Nhà máy Thủy điện Hòa Bình: Phát huy vai trò công trình đa mục tiêu

Thứ năm, 8/11/2018 | 13:53 GMT+7
Sau 30 năm kể từ khi thành lập nhà máy (9/11/1988-9/11/2018), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược là phát điện, chống lũ, chống hạn, đảm bảo giao thông thủy và góp phần thức đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.


Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Thành quả đó là cả sự nỗ lực cố gắng, vượt qua thách thức của các thế hệ CBCNV Công ty nhằm vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
 
Lịch sử phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình chia thành 2 giai đoạn gắn liền với quá trình hình thành các bậc thang thủy điện trên sông Đà. Giai đoạn trước năm 2010 khi chưa có các thủy điện bậc thang trên, Thủy điện Hòa Bình là nguồn điện có công suất lắp đặt lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Sản lượng điện trung bình hàng năm đạt xấp xỉ mức thiết kế (8,16 tỷ kWh). Riêng trong thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 35-40% toàn hệ thống, đáp ứng dư thừa nhu cầu điện khu vực miền Bắc; đồng thời cung cấp một phần sản lượng điện rất lớn vào Nam (qua đường dây 500 kV), góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở khu vực miền Nam khi đó.
 
Giai đoạn từ năm 2010, sau khi các bậc thang thủy điện lớn phía trên (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát) lần lượt đưa vào vận hành, sản lượng điện của thủy điện Hòa Bình tăng vọt lên xấp xỉ 10,1 tỷ kWh/năm (tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu); riêng năm 2017 đạt 11,25 tỷ kWh (và dự kiến năm nay sẽ lập kỷ lục 11,5 tỷ kWh).
 
Đến nay sản lượng điện sản xuất của Nhà máy lũy kế đã đạt gầng 230 tỷ kWh. Không chỉ sản xuất cung cấp sản lượng điện lớn, với ưu điểm là nhà máy thủy điện có hệ thống thiết bị được thiết kế, lắp đặt đồng bộ; các tổ máy có khả năng điều chỉnh chế độ làm việc nhanh nhạy nên thường xuyên đảm nhận vai trò chính trong việc điều tần và điều chỉnh điện áp, duy trì chất lượng điện năng, ổn định vận hành hệ thống điện Quốc gia.  
 
Cùng với nhiệm vụ phát điện, Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, hồ Hòa Bình đã tham gia điều tiết cắt lũ hiệu quả, bảo đảm an toàn cho hạ du, giảm thiểu các thiệt hại do mưa lũ gây ra. Từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay đã xuất hiện hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/s. Điển hình là các trận lũ lớn lịch sử xuất hiện vào tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/s; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) có lưu lượng gần 16.000 m3/s với những diễn biến rất phức tạp, khó lường nhưng đều được chế ngự; giữ vững an toàn vùng hạ du và công trình.  
 
Thực tế đã chứng minh rằng, từ khi có Thuỷ điện Hoà Bình, vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt. Hạ tầng cơ sở, các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục ... được đảm bảo an toàn; Sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng ven hạ lưu sông Đà và sông Hồng cơ bản ổn định và nâng cao; tại Hà nội đã hình thành nhiều khu vực dân cư đông đúc ngay trong lòng đê sông Hồng.
 
Cùng với đó, thủy điện Hòa Bình  điều tiết dòng chảy mùa khô góp phần quan trọng tăng cường nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải thiện giao thông thủy và các nhu cầu sử dụng nước khác ở vùng hạ du. Hằng năm, vào thời kỳ đổ ải vụ lúa đông-xuân, hồ thủy điện Hòa Bình cùng các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà tăng cường lưu lượng xả, nâng cao mực nước hạ lưu cho các trạm bơm thủy lợi vận hành lấy nước tưới. Trong đó, lượng xả tăng cường từ hồ Hòa Bình khoảng 3-4 tỷ m3 (chiếm 65-70% tổng lượng xả từ các hồ).
 
Trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu (từ 600÷800 m3/s) luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm từ 0,6÷2,5 m, giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng được lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.
 
Việc tăng lưu lượng dòng chảy phía hạ lưu trong mùa cạn cũng góp phần tích cực cải thiện môi trường, đẩy mặn các khu vực cửa sông ra biển; tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.
 

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
 
Đặc biệt, ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính nêu trên, Thủy điện Hòa Bình còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm, Công ty đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của địa phương và các tỉnh liên quan. Những năm gần đây, riêng các khoản nộp cho tỉnh Hòa Bình lên đến 1.200-1.400 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh; nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300-450 tỷ đồng/năm; đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho 6 tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỷ đồng/năm. 
 
Hồ thủy điện Hòa Bình còn cung cấp toàn bộ nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của thành phố Hòa Bình và khu công nghiệp Bờ trái sông Đà với lưu lượng (hiện nay) khoảng trên 30.000 m3/ngày đêm.    
 
Với lợi thế Nhà máy ngầm trong núi, đập và hồ chứa lớn; cách không xa thủ đô Hà nội; đồng thời có nhiều quần thể kiến trúc, cảnh quan đẹp. Công ty đã phối hợp cùng ngành du lịch của tỉnh, khai thác lợi thế này để làm phong phú thêm các tour du lịch và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Điểm đặc biệt là hồ Hòa Bình với diện tích 200 km2, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia.

Với tư cách là chủ hồ, Công ty luôn nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp để bảo vệ hồ chứa, chống các hoạt động xâm lấn trái phép gây ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường nước.
 
Để có được thành công trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao Công ty luôn chấp hành đúng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bám sát các chỉ đạo của các Bộ ngành ở Trung ương và EVN; cũng như chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổ chức quản lý hoạt động sản xuất của Công ty ổn định và hiệu quả. 
Kim Thái/Icon.com.vn