơi nào sản xuất nữa nên không có tài liệu để tham khảo. Khó khăn lại đến, anh tìm đọc trong sách đã học kiến thức về loại máy công cụ – máy có tính năng tương tự để tìm cách đại tu, sửa chữa hợp lý.
Để có thực tế đại tu, cải tạo anh cho tháo rời các chi tiết của máy ra. Chi tiết nào khắc phục được thì làm ngay, nếu không được đem đặt hàng gia công ở các cơ sở có uy tín. Hàng tháng trời lăn lộn cùng 2 cỗ máy, vẽ lại hàng chục bản vẽ các chi tiết của từng bộ phận trong máy để gia công lại. Công trình đại tu, cải tiến sửa chữa 2 máy đột dập hoàn thành và vận hành sớm hơn thời gian dự kiến. Đặc biệt, anh đã cải tạo lại lưỡi cắt của máy sao cho phù hợp với thực tế, ưu điểm vượt trội so với cũ. Anh dùng lưỡi cũ cải tiến bằng việc chia lưỡi cắt ra thành các phần nhỏ ghép lại với nhau nên không xảy ra tình trạng mẻ lưỡi và cũng dễ dàng khi phải tháo lưỡi ra để mài lại. Hiệu quả lớn nhất là năng suất cắt và đột lỗ của máy sau khi đại tu, cải tiến nâng lên nhiều, máy vận hành trơn trượt, gần đạt được công suất ban đầu. Việc đại tu, cải tiến làm khôi phục lại 2 máy đột dập đã tiết kiệm chi phí gần 20 triệu đồng. Đề tài đại tu, cải tiến thành công của anh đã được lãnh đạo Điện lực Yên Bái đánh giá cao trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2005.
Tháng 6 năm 2006, Điện lực Yên Bái triển khai mạng viễn thông Điện lực trên địa bàn tỉnh, quá trình triển khai mạng viễn thông phải chế tạo các cột ăng ten phát sóng BTS. Kết cấu của cột BTS bao gồm nhiều đoạn nối với nhau, mỗi đoạn dài 3 – 4,5m. Việc gia công chế tạo các đoạn này gặp nhiều khó khăn, làm cách nào khi gia công từng đoạn xong mà có thể lắp lẫn các đoạn với nhau mà không bị lệch tâm, nghiêng cột. Có nhiều phương án gia công, chế tạo song chưa có phương án nào khả thi, thuyết phục. Các đề xuất đều mâu thuẫn nhau và rất khó thực hiện. Thời gian triển khai dự án mạng viễn thông gấp. Anh Cường đo đạc tính toán từng chi tiết, tham khảo ý kiến cấp trên, đồng nghiệp và các thợ cơ khí có kinh nghiệm. Sau nhiều ngày thử nghiệm, sáng kiến gia công bộ đồ gá để chế tạo cột ăng ten đã ra đời. Chỉ với 1 thanh thép chữ U, tiết diện 176 x 100 x 100mm, dài 6m và 2 tấm tôn thép tậm dụng dày 10mm, hình tam giác đều. 2 tấm tôn thép này được hàn chặt với thanh thép U ở khẩu độ theo thiết kế của đoạn cột (3 – 4,5m). Trên 2 tấm tôn thép, khoan các lỗ đường kính 22mm để bắt các mặt bích tạo ra hình tam giác đều. Bộ gá đã hình thành, gắn chặt các mặt bích bằng tôn thép đã khoan lỗ vào 2 tấm tôn hình tam giác bằng bu lông, đặt từng thanh thép tròn ỉ 76mm, dài 3 – 4,5m vào giá đỡ rồi hàn các đầu ống với từng mặt bích. Dùng dây dọi xác định tâm cho các ống thép, cuối cùng chỉ cần tháo các bu lông mặt bích ra. Việc gia công chế tạo 1 đoạn cột đã hoàn tất với độ chuẩn xác rất cao. Nhờ có bộ gá mà việc chế tạo cột ăng ten rất thuận lợi, năng suất tăng 300%, thời gian chế tạo 1 cột rút ngắn chỉ còn 5 ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đề tài gia công bộ đồ gá để chế tạo cột ăng ten của kỹ sư Đỗ Ngọc Cường được Hội đồng sáng kiến của Điện lực Yên Bái đánh giá cao và được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. 27 tuổi đời, gần 3 năm trong ngành điện với 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chàng kỹ sư tuổi Canh Thân – thế hệ 8X này còn ấp ủ nhiều dự định cho những sáng kiến sắp tới. Hy vọng những dự định của anh sớm trở thành hiện thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển Điện lực ở 1 tỉnh miền núi Yên Bái. Anh em trong phân xưởng Sửa chữa xây lắp điện âu yếm gọi anh là “người kỹ sư mặc áo thợ”.