Nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh) sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ngày 4/9, tại chuỗi hội thảo chuyên ngành về năng lượng do Công ty Informa Markets Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Năng lượng đô thị châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội Internet Việt Nam, cùng một số đơn vị khác tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với mức đầu tư đạt 6% GDP và cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,3% của khu vực ASEAN.
Theo đó, doanh nghiệp đang có những cơ hội lớn để phát triển các dự án “xanh - sạch”, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ điện lạnh, trung tâm dữ liệu và tòa nhà thông minh.
Cụ thể, bà Lữ Minh Quyên, Quản lý dự án cấp cao của công ty Informa Markets Việt Nam cho biết, số liệu từ Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu cho thấy Việt Nam cần huy động trung bình 25 tỷ USD mỗi năm cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong khi ngân sách quốc gia chỉ đáp ứng được khoảng 15 tỷ USD. Điều này đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra không ít cơ hội cho cả khu vực công và tư nhân trong việc xúc tiến đầu tư và phát triển các dự án chiến lược.
Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ–TTg ngày 15/5/2023, đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%. Trong số đó, điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi là 4%, điện mặt trời là 8,5%.
Với yêu cầu thiết yếu của việc chuyển đổi sang năng lượng “xanh - sạch”, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng mạng lưới kinh doanh, kết nối đối tác, và tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành năng lượng. Bởi ngành năng lượng “xanh - sạch” đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của hầu hết ngành sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do và ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại ở nhiều nước.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam phân tích, ngành lạnh và điều hòa không khí hiện nay có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cũng như trong cuộc sống của con người. Các ngành công nghệ cao từ bán dẫn, vi mạch… cho đến những lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu như thủy – hải sản, nông sản… cũng không thể thiếu được sự tham gia của ngành lạnh.
Đặc biệt năm 2023, Việt Nam lọt top 4 quốc gia châu Á xuất khẩu chip bán dẫn lớn nhất vào Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ của những ngành công nghiệp kỳ lân mới như trung tâm dữ liệu, công nghệ sinh học, sản xuất chất bán dẫn… đã dự báo về tương lai của nhu cầu HVAC (hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí cho một không gian, môi trường), hệ thống làm lạnh và công nghệ tòa nhà thông minh tăng cao.
Ngành lạnh hết sức quan trọng, nhưng cũng có những mặt trái như tiêu hao một lượng điện năng rất lớn. Thống kê hiện nay, ngành lạnh tiêu hao khoảng 16%-20% tổng lượng điện tiêu hao chung trên thế giới và đến năm 2030 có thể lên đến 30%.
Vấn đề này đặt ra bài toán đòi hỏi ngành năng lượng nói chung và ngành lạnh nói riêng, vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vừa phải tiết kiệm năng lượng và chống phát thải khí nhà kính, bảo vệ sự nóng lên của trái đất. Do đó, cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, tại Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp xanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giải phát thải khí nhà kính.
Còn liên quan đến thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, đại diện một số hiệp hội chỉ ra rằng, thị trường này đang thống trị bởi các công ty viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom... Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế với nguồn vốn mạnh như Công ty Gaw Capital đến từ Hồng Kông, Công ty Worldwide DC Solution (Singapore), Tập đoàn NTT (Nhật Bản)…
Sự phát triển nhanh chóng của trung tâm dữ liệu cũng đòi hỏi nguồn cung năng lượng ổn định và tin cậy, cùng công nghệ HVAC hiện đại. Bên cạnh đó, những công nghệ hướng đến phát thải ròng bằng 0 đang định hình lại bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu.
Khi những mối lo ngại về tính bền vững cho môi trường tăng cao, các nhà vận hành trung tâm dữ liệu trong thời gian tới sẽ ngày càng tập trung tìm kiếm những công nghệ giảm thiểu lượng khí thải carbon, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu kép về lợi nhuận kinh tế, đồng thời đảm bảo cho môi trường này sẽ thúc đẩy nhu cầu về năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ HVAC sang hướng bền vững trong những năm tới sẽ mở ra một hệ sinh thái cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.
Theo ông Peter Lundberg, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Năng lượng Đô thị châu Á-Thái Bình Dương (APUEA), Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng. Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức kép vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vừa giải quyết nhu cầu cấp thiết về giảm lượng khí thải carbon.
Để đối phó với những thách thức này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính Net-Zero vào năm 2050. Đây là nhiệm vụ không hề nhỏ nhưng là một nhiệm vụ cần thiết và trong bối cảnh này tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Peter Lundberg chia sẻ thêm, quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ liên quan đến năng lượng tái tạo, mà còn là việc sử dụng năng lượng thông minh hơn. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế đã chỉ ra rằng, hiệu quả sử dụng năng lượng cũng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi này cũng như sự phát triển của năng lượng tái tạo, nên cần áp dụng các công nghệ và tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Link gốc