Tiến độ công trình

Nhiều công trình nguồn điện chậm tiến độ

Thứ sáu, 30/11/2007 | 08:06 GMT+7

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải cao trong giai đoạn đến năm 2010, TCty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xây dựng 32 nhà máy điện, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện. Trong vòng từ năm 2003-2005, EVN đã khởi công xây dựng từ khoảng 14 nhà máy thuỷ điện.

                                                                   

                                                                                                                       Thủy điện Plei Krông

Theo EVN, trên thực tế, không một nhà thầu nào có thể đảm nhận thực hiện được tổng thầu EPC hay toàn bộ các công việc thi công xây lắp của một nhà máy, chưa nói đến đồng loạt triển khai hơn chục công trình. Trong trường hợp, chỉ riêng một TCty thực hiện thì các nhà máy này sẽ xây dựng mất khoảng 30-40 năm. Xét về năng lực, để đảm bảo tiến độ thực hiện phải có nhiều tổ hợp nhà thầu mới thực hiện được khối lượng công việc nói trên. Chưa nói đến, nếu khối lượng lớn công việc mà chỉ giao cho một nhà thầu sẽ tạo ra “bệnh đầu to”, trong khi một nhà thầu làm không hết việc, thì nhiều đơn vị khác lại thiếu việc làm, năng lực thiết bị không được phát huy.

Cơ chế “797” ra đời trong hoàn cảnh trên. Xét ở góc độ thời điểm thì Quyết định “797” của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với thực tế.

“797” ra đời với mục đích rút ngắn thời gian thi công công trình được từ 1-2 năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện vào những năm 2007-2008, nâng cao năng lực tài chính cho các nhà thầu là doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực tư vấn trong nước...Song, cho đến nay, khi mà một số công trình đã chậm tiến độ, thì đã có thể đánh giá về những hạn chế của việc thực hiện cơ chế này . Thay vì rút ngắn tiến độ được từ 1 đến 2 năm thì hầu như các công trình của “797” đều chậm từ 1 đến 2 năm, do các nguyên nhân: đơn vị thi công phải bỏ cuộc do năng lực thi công yếu; việc cung cấp thiết bị không kịp thời; các đơn vị tư vấn bị quá tải nên chậm cung cấp bản vẽ thi công và không đủ nhân lực để xử lý thiết kế tại hiện trường; chậm giải ngân....

Đơn cử như thuỷ điện Bản Vẽ, cho đến thời điểm hiện nay, có thể kết luận tiến độ thi công chậm so với tiến độ chạy máy đã được hiệu chỉnh (tiến độ chạy máy đã hiệu chỉnh là tháng 10/2008). Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra Chính phủ, thì sớm nhất là tháng 3/2009 mới có thể chạy máy. Đối với công trình thuỷ điện Bản vẽ, mặt bằng chật hẹp và thời tiết không thuận lợi chỉ  làm hạn chế thi công, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của đơn vị thi công yếu cả về thiết bị và nhân lực.

So với tiến độ đã phê duyệt, thuỷ điện A Vương cũng bị chậm tiến độ phát điện 1 năm  và như các công trình thuỷ điện đang thi công khác, Thuỷ điện A Vương cũng trong tình trạng khó huy động nhân công. Bên cạnh đó,  tình trạng bị cắt điện  gây ảnh hưởng đến thi công do áp dụng giải pháp cắt điện sa thải của EVN triển khai xuống các đơn vị. Hiện nay ở công trình thuỷ điện Bản vẽ phải thực hiện song hành 2 văn bản là: cắt điện sa thải và ưu tiên cấp điện cho công trình trọng điểm. Ai cũng hiểu là hai văn bản trên mâu thuẫn với nhau, nhưng không có điều kiện cắt tỉa nên cuối cùng là chỉ thực hiện được một văn bản là “cắt điện” (!?)....

Theo đáng giá của Đoàn công tác Chính phủ, ngoài một số dự án như thuỷ điện Đại Ninh, Sê San 4, Quảng Trị và nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Sơn Động cơ bản đáp ứng theo tiến độ, còn lại các dự án dự kiến đưa vào vận hành 2008-2009, như: thuỷ điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Ba Hạ, Plei Krông, Bản Vẽ, A Vương... đều bị chậm, nhiều nhất đến 2 năm so với tiến độ phát điện đã được quy định trong Quy hoạch Điện VI. Ở hầu hết các dự án, nhân lực và thiết bị xe máy của các nhà thầu thi công đều chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân chính là do các nhà thầu đang đồng thời tham gia thi công ở nhiều dự án nên lực lượng bị dàn trải, năng lực tài chính của nhà thầu hạn chế. Vai trò của Tổng thầu không được phát huy đầy đủ và khó điều hành do các nhà thầu đã được cổ phần hóa. Phần lớn các dự án việc cung cấp bản vẽ công nghệ và thiết bị công nghệ của nàh thầu bị chậm và không đồng bộ (đặc biệt là nhà thầu Harbin ở dự án thuỷ điện Tuyên Quang và nhà thầu Power Machine ở dự án thuỷ điện Pleikrông) đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tiến độ phát điện.

Căn cứ vào cân đối công suất hệ thống và nhu cầu sử dụng, 2008 là năm có khả năng thiếu điện. Cơ chế “797” ban hành với mục tiêu quan trọng nhất là khắc phục tình trạng thiếu điện. Nhưng theo đánh giá của Đoàn kiểm tra Chính phủ thì hầu như các dự án được triển khai theo cơ chế này đều không đảm bảo tiến độ phát điện theo kế hoạch ban đầu. Như vậy, điều dễ nhận thấy là  cơ chế đặc biệt này đã không đạt được hiệu quả như mong muốn./ 

Thanh Mai