Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân - Tái định cư thủy điện Tuyên Quang.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các cơ quan có thẩm quyền. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân - Tái định cư thủy điện Tuyên Quang về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Xin ông cho biết, lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1766/QĐ-TTg ngày 10-10-2011?
Ông Nguyễn Văn Định: Dự án xây dựng công trình thủy điện Na Hang (nay là thủy điện Tuyên Quang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 288/QĐ-TTg, ngày 19-4-2002, triển khai đầu tư xây dựng năm 2003 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2007 với lợi ích tổng hợp to lớn. Theo đó, hàng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia 1.295,83 triệu KWh; tham gia chống lũ cho hạ du với dung tích phòng lũ 01 tỷ m3 làm giảm lũ cho thành phố Tuyên Quang từ 2,5 - 2,7 m và giảm lũ cho Hà Nội từ 0,4 - 0,42 m; cung cấp nước ngọt mùa kiệt cho hạ du.
Hợp phần di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ tách riêng thành dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư dự án trên địa bàn của tỉnh thực hiện theo Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg, ngày 12-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang.
Dự án đã tổ chức di chuyển và bố trí sắp xếp tái định cư cho 4.116 hộ, 20.382 nhân khẩu. Trong đó, di chuyển về các điểm tái định cư 3.843 hộ, 19.072 nhân khẩu; tự di chuyển trong và ngoài tỉnh 268 hộ, 1.310 nhân khẩu được bố trí ở 125 điểm thuộc 42 dự án tái định cư trên địa bàn các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang và tự di chuyển trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Năm 2010, sau khi đã tổ chức xong việc bồi thường và di chuyển tái định cư, tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện công tác di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang. Qua đó thấy rằng, đời sống của người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, diện tích đất sản xuất mới đạt mức trung bình 400 m2 đất hai vụ lúa/nhân khẩu; đất sản xuất lâm nghiệp hầu như chưa có; cơ cấu ngành nghề chưa có chuyển biến tích cực, hầu hết vẫn là sản xuất nông nghiệp, kỹ năng sản xuất và năng suất cây trồng vẫn còn khoảng cách so với người dân sở tại; đất ở mới đạt mức trung bình 300 m2/hộ cần tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ; hạ tầng vùng tái định cư còn chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ cần tiếp tục được đầu tư.
Do vậy, tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập dự án bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện để người dân tái định cư ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên cơ sở đó, ngày 10-10-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1766/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Khu tái định cư thôn Tân Hoa, xã Tân An (Chiêm Hóa). Ảnh: Quốc Việt
Phóng viên: Quyết định 1766/QĐ-TTg có những mục tiêu cơ bản như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Định: Quyết định số 1766/QĐ-TTg với tổng mức đầu tư được duyệt là 1.868,935 tỷ đồng, tiến độ thực hiện bắt đầu năm 2011, kết thúc năm 2016 nhưng do khó khăn chung của đất nước, Chính phủ chưa cấp đủ vốn theo tiến độ dự án. Đến nay, Chính phủ mới cấp 919,331 tỷ đồng, đạt 49,2%, do vậy Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 169/TTg-KTN, ngày 27-1-2016 cho phép kéo dài đến hết năm 2020.
Mục tiêu cơ bản của dự án tập trung ở một số nội dung sau:
Tạo thêm quỹ đất ở tại những nơi có điều kiện về quỹ đất để giao cho hộ tái định cư đủ theo quy mức 400 m2/hộ tái định cư nông nghiệp, 200 m2/hộ tái định cư phi nông nghiệp; đất sản xuất: Hộ tái định cư nông nghiệp được giao 500 m2/nhân khẩu đất quy hai vụ lúa; mỗi hộ tái định cư nông nghiệp được giao thêm đất trồng rừng sản xuất từ 0,5 ha/hộ trở lên. Những nơi không có đất lâm nghiệp thì quy đổi ra đất ruộng, đất trồng màu để giao thay thế tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương.
Đầu tư ổn định đời sống, phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, khuyến khích chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho khoảng 2.500 lao động; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm cho 3.923 hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng hầm biogas hoặc nhà vệ sinh tự hoại cho 7.076 hộ, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân tái định cư.
Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cho 945 công trình, bao gồm: Đầu tư nâng cấp các công trình đã đầu tư theo Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo chính sách tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số công trình xây dựng bị xuống cấp; các công trình có danh mục tại Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg nhưng chưa thực hiện đầu tư và các công trình bổ sung mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!