Tin trong nước

Người lính ngày ấy......Người kỹ sư hôm nay!

Thứ sáu, 14/5/2010 | 14:54 GMT+7

...Công trình thuỷ điện Hoà Bình là một công trình đa chức năng vào bậc nhất thế giới, là công trình trọng điểm kinh tế Quốc gia. Nơi thể hiện sức mạnh về ý trí, tình đoàn kết, độc lập tự chủ của dân tộc vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật. Để quản lý, vận hành công trình có hiệu quả cần phải có đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề. Bài viết dưới đây nói về một trong hàng trăm kỹ sư, công nhân lành nghề đang ngày đêm bám máy đưa dòng điện toả sáng muôn nơi...

Người đó, anh Nguyễn Ngọc Long, một chàng trai đất Tổ Vua Hùng thuộc lớp người “... Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” bồi hồi nhớ lại ngày ấy, bước vào tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972 đang học lớp 10, anh đã gác lại nghiên bút tình nguyện lên đường nhập ngũ. Anh được bổ sung vào đơn vị C11-D2-E97-F351 Bộ tư lệnh Pháo binh, tham gia các mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,... và năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đất nước được hoàn toàn giải phóng, trong suy nghĩ của anh, thấy mình được may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay, vậy mình phải làm gì để không phụ lòng những người đã ngã xuống, để bảo vệ thành quả mà cả dân tộc tốn bao xương máu mới giành được. Năm 1977, anh được xuất ngũ, tiếp tục ôn lại kiến thức và thi đỗ vào trường đại học Bách khoa Hà Nội- Khoa Điện tử. Năm 1983 tốt nghiệp anh được phân công công tác tại nhà máy nhiện điện Việt Trì. Năm 1986, anh được điều động về Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (nay là Công ty thuỷ điện Hoà Bình), được phân công phụ trách công đoạn sửa chữa Máy phát điện, một trong những thiết bị chính của tổ máy. Với bản lĩnh của người lính, với vốn kiến thức tiếng Nga học  được trong trường đại học, anh đã nghiên cứu tài liệu, học hỏi, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia Liên Xô (cũ) nắm bắt được công nghệ chế tạo, lắp đặt, sửa chữa thanh dẫn stato, các cực từ, và các chi tiết khác của máy phát điện. Năm 1987 anh được cử sang Liên Xô thực tập về công nghệ sửa chữa máy phát, về nước anh bắt tay vào công việc.  Anh nghĩ, để áp dụng các công nghệ tiên tiến mà mình đã được học tại nước bạn cần phải truyền thụ cho các kỹ sư và công nhân trong công đoạn mình quản lý. Anh đã phối hợp với bộ phận đào tạo của Cty và lãnh đạo phân xưởng Điện mở những lớp bồi huấn chuyên môn cho anh em công nhân lành nghề đơn vị mình quản lý.

Anh đã có những sáng kiến cải tiến hợp lý hoá trong sản xuất và chỉ đạo khắc phục những sự cố khách quan lớn đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ như: Chế tạo gioăng cao su nạp khí máy cắt không khí đầu cự, gia công chế tạo thanh nối mềm thanh dẫn đầu cực máy cắt, sử dụng hoá chất trong nước khi sửa chữa thanh dẫn stato thay thế hoá chất nhập ngoại..., sửa chữa thanh dẫn stato máy phát điện số 3, 5, 7, 8 bị phóng điện do  khuyết tật của lắp đặt để lại sau 20 năm vận hành đã bộc lộ mà không cần phải thuê chuyên gia nước ngoài đã tiết kiệm ngoại tệ cho Cty và Tập đoàn. Cực từ bị phóng điện do chất cách điện bị già cỗi, bục bộ làm mát thanh dẫn stato, vành góp roto bị phóng điện rỗ bề mặt... Nhanh chóng đưa tổ máy vào làm việc, đảm bảo phương thức vận hành. Sau 20 năm lao động miệt mài và sáng tạo, không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm, với anh nói riêng và công đoạn do anh phụ trách nói chung đã trưởng thành và khẳng định được vai trò một đơn vị chủ chốt của Cty, đảm nhận được những công việc sửa chữa máy phát điện có công nghệ tiên tiến, đáp ứng được sự phát triển công nhiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo: Bản tin CĐ T5/2010