Sự kiện

Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông: Vào giai đoạn nước rút

Thứ ba, 4/2/2014 | 08:28 GMT+7
Việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xem là “cứu cánh” giải quyết tình trạng thiếu điện cho TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ năm 2014. Vào giai đoạn nước rút này, trên công trường thi công dự án này đang dấy lên phong trào thi đua liên kết từ phía các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và chính quyền địa phương nhằm hoàn thành dự án trong tháng 4/2014, đúng với tiến độ được giao, lập thành tích chào mừng ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 1/5.
   


Không khí khẩn trưởng trên công trường thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: NPT

Kỷ lục về triển khai kéo dây

Đánh giá của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phần móng đã hoàn tất và hành lang tuyến cũng hoàn thành chi trả tiền từ nay đến hết tháng 2 này để bàn giao cho nhà thầu thi công. 48/123 khoảng néo đã đủ điều kiện đền bù, bàn giao cho nhà thầu dựng cột và kéo dây trong tháng 1 và 2. Các khoảng còn lại sẽ triển khai kéo cuối tháng 2 và đến khi hoàn thành. Các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị đang được tiến hành khẩn trương như cột thép, cáp quang và phụ kiện; Dây dẫn, dây chống sét đã hoàn thành giao hàng cho nhà thầu. Gói thầu cách điện và phụ kiện đợt 1, 2 đã giao, đợt 3 là đợt kết thúc sẽ giao hàng vào ngày 25/2, đủ điều kiện phục vụ kéo dây. Các gói thầu khác đang tiến hành bàn giao trong tháng 3; trong đó nhà thầu Trung Quốc cam kết rút ngắn thời gian cấp hàng 6 cuộn kháng về Pleiku và 6 cuộn kháng còn lại ở khu vực Cầu Bông, khoảng từ 1-1 tháng rưỡi. Công tác đúc móng cũng đạt 914 vị trí, chiếm tỷ lệ 98,7%, dựng cột đạt tỷ lệ 73,4%.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban AMT cho biết, từ tháng 1, các đơn vị thi công bắt đầu triển khai kéo dây trên toàn tuyến và 3 tháng kéo dây với khối lượng trên 437km thực sự là một thành tích kỷ lục. “Với quyết tâm của chủ đầu tư, sự phối hợp của chính quyền địa phương, công tác điều hành của đơn vị quản lý dự án và năng lực của đơn vi thi công, đến thời điểm hiện nay, chúng tôi có thể khẳng định kiểm soát được tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT là đóng điện vào tháng 4 năm nay”, ông Tuyến nói.

Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 tham gia các gói thầu số 1, số 4 (ở Đắc Lắc) và số 8 (Đắc Nông) gồm mở rộng trạm 500kV Pleiku và 50km đường dây. Xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, nên Công ty đang tập trung nhân lực đảm bảo thi công chất lượng và đáp ứng tiến độ. Thời gian cao điểm bố trí 8 đơn vị tham gia. Phó Giám đốc Mai Ngọc Dương cho biết, hiện khối lượng thực hiện tại trạm 500kV Pleiku đã đạt trên 70%, đảm bảo đúng tiến độ là xong trước tháng 4. Khối lượng còn lại là chờ thiết bị chính về lắp đặt.

Thi công hai gói thầu 13 và 14 với tổng số 141 vị trí, tổng chiều dài 68,3km, Công ty CP Xây lắp điện 1 là một trong những nhà thầu mạnh nhất trên công trường đường dây 500kV mạch 3 này do sử dụng hoàn toàn thiết bị tự động phục vụ công tác kéo dây như máy kéo rải dây bằng phi thuyền có thể kéo 8 dây cùng một lúc. Tại vị trí 7101 thuộc huyên Phú Giáo, Bình Dương. Phó Tổng Giám Công ty Đặng Văn Nghĩa cho biết, công nghệ kéo dây bằng phi thuyền có ưu điểm không ảnh  hưởng đến hoa màu ở bên dưới và không phải đền bù, thời gian thi công nhanh, cùng đó, chất lượng dây và chất lượng công trình được đảm bảo.

Vì mục tiêu đảm bảo cấp điện cho miền Nam sớm ngày nào hay ngày ấy, theo ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, Tổng công ty này đã động viên các nhà thầu bố trí lực lượng thi công tập trung trong dịp Tết. Ngoài các đơn vị xây lắp có chế độ cho công nhân ở lại ăn Tết trên tuyến, EVNNPT còn yêu cầu Ban AMT tập trung hoàn tất các thủ tục nghiệm thu thanh toán sớm các khối lượng xây lắp đã hoàn thành, thi công đến đâu, giải quyết công nợ đến đó để nhà thầu có đủ kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, EVNNPT còn thường xuyên tổ chức tặng quà động viên anh em công nhân trên tuyến, hội đồng bồi thường các địa phương, từ đó tạo được khí thế thi đua sôi nổi trên toàn công trường. Đơn cử như Công ty Xây lắp điện 1, để hoàn thành kéo dây trong tháng 3, Công ty bố trí công nhân làm cả trong những ngày Tết; đồng thời bố trí cán bộ trực với công nhân trên tuyến và có chế độ ưu đãi khuyến khích anh em làm việc trong Tết.

Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển nhận xét: “Từ Chiến dịch thi đua 55 ngày đêm cuối tháng 9 năm ngoái tại huyện Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong công nhân xây lắp, lực lượng quản lý dự án, tư vấn giám sát, hội đồng bồi thường của các tỉnh có đường dây đi qua, nhất là sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng trên tuyến tạo điều kiện sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công”.

Vượt những nút thắt cuối cùng

Theo Phó Giám đốc Mai Ngọc Dương, trong quá trình thi công, vướng mắc nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do người dân chưa hiểu hết chế độ chính sách của nhà nước, nhất là đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo và quyết tâm của EVNNPT, Ban AMT, cùng nhà thầu kết hợp với chính quyền địa phương, đảm bảo đền bù đúng chế độ chính sách và đúng tiến độ công trình.

Đơn cử như ngay sau khi có văn bản của EVN, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có văn bản gửi cho các công ty cao su trực thuộc như Phú Riềng, Chư Pảh thống nhất đơn giá đền bù  của UBND tỉnh Gia Lai. Một số khu vực tính toán quá đơn giá của tỉnh thì báo cáo tập đoàn này  phê duyệt nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

“Vấn đề còn lại chủ yếu là nhà dân vì sau Tết phải tháo dỡ gần 700 nhà trên hành lang tuyến; trong đó nhiều nhất là khu vực tỉnh Đắc Nông, Bình Phước và Bình Dương. Nguyên nhân chính là dân vẫn chưa đồng tình với đơn giá đền bù của tỉnh do không phù hợp với thực tế. Trong đó, mặc dù các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đã tính toán giá đền bù tương đương giá bán tại thời điểm. Tuy nhiên, với cách làm và tiến độ hiện nay, ngành điện sẽ tìm mọi biện pháp cùng với chính quyền địa phương đưa ra các phương án để người dân đồng tình mặc dù không dễ dàng. Cái lo nhất là phải khởi động ngay từ giai đoạn này, nếu chờ vật tư đầy đủ để ra Tết triển khai thì sẽ không kịp tiến độ”, ông Tuyển lo lắng.
 
Song song với đó, các dự án có liên quan như trạm 500kV Cầu Bông và đường dây 220kV Cầu Bông-Đức Hòa, trong tháng 4 cũng phải xong mới giải tỏa hết công suất của đường dây 500kV mạch 3 này. Như vậy, lực lượng xây lắp phải triển khai đồng loạt trên toàn tuyến. Ông Tuyến cho biết, biểu đồ nhân lực trên toàn tuyến vào tháng 3 và tháng 4 phải tối thiểu có trên 2000 công nhân lành nghề với khoảng 80 đội thi công chuyên dựng cột và kéo dây mới đảm bảo tiến độ hoàn thành vào tháng 4 tới.

Theo tính toán, khi hoàn thành dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đúng tiến độ vào tháng 4 năm nay, Miền Nam sẽ không phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng khoảng 400 triệu kWh, điều đó cũng có nghĩa là tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng và có thể hơn nếu nhu cầu phụ tải tăng cao.

Dưới sức ép của thời gian không cho phép kéo dài hơn kế hoạch đã định, Ban AMT đang cùng với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế phát huy thương hiệu vốn có qua các công trình lưới điện trọng điểm cấp bách của các đơn vị tập trung tổ chức thi công nước rút từng ngày trên công trường, kể cả trong dịp tết Nguyên Đán, quyết tâm đưa dự án đường dây 500kV mạch 3 về “đích” đúng hẹn./.

 
Mai Phương