Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Nikkei Asia Review, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm nảy sinh một nguy cơ mới cho nền kinh tế Nhật Bản, đó là khả năng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho ngành năng lượng của nước này sẽ bị gián đoạn và khiến nhiều khu vực ở Nhật Bản phải rơi vào tình trạng thiếu điện.
Do LNG không phù hợp để tích trữ trong dài hạn nên dự trữ LNG của Nhật Bản chỉ đảm bảo sử dụng trong 2 tuần. Tuy nhiên, các nhà máy điện chạy LNG lại đang cung cấp tới 40% nhu cầu điện năng của Nhật Bản. Đáng chú ý, tất cả LNG mà các nhà máy này đang sử dụng lại nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á.
Để bảo vệ nguồn nhiên liệu này, JERA - nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất Nhật Bản do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và Công ty Điện lực Chubu đồng sở hữu - đã bắt đầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với tuyến đầu của cuộc chiến này. Đó là các cảng, nơi nhiên liệu được xếp dỡ.
Tại phòng họp của một nhà máy điện của JERA ở quận Shinagawa của thủ đô Tokyo, nơi cung cấp điện cho vùng thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận, hàng loạt các lều dành cho một người đã được dựng lên. Một quan chức của JERA nói: "Chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để duy trì nguồn cung ổn định ngay cả khi dịch bệnh lan rộng".
Nếu việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng trở nên quá rủi ro, các nhân viên sẽ ngủ lại tại nhà máy. Trình tự công việc đã được thay đổi để đảm bảo cho nguồn cung LNG thông suốt. Khi một tàu chở LNG cập cảng, các nhân viên trên bờ sẽ không được phép lên tàu.
JERA đã dựng sẵn các lều tại các nhà máy điện khác giống như họ đã làm ở Tokyo để các nhân viên có thể ở lại nếu dịch bệnh lây lan. Các biện pháp bất thường này cho thấy tầm quan trọng của các nhà máy điện như thế nào.
Vịnh Tokyo, trải dài từ tỉnh Chiba, thủ đô Tokyo tới tỉnh Kanagawa, là trung tâm phát điện bằng LNG quan trọng nhất của Nhật Bản. JERA đang điều hành nhiều nhà máy điện ở đó, và tất cả đều chạy bằng LNG.
Chiếm tới 30% trong tổng công suất phát điện bằng LNG của Nhật Bản, các nhà máy của JERA đang sản xuất 26 triệu KW. Nếu dịch COVID-19 buộc các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, toàn bộ vùng thủ đô Tokyo sẽ ngay lập tức mất điện.
Hiện nay, LNG là một trụ cột của ngành năng lượng Nhật Bản. Trước khi thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 xảy ra ở Nhật Bản, LNG chỉ chiếm 28% trong tổng công suất phát điện của nước này. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 40% trong tài khóa 2017 khi nhiều nhà máy điện hạt nhân đã phải ngừng hoạt động sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.
Mặc dù một số nhà máy điện hạt nhân đã hoạt động trở lại nhưng với tiêu chuẩn mới khắt khe nhất trên thế giới, chỉ có 3 trong số 10 nhà máy điện hạt nhân có thể khôi phục hoạt động. Hơn thế nữa, dịch COVID-19 đang tiếp cận với các nhà máy điện hạt nhân.
Gần đây, một nhà thầu làm việc tại Nhà máy Điện hạt nhân Genkai ở tỉnh Saga, phía Nam Nhật Bản, đã dương tính với SARS-CoV-2 và hoạt động xây dựng tại nhà máy này đã phải tạm ngừng.
Trong quá khứ, Nhật Bản thường cố gắng duy trì nguồn năng lượng đa dạng, trong đó có điện hạt nhân, LNG, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo, do quốc đảo này vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu.
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thừa nhận "việc phụ thuộc tới gần 50% vào nguồn điện năng chạy bằng LNG là rất mất cân đối".
Không giống như dầu mỏ, việc dự trữ LNG là rất khó khăn. Sau cú sốc dầu mỏ Arab vào đầu những năm 1970, Nhật Bản đã thông qua luật về dự trữ dầu mỏ, và khu vực tư nhân sẽ dự trữ khoảng 200 ngày nhu cầu.
Một nhân viên của công ty năng lượng tư nhân cho biết ngay cả khi việc vận chuyển dầu mỏ bị cản trở, "chúng tôi vẫn có thể tiếp tục hoạt động cho đến khi dịch bệnh tạm lắng".
Trong khi đó, LNG không thể dự trữ với khối lượng lớn vì thành phần của chúng. Để vận chuyển bằng tàu trong một quãng đường dài, khí đốt sẽ được làm lạnh xuống âm 162 độ C và tại nhiệt độ đó, khí đốt sẽ bị hóa lỏng. Tuy nhiên, LNG bị bốc hơi trong quá trình vận chuyển. Đó là lý do vì sao dự trữ LNG của Nhật Bản chỉ có 2 tuần tại bất cứ thời điểm nào.
Việc vận chuyển LNG từ Trung Đông tới Nhật Bản bằng tàu biển phải mất gần 1 tháng. Nếu các tàu chở LNG cập cảng một cách đều đặn, việc một vài tàu chở LNG không thể cập cảng sẽ chưa gây ra khủng hoảng ngay lập tức. Tuy nhiên, việc nếu tình trạng này kéo dài, điều đó sẽ gây ra vấn đề lớn.
Ấn Độ đã không thể nhập khẩu LNG sau khi tiến hành phong tỏa toàn quốc vào cuối tháng Ba. Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ sẽ không phong tỏa nhưng nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, điều đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu LNG.
Một quan chức tại hãng thương mại lớn nói: "Chỉ cần một người trên tàu bị nhiễm virus, điều đó đồng nghĩa với việc phải xét nghiệm toàn bộ thủy thủ đoàn và con tàu đó cần phải khử trùng, và có khả năng con tàu đó sẽ bị cấm cập cảng LNG".
Một người trong ngành điện nói Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong năm nay và vì vậy, "thời điểm xảy ra (dịch bệnh) là rất tệ". Công ty điện hạt nhân Sendai ở tỉnh Kagoshima đã phải đóng cửa vào tháng trước vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về chống khủng bố.
Lò phản ứng số 3 của Nhà máy Điện hạt nhân Ikata ở tỉnh Ehime cũng đã ngừng hoạt động theo lệnh của tòa án. Số lượng nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động trong năm nay dự kiến sẽ giảm gần 50% so với con số 9 nhà máy hiện nay. Vì vậy, Nhật Bản không thể dựa nhiều vào điện hạt nhân.
Tỷ lệ tự cung, tự cấp năng lượng của Nhật Bản hiện chỉ khoảng 10%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40% của lương thực. Xu hướng giảm lượng phát thải khí CO2 đã dẫn tới sự phản đối đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than. Vì vậy, sự phụ thuộc vào LNG có thể sẽ tăng lên.
Một trong những lý do mà TEPCO đang chạy đua để tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata đó là vì "việc phụ thuộc quá lớn vào các nhà máy nhiệt điện chạy LNG ở vịnh Tokyo đang gây ra rủi ro lớn cho nguồn cung điện ổn định.
Dịch COVID-19 đang là phép thử đối với Chính phủ và các công ty điện lực Nhật Bản về việc đa dạng hóa nguồn năng lượng để chuẩn bị cho các nguy cơ đối với nguồn cung.