Nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Tính đến hết năm 2017, NMTĐ Đa Nhim đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 42,4 tỷ kWh điện. Đặc biệt, trong năm 2017, Nhà máy đã phá kỷ lục phát điện của chính mình lập trong năm 1999 (1,33 tỷ kwh) đạt hơn 1,4 tỷ kWh, với hệ số sử dụng của Nhà máy trong năm 2017 đạt 100,13%.
Để đạt được kỷ lục này, ngoài yếu tố khách quan là do thủy văn trong năm 2017 thuận lợi, Công ty còn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, thiết bị, trong đó đã rút ngắn thời gian ngừng máy để sửa chữa bảo dưỡng. Trong năm 2017, tuy có 2 lần phải ngừng máy để tiến hành trung tu và kết hợp lắp bổ sung máy cắt đầu cực cho 2 tổ máy nhưng nhờ công tác chuẩn bị, bố trí nhân vật lực hợp lý nên thời gian ngừng máy để sửa chữa theo kế hoạch chỉ có 272 giờ (cho cả hai tổ máy) và không có thời gian ngừng máy sửa chữa đột xuất.
Đặc biệt, việc khắc phục sự cố do lỗi thiết bị trong năm 2017 đã xảy ra 4 sự cố phải ngừng tổ máy, nhưng tổng thời gian ngừng máy xử lý sự cố không quá 8 giờ. Để làm được điều này, Công ty đã thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, biện pháp khắc phục khi xảy ra sự cố và cải tiến thiết bị, cập nhật và phổ biến quy trình xử lý sự cố nên thời gian xử lý sự cố giảm nhanh.
Được biết, NMTĐ Đa Nhim là nhà máy thủy điện được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 1/1964. Nhà máy có rất nhiều điểm đáng lưu ý trong lịch sử ngành Điện Việt Nam khi đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn (160MW) đầu tiên ở Việt Nam, có cột áp cao nhất nước (800m) và có số giờ vận hành thiết kế cao nhất nước (6400 giờ).
Từ năm 1964 đến năm 1976, do chiến tranh, thủy điện Đa Nhim chỉ phát được 662 triệu kWh. Từ năm 1977, sau khi phục hồi đường ống hư hỏng, NMTĐ Đa Nhim phát huy tối đa hiệu quả của công trình, sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ sản lượng thiết kế (1,026 tỉ kWh), là 1 trong những nguồn điện chủ lực cung cấp cho toàn miền Nam trong giai đoạn trước khi đường dây 500 kV Bắc Nam đưa vào vận hành (1994).
PV/Icon.com.vn