Sự kiện

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: 40 năm phục hồi và phát triển

Thứ bảy, 25/4/2015 | 10:04 GMT+7
Trong chuyến công tác thu thập tư liệu chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, chúng tôi được gặp một số vị cán bộ đã từng tham gia tiếp quản và khôi phục nhà máy sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/2015. Câu chuyện của các cán bộ lão thành như một cuốn phim quay chậm về nhà máy những ngày đầu sau chiến tranh.

Sửa chữa đường ống  thủy áp năm 1975. Ảnh tư liệu.
 
Gian nan phục hồi nhà máy
 
Ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - một trong những người đầu tiên  tiếp quản nhà máy cho biết:  Đa Nhim là một trong hai công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, gồm 4 tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 160 MW, sản lượng điện theo thiết kế là 980 triệu kWh/năm. Đây là nguồn cung cấp điện chủ yếu cho Sài Gòn, Gia Định trước ngày giải phóng miền Nam.
 
Để cắt nguồn điện phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, du kích ta đã phá hỏng hệ thống thủy áp của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim  và các đường dây cao thế 230 kV từ Đa Nhim về Biên Hòa, Gia Định. Sau khi đất nước giải phóng, nhu cầu điện cho miền Nam lên tới 1,2 tỷ kWh/năm, trong khi nguồn điện này chủ yếu sản xuất từ nguồn dầu giá cao và khan hiếm.  Vì vậy, Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng phục hồi Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, sửa chữa đường dây tải điện phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Ngay lập tức, Bộ Điện và Than cử cán bộ vào thành lập Ban quân quản nhà máy với nhiệm vụ tập hợp lực lượng kỹ sư, công nhân khẩn trương sửa chữa, phục hồi toàn bộ nhà máy, đồng thời sửa chữa đường dây điện cao thế 66 kV Đa Nhim - Nha Trang và đường dây điện cao thế  230 kV Đa Nhim-Thủ Đức nhằm cung cấp điện cho Nha Trang và Sài Gòn. Tại  Công ty Điện lực 2, đội sửa chữa đường dây 230 kV được thành lập với nhiều cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm từ miền Bắc vào chi viện, sửa chữa, phục hồi thiết bị.
 
Khó khăn nhất là nhà máy nằm ở chân đèo Ngoạn Mục, nơi rừng núi hiểm trở, thỉnh thoảng, bọn Fulro vẫn bắn đạn khói, đạn cay vào nơi ở của công nhân. Đặc biệt là đường ống thủy áp dài hơn 2 km, vốn đã bị du lích ta phá hỏng từ trước chiến tranh, việc phục hồi không dễ dàng gì, nhất là đường ống số 2 nằm ở gần đỉnh núi, đoạn ống hỏng dài tới 112 m. Để phục hồi, những người thợ phải thay thế 22 đoạn ống hỏng thép dầy 10 ly, đường kính 2 m, mỗi đoạn trung bình nặng trên 3 tấn. Trước đó, chính quyền cũ đã từng thuê một công ty Nhật Bản đến khảo sát và sửa chữa nhưng họ tuyên  bố phải mất 13 tháng và chi phí 2,1 triệu USD. Gian nan nhất là làm thế nào để đưa các ống thép khổng lồ từ dưới đất lên cao hàng trăm mét đến chỗ hỏng để thay thế trong điều kiện các phương tiện kỹ thuật gần như không có gì, lại phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất, các thế lực thù địch ngầm luôn tìm cách phá hoại, ngăn cản việc phục hồi nhà máy. 
 
Thế nhưng, các kỹ sư của ta sau khi nghiên cứu hiện trường đã nghĩ ra cách dùng ôtô chở các đoạn ống lên trên đỉnh núi, rồi từ đỉnh núi dùng tời, xích, palăng thả từng đoạn ống xuống chỗ phải thay thế sửa chữa (cách đỉnh núi 100 m). Theo phương án này chỉ  mất khoảng 6 tháng với chi phí dự tính 100.000 USD. Với sự thông minh sáng tạo, sự nỗ lực không mệt mỏi,16h ngày 23/5/1976 đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng của nhà máy khi công trình khôi phục đường ống thuỷ áp số 2 hoàn thành. Cùng với đó là đường dây tải điện 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn và 66 kV Đa Nhim – Nha Trang được thông suốt… Hiện nay, hai ống thủy lực chạy song song dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy vẫn là niềm tự hào nhất, ấn tượng nhất của nhà máy. Ban đêm, khi hệ thống điện bảo vệ bật lên, đường ống đẹp như dải lụa hình chữ S, có thể đứng cách xa mấy chục cây số vẫn nhận ra. Nhờ độ cao 800m, độ dốc tới 45O, thế năng lớn nên 2 ống thủy lực này đã cung cấp một lượng nước đủ phát điện với  sản lượng hàng tỷ kWh/năm, suất tiêu hao nước rất thấp, chỉ cần 0,56 m3 cho mỗi kWh, trong khi có những nhà máy, con số này lên tới hàng chục m3nước/kWh. Vì vậy, Đa Nhim được coi là nhà máy đạt hiệu quả cao nhất trong các nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam. Nhà máy tuy thiết kế 6.400 giờ/năm nhưng hiện nay thường xuyên chạy đến 7.000-8.000 giờ/năm, thiết bị vận hành ổn định, ít bị sự cố. 
 

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Đa NhimẢnh tư liệu.
 
Sức mạnh của sự quyết tâm
 
Cụ Nguyễn Tấn Lực - nguyên thư ký công đoàn (nay là chủ tịch công đoàn) của Thủy điện Đa Nhim từ sau giải phóng đến những năm 90 của thế kỷ trước-  không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại những ngày đầu tiếp quản nhà máy hết sức khó khăn gian khổ, lãnh đạo phải vận động kỹ sư, công nhân tăng gia sản xuất để nuôi nhau. Chợ búa không có, mọi người phải canh tác trên từng mảnh ruộng, gieo hai vụ lúa, trồng thêm những cánh đồng mía. Trước nhà máy có sân phơi lúa, trong nhà máy có cửa hàng lương thực, thực phẩm cho anh em. Mọi người chia nhau từng cân gạo, cân đường. Thiếu thốn đủ bề nhưng tất cả vẫn đoàn kết một lòng bảo vệ và duy trì hoạt động nhà máy. Không chỉ giữ gìn, những người thợ  Đa Nhim còn rất tự hào vì bằng chính sức lực và trí tuệ của mình đã sửa chữa thành công nhà máy sau chiến tranh. 
 

Đập Thủy điện Đa Nhim hiện nayẢnh tư liệu.
 
Kỹ sư Nguyễn Trọng Oánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi khẳng định, Đa Nhim không chỉ là công trình thủy điện có chất lượng tốt về thiết kế, công nghệ mà còn được bảo quản, lưu giữ cẩn thận đến từng chi tiết. Năm 1996, Nhà nước tiếp tục đầu tư 66,54 triệu USD để cải tạo thiết bị và đường dây, trong đó Nhật Bản đã cho vay ưu đãi 7 tỷ yen (tương đương 48,6 triệu USD). Năm 2005, Nhà máy được đưa vào phục hồi, đại tu toàn bộ sau 40 năm vận hành. Từ việc thay mới stator máy phát, các ổ trục đỡ, hệ thống kích từ, máy biến thế và hệ thống điều khiển máy phát điện, thay thế mới turbine, van chính, hệ thống điều tốc, hệ thống cung cấp dầu áp suất điều khiển và hệ thống thiết bị cơ khí thủy công, hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn và đường dây 230 kV Đa Nhim - Long Bình… Tất cả nguồn vốn vay để đại tu công trình hơn 620 tỷ đồng đều được Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ. Cũng trên cơ sở đó, dự án mở rộng Đa Nhim với quy mô 80MW, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng đã được JICA nhất trí tài trợ 85% vốn, dự kiến khởi công vào cuối năm 2015, phát điện vào năm 2018.
 
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim khởi công vào tháng 2/1962, chính thức phát điện tổ máy số 1 và 2 vào ngày 15/1/1964, hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 12/1964. Tính đến 30/4/2015, sau 40 năm tiếp quản, Nhà máy đã phát điện được trên 39 tỷ kWh. Nay  đất nước đã có thêm nhiều công trình thuỷ điện lớn nhưng Đa Nhim mãi mãi vẫn được coi là công trình ghi dấu ấn lịch sử của ngành thuỷ điện Việt Nam. Với những nỗ lực của mình, năm 2005, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động.
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn