Tại Hội thảo Phương pháp luận xây dựng kế hoạch thực hiện “Đóng góp quốc gia tự xác định” lĩnh vực năng lượng (NDC) được tổ chức ngày 15/05/2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết, thực hiện chính sách năng lượng xanh của Việt Nam cũng như thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhất là kể từ khi Việt Nam đệ trình NDC1 (vào tháng 9/2015), một số chính sách liên quan đến phía cung năng lượng đã được điều chỉnh và ban hành.
Theo đó, nhu cầu sản xuất điện đã được điều chỉnh giảm xuống 21% vào năm 2030 (từ 695 tỷ kWh xuống 572 tỷ kWh. Nhu cầu than nói chung đến năm 2030 giảm 40% (từ 220,3 triệu tấn xuống còn 156.6 triệu tấn); than cho sản xuất điện cũng giảm khoảng 38% (giảm từ 181,3 triệu tấn xuống còn 131,1 triệu tấn. Cùng với đó, điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) được tăng lên khá cao, tăng từ 41 tỷ kWh lên 61 tỷ kWh, tương ứng tăng khoảng 33% vào năm 2030.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, tính đến hết năm 2017 Việt Nam đã có 7,6% điện tái tạo, chủ yếu tập trung vào thủy điện nhỏ (không tính TĐ lớn).
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, đối với một số sơ chế chưa hấp dẫn nhà đầu tư ví dụ như điện gió thì hiện nay Bộ Công Thương cũng đã đệ trình hiệu chỉnh biểu giá điện gió. Hiện nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt trên 70 dự án ĐMT có quy mô công suất đến 50MW (tổng công suất đặt trên 3.000MW) chưa kể các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các dự án điện mặt trời có quy mô sông suất trên 50MW. Theo dự kiến, khoảng 4000MW sẽ được đưa vào vận hành trước tháng 6/2019, tức là vượt hơn rất nhiều so với kế hoạch 850MW đặ ra vào năm 2020 (theo Quy hoạch điện VII). Điều đó cho thấy rõ ràng những nỗ lực về mặt chính sách đã thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch, và gắn với nó là giảm phát thải khí nhà kính.
Nguyên Long/Icon.com.vn